Chữa chảy mủ tai ở trẻ em thế nào?

Chảy mủ tai ở trẻ em là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau ở tai, phổ biến nhất là viêm tai giữa. Khi bé bị chảy mủ ở tai, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc.

1. Viêm tai giữa chảy mủ ở trẻ em là gì?

Tai giữa là bộ phận nằm ở giữa của tai, có ống thính giác thông xuống dưới vùng hầu họng để đưa chất bẩn và dịch ra ngoài. Thông thường, ống thính giác của trẻ sẽ ngắn hơn so với người lớn nên dịch bẩn dễ bị ứ đọng bên trong gây ra tình trạng viêm nhiễm biểu hiện qua những dấu hiệu như đau ngứa tai, sốt, chảy dịch,... Viêm tai giữa có mủ ở trẻ em sẽ diễn tiến qua 2 giai đoạn cụ thể như sau:

  • Giai đoạn khởi phát: Là giai đoạn chưa xuất hiện mủ bên trong hòm nhĩ.
  • Giai đoạn toàn phát: Gồm thời kỳ ứ mủ và vỡ mủ màng nhĩ. Khi trẻ viêm tai giữa mủ nghĩa là bệnh đã sang giai đoạn toàn phát, nếu không được điều trị tích cực có thể gây vỡ mủ và thủng màng nhĩ.
    • Giai đoạn ứ mủ: Bên tai bị viêm nhiễm thường đau nhiều, ù tai và giảm thính lực. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp các dấu hiệu khác như ho, sốt, chảy mũi,...
    • Giai đoạn vỡ mủ: Thời điểm này dịch trong tai trẻ đã chảy ra ngoài, các biểu hiện khó chịu lúc trước cũng giảm hơn so với thời kỳ còn ứ mủ. Dịch ở tai có thể màu vàng đặc, dạng nhầy và có thể tiếp diễn một số triệu chứng như ho, sốt, chảy nước mũi,... Mặc dù viêm tai giữa không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu trẻ có chảy mủ dịch từ tai mà không điều trị có thể dẫn tới tiêu xương, thủng màng nhĩ, viêm màng não, viêm tai xương chũm,...

2. Nguyên nhân gây viêm tai giữa chảy mủ ở trẻ em

Có rất nhiều tác nhân gây bệnh có thể dẫn tới viêm tai giữa ở trẻ em, cụ thể như:

  • Tụ cầu vàng.
  • Phế cầu.
  • Virus hợp bào hô hấp.
  • Liên cầu khuẩn nhóm A.
  • Haemophilus influenzae.
  • Vi khuẩn lao gây bệnh từ phổi.

Các nguyên nhân bệnh lý khác gây viêm tai giữa của trẻ có thể kể đến như rối loạn chức năng vòi nhĩ, bệnh đường hô hấp (viêm xoang, viêm mũi, viêm họng,...). Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ gây viêm tai giữa là:

  • Cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh: Vòi nhĩ nối mặt sau cổ họng với tai, nếu vòi nhĩ tắc sẽ làm cho các chất thải bị ứ đọng, gây nhiễm trùng. Do ở trẻ cấu trúc tai chưa hoàn thiện, vòi nhĩ ngắn và hẹp nên rất dễ bị tắc, từ đó dẫn tới viêm tai
  • Môi trường sống thay đổi, khói thuốc lá, bụi bẩn cũng làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ em

3. Chữa chảy mủ tai ở trẻ em như thế nào?

Khi trẻ bị chảy mủ tai do viêm tai giữa, việc kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kèm chế độ chăm sóc khoa học sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn. Một số phương pháp điều trị chảy mủ tai do viêm tai giữa ở trẻ em có thể tham khảo:

  • Không tự ý dùng thuốc mà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Trẻ cần được uống thuốc theo đơn để tránh tác dụng phụ.
  • Điều trị kháng sinh do bác sĩ chỉ định để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn, tránh viêm nhiễm tái phát.
  • Điều trị giảm đau bằng cách chườm ấm, dùng thuốc giảm đau phù hợp theo chỉ dẫn bác sĩ.
  • Có thể bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc và điều trị tại nhà nếu trẻ đau tai nhẹ, đau ít hơn 48 giờ và sốt dưới 30 độ C. Lúc này phụ huynh nên vệ sinh tai trẻ đúng cách và vệ sinh mũi họng thường xuyên để tránh bệnh lây lan.
  • Vệ sinh tai: Dùng nước muối sinh lý nhỏ để làm loãng dịch, tăm bông mềm lau nhẹ, tránh làm tổn thương ống tai, không nút kín tai bởi dịch sẽ không thoát ra được, làm tình trạng viêm nặng nề hơn.
  • Vệ sinh mũi hàng ngày, tốt nhất là dùng nước ấm để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Cho trẻ súc họng nước muối thường xuyên, với trẻ nhỏ cần rơ lưỡi để đảm bảo khoang miệng luôn sạch.
  • Trong trường hợp trẻ bị viêm tai giữa mủ tái phát nhiều lần, có thể xem xét dùng ống thông tai để dẫn lưu mủ. Bác sĩ sẽ đặt 1 ống nhĩ nhỏ ở lỗ mở màng nhĩ để thông khí tai giữa và giảm tích tụ dịch lỏng. Ống thông tai sẽ được tháo ra khi viêm tai giữa không còn tái phát sau 6 - 12 tháng.
  • Nen cho trẻ bú mẹ tích cực để bổ sung kháng thể chống lại các bệnh tật. Bổ sung chất xơ từ các loại rau dền, rau muống rất tốt cho trẻ viêm tai giữa bởi giúp trẻ tránh triệu chứng ù tai.
  • Tránh cho trẻ ăn các loại đồ khô cứng khiến trẻ phải nhai nhiều, ảnh hưởng đến sự phục hồi của loa tai giữa, từ đó bệnh sẽ lâu khỏi hơn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe