Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, bạn có thể nổi mụn nhọt ở hậu môn dưới dạng sẩn, mụn mủ hoặc nốt... Các loại mụn ở hậu môn thường không gây đau nhưng bị kích thích khi đi vệ sinh. Tổn thương nếu xâm nhập sâu hơn sẽ tạo thành các vết nang, nốt và nguy cơ cao để lại sẹo.
1. Nguyên nhân nổi mụn nhọt ở hậu môn
Người bệnh bị nổi mụn nhọt ở hậu môn thường xuất hiện các triệu chứng sưng, đau, vùng mụn mềm và bên trong chứa nhiều mủ, khó chịu khi gặp các kích ứng. Thông thường, nguyên nhân dẫn đến nổi mụn nhọt ở gần hậu môn hoặc hậu môn là do tắc nang lông, thói quen sinh hoạt hàng ngày chưa tốt.
- Nổi mụn nhọt ở hậu môn do tắc lỗ chân lông: Lỗ chân lông có thể nhìn thấy trên bề mặt da chứa lớp dầu tự nhiên và lỗ chân lông. Trường hợp tuyến dầu trên da hoạt động quá mức, dẫn đến lượng chất nhờn tiết ra tăng lên và khiến lỗ chân lông bị tắc lại. Tình trạng này kéo dài sẽ làm nổi mụn nhọt ở hậu môn. Theo đó, một số nguyên nhân làm tăng tiết bã nhờn ở da như sau:
- Mồ hôi bị giữ lại trên da: Làm tăng độ ẩm của da dẫn đến tình trạng tắc lỗ chân lông và nổi mụn nhọt ở hậu môn;
- Vi khuẩn do hoạt động sinh dục hoặc từ phân: Vi khuẩn gây bệnh phản ứng với hệ thống miễn dịch, gây kích hoạt các hoạt động tại tuyến dầu;
- Sự thay đổi về lượng hormone: Tăng tiết hormone dẫn đến tăng tiết bã nhờn xảy ra chủ yếu ở tuổi dậy thì, giai đoạn kinh nguyệt, phụ nữ mang thai, người bị căng thẳng...
- Nổi mụn nhọt ở hậu môn do thói quen sinh hoạt không hợp lý: Một số thói quen sinh hoạt không đúng cách dẫn đến tình trạng nổi mụn nhọt ở hậu môn như sau:
- Dùng sản phẩm vệ sinh, rửa vùng kín không đúng cách;
- Ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, đường và sữa tinh chế;
- Kích ứng da do ngồi lâu, mang quần áo sát người hoặc mang quần lót ẩm ướt;
- Không vệ sinh vùng kín sạch sẽ dẫn đến các bựa sinh dục và nhiều vấn đề khác.
2. Các bệnh lý gây nhầm lẫn với mụn nhọt ở hậu môn
Một số triệu chứng của các bệnh lý có thể nhầm lẫn với triệu chứng khi nổi mụn nhọt ở hậu môn như sau:
2.1. Bệnh trĩ gây mụn nhọt ở hậu môn
Trĩ ngoại là bệnh lý được đặc trưng bởi tình trạng giãn mạch máu trong ống hậu môn, xuất phát từ phía dưới đường lược. Người bệnh mắc trĩ ngoại có phần da bao quanh mạch máu rất nhạy cảm. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trĩ như táo bón lâu ngày, tuổi cao, rặn nhiều khi đi vệ sinh, mang thai, chức năng ruột bất thường và các thói quen xấu khi đi vệ sinh.
Người bệnh trĩ thường có các triệu chứng như sau:
- Chảy máu khi đi đại tiện;
- Xuất hiện búi trĩ, khối lòi ra khỏi hậu môn khi đi vệ sinh;
- Ngứa và có thể đau quanh vùng hậu môn;
- Xuất hiện các khối nhạy cảm ở hậu môn.
2.2. Rò hậu môn hoặc áp xe hậu môn
Áp xe hậu môn là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính ở khoang gần trực tràng hoặc hậu môn, nguyên nhân chủ yếu là do tuyến hậu môn bị bít tắc bởi dịch phân, vi khuẩn và các vật thể khác. Người bệnh bị áp xe hậu môn thường có triệu chứng sưng, đỏ, đau, chảy máu trực tràng, sốt và tiểu khó và đau.
Rò hậu môn là bệnh lý phát triển từ tình trạng áp xe hậu môn hiện tại hoặc trước đó. Triệu chứng rò hậu môn là người bệnh xuất hiện một đường hầm dưới da liên kết tuyến hậu môn bít tắc tới vùng áp xe, kết hợp với các triệu chứng thực thể như sau:
- Người bệnh có tiền sử dẫn lưu áp xe hậu môn xảy ra trước đó;
- Đau vùng hậu môn trực tràng;
- Kích ứng, dẫn lưu tại vùng da quanh hậu môn;
- Chảy máu tại trực tràng.
2.3. Bệnh xoang lông
Xoang lông là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng nhiễm khuẩn nang lông ở nếp mông gần xương cùng. Đây là bệnh lý có thể gây nhầm lẫn với tình trạng nổi mụn nhọt ở gần hậu môn. Theo các nghiên cứu khoa học, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh xoang lông cao hơn so với nữ giới.
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh xoang lông bao gồm phần da quanh hậu môn bị trũng hoặc xuất hiện khối sưng to, đau ở hậu môn; viêm da; sốt, nôn ói hoặc chảy mụn tại vùng da.
2.4. Mụn cóc tại hậu môn
Mụn cóc ở hậu môn xảy ra do vi khuẩn human papillomavirus (HPV), thuộc loại bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Người bệnh bị mụn cóc hậu môn thường xuất hiện các triệu chứng như nổi nốt sẩn mềm có màu nâu nhạt hoặc màu da tại rìa hậu môn, kích thước nhỏ như đầu đinh ghim (một số trường hợp lớn hơn). Trường hợp bị kích ứng, mụn cóc có thể dẫn đến ngứa, tiết dịch nhầy hoặc chảy máu.
2.5. Ung thư hậu môn
Nhiễm HPV là nguyên nhân phổ biến phát triển thành ung thư hậu môn, triệu chứng có thể bao gồm đau vùng da gần hậu môn, xuất hiện các khối quanh hậu môn, chảy dịch và ngứa, chảy máu từ hậu môn kết hợp với thay đổi nhu động ruột.
Giai đoạn đầu của bệnh, khối u nhỏ có kích thước khoảng 2cm và chúng sẽ phát triển lớn dần lên ở những giai đoạn sau. Bệnh lý cần được phân biệt với nang và mụn nhọt hậu môn.
3. Điều trị mụn nhọt ở hậu môn
Người bệnh xuất hiện mụn nhọt ở hậu môn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh trước khi đưa ra phác đồ điều trị. Thông thường, mụn nhọt ở hậu môn được điều trị bằng thuốc bôi mụn như các sản phẩm retinoid (adapalene, benzoyl peroxide...). Trường hợp nặng cần được điều trị bằng thuốc đường toàn thân.
Một số lưu ý khi vệ sinh và chăm sóc vùng da bị mụn nhọt như sau:
- Làm sạch vùng kín và lau khô vùng hậu môn sau khi đi vệ sinh, không tẩy lông hoặc nặn mụn để tránh tình trạng nhiễm trùng;
- Mang đồ lót được làm từ vải cotton thông thoáng, không mang quần áo còn ẩm ướt;
- Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý để mụn không bị tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.