Đau bụng dưới bên phải là một triệu chứng phổ biến mà nhiều phụ nữ thường gặp. Tình trạng này dẫn đến lo âu và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, mức độ đau cũng thay đổi từ nhẹ nhàng đến nặng, đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn hoặc cảm thấy đau khi đi tiểu. Vậy nguyên nhân gây ra cơn đau này là gì?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. BS Nguyễn Ngọc Khánh - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu, Khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Giải phẫu vùng bụng dưới bên phải
Để dễ hiểu, chúng ta vẽ hai đường thẳng vuông góc cắt nhau tại rốn, chia bụng thành 4 vùng. Đường thẳng ngang chia bụng thành phần trên và phần dưới, trong khi đường thẳng dọc chia bụng thành phần trái và phần phải.
- Vùng trên bên phải: Có gan, túi mật, một phần của đại tràng.
- Vùng trên bên trái: Có dạ dày, lách, một phần của đại tràng.
- Vùng dưới bên phải: Có ruột thừa, một phần của ruột non và buồng trứng phải ở nữ giới.
- Vùng dưới bên trái: Có ruột non, bàng quang và buồng trứng trái ở nữ giới.
Để nắm rõ hơn nguyên nhân gây đau bụng phía dưới bên phải, trước tiên mọi người cần tìm hiểu về các cơ quan thuộc khu vực này. Ở vùng bụng dưới bên phải, có nhiều cơ quan quan trọng như:
- Ruột thừa: Đây là một phần của ruột già, là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng dưới bên phải.
- Đại tràng: Một phần của ruột già, có thể bị viêm hoặc kích ứng gây đau.
- Buồng trứng: Một trong hai tuyến sinh dục nữ, có thể bị viêm hoặc u nang.
- Ống dẫn trứng: Kết nối buồng trứng với tử cung, có thể bị viêm hoặc tắc nghẽn.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.2. Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải ở phụ nữ
Ở phụ nữ, đau bụng dưới bên phải xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có viêm ruột thừa, một tình trạng khẩn cấp trong y tế, yêu cầu phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các triệu chứng viêm ruột thừa thường gặp bao gồm đau bụng khởi phát từ vùng rốn và di chuyển xuống phía bụng dưới bên phải, kèm theo sốt, buồn nôn, chán ăn cũng như tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy. Nếu để muộn, viêm ruột thừa có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:
- Vỡ ruột thừa: Tình trạng này là biến chứng nghiêm trọng nhất. Khi viêm ruột bị viêm nặng, tình trạng này có thể dẫn đến việc ruột thừa bị vỡ, khiến các chất độc hại rò rỉ vào ổ bụng và gây viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc là một dạng nhiễm trùng nặng của màng bụng có khả năng gây sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và thậm chí là tử vong.
- Áp xe ruột thừa: Khi ruột thừa bị vỡ, các vi khuẩn có thể hội tụ và hình thành ổ mủ trong bụng, tạo thành áp xe. Việc điều trị áp xe cần được thực hiện qua phẫu thuật để loại bỏ.
- Rò: Các lỗ rò hình thành khi ruột thừa vỡ có thể thông với những cơ quan khác trong ổ bụng, gây ra nhiễm trùng lan rộng và một số biến chứng khác.
Ngoài ra, đau bụng dưới bên phải cũng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân khác, bao gồm:
- Viêm túi thừa đại tràng: Các túi nhỏ lồi ra từ thành đại tràng khi bị viêm nhiễm sẽ dẫn đến tình trạng viêm túi thừa đại tràng. Bệnh thường gây đau bụng dưới bên phải cùng với khả năng xuất hiện sốt, buồn nôn và một số triệu chứng khác.
- Viêm túi thừa Meckel: Khi có một túi nhỏ lồi ra từ thành ruột non, bệnh lý viêm túi thừa Meckel sẽ xảy ra. Túi này chứa các mô giống dạ dày hoặc tụy, gây ra nhiều vấn đề nếu bị viêm nhiễm.
- Viêm đại tràng: Đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón là triệu chứng của viêm đại tràng.
- Hội chứng ruột kích thích: Đây là một dạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi và thay đổi trong thói quen đi tiêu.
- Viêm phần phụ (viêm vùng chậu): Các cơ quan sinh sản nữ thường bị viêm nhiễm do vi khuẩn lây qua đường tình dục. Triệu chứng của tình trạng này bao gồm chảy dịch âm đạo bất thường, đau bụng dưới và sốt.
- U nang buồng trứng: Mặc dù u nang buồng trứng thường không gây triệu chứng nhưng đôi khi tình trạng này lại gây đau bụng, đặc biệt trong trường hợp u nang bị xoắn hoặc bị vỡ.
- Thai ngoài tử cung: Trứng đã được thụ tinh thường sẽ làm tổ bên ngoài tử cung, chủ yếu ở ống dẫn trứng. Tình trạng này rất nguy hiểm, có khả năng gây chảy máu bên trong và đe dọa đến tính mạng.
- Đau bụng kinh: Trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, nhiều phụ nữ thường gặp tình trạng đau bụng dưới gọi là đau bụng kinh.
- Các nguyên nhân khác: Bệnh lý về gan mật, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, dị ứng thức ăn, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm túi mật.
3. Triệu chứng bệnh
Các triệu chứng khác đi kèm với đau bụng dưới bên phải bao gồm:
- Sốt xảy ra chủ yếu trong các trường hợp viêm như viêm ruột thừa hoặc viêm vùng chậu.
- Buồn nôn và nôn xảy ra do viêm nhiễm hoặc đau bụng.
- Tiêu chảy hay táo bón thường thấy trong các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa.
- Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng.
- Dịch âm đạo bất thường là tình trạng thường gặp khi bị viêm vùng chậu.
- Đau trong quá trình quan hệ tình dục, xảy ra do u nang buồng trứng hoặc viêm vùng chậu.
- Rối loạn tiểu tiện biểu hiện qua triệu chứng tiểu nhiều lần, đau buốt khi đi tiểu, tiểu ra máu hoặc nước tiểu đục.
- Đau lưng, nhất là trong trường hợp viêm vùng chậu hoặc sỏi thận.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu có những triệu chứng dưới đây, người bệnh đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Bị đau dữ dội, không thuyên giảm.
- Sốt cao.
- Buồn nôn, nôn nhiều.
- Khó thở.
- Âm đạo chảy máu bất thường.
- Tiểu tiện bị đau.
- Đau bụng đi kèm với các triệu chứng khác như vàng da hoặc sưng chân.
5. Chẩn đoán tình trạng đau bụng dưới bên phải
Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh cùng các triệu chứng để xác định nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải, đồng thời chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết như:
- Xét nghiệm máu đánh giá tình trạng viêm nhiễm và thiếu máu.
- Siêu âm kiểm tra các cơ quan trong bụng, phát hiện sự hiện diện của u nang và viêm nhiễm.
- Chụp CT hoặc MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về các cơ quan bên trong bụng.
- Xét nghiệm nước tiểu đánh giá chức năng thận và phát hiện nhiễm trùng đường tiểu.
- Xét nghiệm phân kiểm tra sự có mặt của máu trong phân và ký sinh trùng.
- Nội soi đánh giá trực tiếp tình trạng niêm mạc của đường tiêu hóa.
6. Cách điều trị bệnh
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Một số trường hợp có thể được điều trị bằng thuốc, trong khi những trường hợp khác sẽ cần phẫu thuật:
- Viêm ruột thừa: Người bệnh cần phải phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Quá trình điều trị sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn nếu viêm ruột thừa được phát hiện muộn, dẫn đến các biến chứng.
- Viêm túi thừa đại tràng: Phương pháp điều trị bao gồm sử dụng kháng sinh và phẫu thuật trong một số trường hợp. Để phòng ngừa, người bệnh nên xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên.
- Viêm túi thừa Meckel: Phẫu thuật để cắt bỏ túi thừa là phương pháp điều trị chính. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
- Viêm đại tràng: Phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và thay đổi chế độ ăn.
- Hội chứng ruột kích thích: Để điều trị, người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau, thuốc điều chỉnh nhu động ruột và thay đổi chế độ ăn.
- Viêm vùng chậu: Điều trị bằng kháng sinh.
- U nang buồng trứng: Theo dõi hoặc thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết.
- Thai ngoài tử cung: Phẫu thuật là phương pháp cần thiết để loại bỏ thai ngoài tử cung.
- Các trường hợp khác: Phương pháp điều trị sẽ dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
7. Phòng ngừa đau bụng dưới bên phải
Mọi người nên thực hiện một số cách dưới đây để hạn chế khả năng xuất hiện cơn đau bụng dưới bên phải:
- Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Khám phụ khoa định kỳ và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế thức ăn cay, nóng, nước có ga và chất kích thích.
- Thực hiện hoạt động thể chất thường xuyên: Tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Tiêm phòng: Tiêm ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ở phụ nữ, tình trạng đau bụng dưới bên phải xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc tự ý chẩn đoán và điều trị tại nhà là rất nguy hiểm. Để xác định rõ nguyên nhân và có phương pháp điều trị hiệu quả, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.