Chọn lựa phương pháp vô cảm trong gây mê - phẫu thuật

Bài viết bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hoài Nam - Trưởng Đơn nguyên Giảm đau - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Gây mê luôn gắn liền với phẫu thuật, một phẫu thuật dù lớn hay nhỏ đều cần có một phương pháp gây mê hay còn gọi là vô cảm thích hợp để tiến hành được thuận lợi.

Lịch sử chuyên ngành gây mê được ghi nhận cách đây khoảng 15000 năm, từ thời thượng cổ với những phương pháp thô sơ mang tính bạo lực như trói chặt người bệnh vào bàn mổ, cho uống rượu hay hút thuốc phiện thật say, thậm chí dùng cây lớn đánh vào đầu để người bệnh hôn mê trước khi thực hiện ca mổ. Kết quả thu được là nhiều tai biến xảy ra và tỉ lệ thành công của cuộc mổ rất thấp, người ta chỉ mổ khi không còn phương pháp nào khác để chữa bệnh.

Ngày 16/10/1846, nha sĩ W. Morton dùng Ether biểu diễn thành công trường hợp gây mê để nhổ răng không đau lần đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử gây mê. Từ đó đến nay, nhiều loại thuốc men, dụng cụ, nhiều phương pháp gây mê, gây tê ra đời và phát triển mạnh mẽ song song với nhiều phẫu thuật tinh vi phức tạp đã được thực hiện thành công, mang lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để lựa chọn được phương pháp vô cảm tối ưu cho người bệnh?

1. Vô cảm là gì?

Vô cảm là phương pháp làm mất, hủy bỏ một phần hay toàn bộ cảm giác, cảm nhận đau đớn của người bệnh một cách tạm thời bằng các tác nhân, thuốc men có tác dụng ngăn chặn, cắt đứt các xung động thần kinh hướng tâm.


Vô cảm giúp người bệnh mất cảm giác tạm thời được thực hiện trong thủ thuật và phẫu thuật
Vô cảm giúp người bệnh mất cảm giác tạm thời được thực hiện trong thủ thuật và phẫu thuật

2. Có bao nhiêu phương pháp vô cảm?

Có 2 phương pháp vô cảm:

  • Vô cảm toàn thể: Còn gọi là gây mê, là phương pháp làm mất cảm giác toàn thân và mất ý thức bằng cách dùng một hay nhiều loại thuốc. Liều thuốc được điều chỉnh chủ động, có thời gian tác dụng cụ thể, có thể hồi phục và sau khi hết tác dụng của thuốc người bệnh sẽ lấy lại cảm giác và ý thức hoàn toàn, không để lại di chứng.
  • Vô cảm vùng, còn gọi là gây tê, là phương pháp làm mất hay giảm cảm giác ở một bộ phận, một vùng của cơ thể một cách tạm thời nhưng không làm mất ý thức, người bệnh vẫn tỉnh táo.

3. Thế nào là một phương pháp vô cảm tốt?

Phương pháp vô cảm tốt phải đạt các yếu tố sau:

  • An thần: Người bệnh giảm lo âu, gây ngủ, quên những gì xảy ra trong mổ
  • Bớt đau: Giảm hoặc không đau khi mổ
  • Chống những phản ứng bất lợi cho người bệnh (co thắt, dị ứng, sốc)
  • Dãn cơ: Các cơ mềm để động tác gây mê, phẫu thuật thuận lợi
  • Quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Phương pháp vô cảm cần được đảm bảo an toàn cho người bệnh
Phương pháp vô cảm cần được đảm bảo an toàn cho người bệnh

4. Các phương pháp gây mê thường dùng

Các phương pháp gây mê thường dùng:

  • Gây mê mask: Người bệnh thở Oxy và thuốc mê hơi qua mask, tự thở hay được giúp thở
  • Gây mê tĩnh mạch: Thuốc mê tĩnh mạch dùng tiêm bắp hay tiêm ngắt quãng hoặc truyền liên tục vào tĩnh mạch bằng bơm tiêm tự động. Người bệnh tự thở hay được giúp thở bằng mask với Oxy, không dùng thuốc mê qua đường hô hấp.
  • Gây mê nội khí quản: Dùng một ống nội khí quản đặt qua miệng hay mũi vào khí quản người bệnh. Thuốc mê sử dụng qua đường hô hấp hay tĩnh mạch.
  • Gây mê phối hợp: Là phương pháp phổ biến nhất, đặt nội khí quản, phối hợp nhiều loại thuốc an thần, thuốc mê tĩnh mạch, hô hấp, thuốc giảm đau, giãn cơ... để đạt được độ mê thích hợp cho phẫu thuật.

5. Các phương pháp gây tê thường dùng

Các phương pháp gây tê thường dùng:

  • Gây tê ngoài da và niêm mạc: Chỉ có tác dụng giảm đau ở bề mặt, không mất cảm giác trong sâu.
  • Gây tê tại chỗ, tê thấm lớp: Thuốc tê được tiêm trong da, dưới da, cân cơ, không ảnh hưởng đến vận động
  • Gây tê vùng ngoại biên, tê đám rối: Tiêm thuốc tê vào tiếp xúc đám rối thần kinh hoặc dây thần kinh, làm mất cảm giác một vùng do dây thần kinh điều khiển, thường gây mất cảm giác và liệt luôn vận động
  • Gây tê ngoài màng cứng: Tiêm thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng để làm tê các rễ thần kinh. Tùy vị trí mổ có thể gây tê ở đoạn cổ, ngực, thắt lưng hoặc vùng xương cùng

Gây tê tủy sống: Tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện, thuốc hòa tan với dịch não tủy và là tê các rễ thần kinh. Thường vị trí tê đoạn thắt lưng để tránh làm tổn thương tủy sống.


Phương pháp gây tê tủy sống được thực hiện tại vị trí thắt lưng của bệnh nhân
Phương pháp gây tê tủy sống được thực hiện tại vị trí thắt lưng của bệnh nhân

6. Làm thế nào để chọn được phương pháp vô cảm tối ưu cho người bệnh?

Một phương pháp vô cảm đối với người bệnh này có thể không thích hợp với đối với người bệnh khác. Để có được phương pháp tối ưu cho người bệnh, bác sĩ gây mê phải thăm khám tiền mê, đánh giá tình trạng người bệnh, tính chất cuộc mổ và dựa trên tình hình của cơ sở mình để có kế hoạch gây mê thích hợp. Các phương pháp gây mê, gây tê có thể kết hợp nhằm mang lại hiệu quả, giảm thiểu các tai biến và biến chứng xảy ra, bảo đảm an toàn tối đa cho người bệnh.

6.1 Tình trạng người bệnh

  • Bệnh tình hiện tại
  • Tiền sử bệnh và bệnh lý kèm theo: Tim mạch, hô hấp, thần kinh, gan, thận...
  • Cơ địa đặc biệt: Dị ứng, hen suyễn, nghiện rượu, thuốc lá, ma túy...
  • Tiền sử vô cảm: Đã được gây mê, gây tê trước đó chưa? Có tai biến gây mê không?
  • Kết quả khám lâm sàng hiện tại và xét nghiệm cận lâm sàng

6.2 Tính chất cuộc mổ

  • Mổ vùng nào? Đầu mặt, cổ, ngực, bụng, tay chân...
  • Mổ dự định làm gì?
  • Thời gian mổ dự kiến bao lâu?
  • Tính chất cuộc mổ: cắt bỏ nhiều tổ chức hay ít?
  • Mổ nội soi hay mổ mở?
  • Tư thế người bệnh: nằm ngửa, nghiêng hay sấp?

6.3 Phương tiện hiện có

  • Thuốc men
  • Dụng cụ, máy móc: máy thở, máy theo dõi...
  • Nhân sự Gây mê
  • Phẫu thuật viên

Người bệnh được theo dõi bằng hệ thống máy móc trong phòng mổ
Người bệnh được theo dõi bằng hệ thống máy móc trong phòng mổ

Tại Hệ thống Y tế Vinmec, tất cả các phương pháp gây mê, gây tê đã được chuẩn hóa, xây dựng thành các phác đồ cụ thể cho từng loại phẫu thuật và từng loại bệnh. Sau khi có chỉ định mổ, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm tiền phẫu. Bác sĩ gây mê sẽ thăm khám tiền mê, hội chẩn với phẫu thuật viên và các chuyên khoa nếu có bệnh lý kèm theo để có kế hoạch gây mê hồi sức thích hợp. Phương pháp mổ và gây mê, giảm đau được giải thích với người bệnh và gia đình trước mổ để có được sự hợp tác tốt trong quá trình trước, trong và sau mổ. Điều này mang lại sự an tâm, tin tưởng của người bệnh, góp phần không nhỏ vào kết quả điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe