Chọc hút trứng có đau không?

Chọc hút trứng làm ivf là một trong các công đoạn quyết định tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy dùng kim hút để trứng ra ngoài nhưng quá trình thực hiện diễn ra rất nhẹ nhàng, không quá đau đớn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Chuẩn bị thực hiện chọc hút trứng làm ivf như thế nào?

Vào ngày hẹn thực hiện chọc hút trứng làm ivf, cả hai vợ chồng cần đến phòng khám theo lịch đã được hẹn. Người vợ sẽ được  chọc hút trứng đã được kích thích trước đó hai tuần, trong khi người chồng sẽ cần cung cấp mẫu tinh dịch để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Trong trường hợp sử dụng tinh trùng từ người hiến tặng, mẫu tinh trùng cần được gửi đi ít nhất 2 ngày trước.

Thời gian là yếu tố quan trọng trong quá trình này để có thể lập kế hoạch từng bước phù hợp và tương thích với nhau. Do cần phải tiến hành thủ thuật dưới gây mê, người vợ phải nhớ không ăn uống bất kỳ thứ gì kể từ nửa đêm trước.

Bên cạnh đó, người vợ không nên sử dụng bất kỳ loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước hoa, nước thơm và các loại sản phẩm khác dành cho tóc hoặc bất kỳ sản phẩm trang điểm nào trong ngày hẹn chọc hút trứng. Nguyên nhân là vì những hóa chất này có thể gây độc hại cho phôi, nên những hóa chất này không được phép tiếp xúc với phòng thủ thuật. 


Vào ngày hẹn thực hiện quá trình chọc hút trứng, cả hai vợ chồng phải cùng đến trong phòng khám trong buổi sáng
Vào ngày hẹn thực hiện quá trình chọc hút trứng, cả hai vợ chồng phải cùng đến trong phòng khám trong buổi sáng

2. Quy trình chọc hút trứng làm ivf

  • Sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký cần thiết, người vợ sẽ được đưa đến phòng mổ và hướng dẫn thay đổi trang phục. Sau đó, người vợ sẽ được yêu cầu đại tiểu tiện để làm trống bàng quangtrực tràng. Tiếp theo, người vợ sẽ được bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh lý và các loại thuốc đã sử dụng.
  • Nếu không có vấn đề gì bất thường, quá trình gây mê bắt đầu bằng cách bơm thuốc vào đường tĩnh mạch. Đây là thuốc an thần mức độ nhẹ, giúp người vợ trải qua một giấc ngủ nông trong khoảng từ 20 đến 30 phút.
  • Trong thời gian này, người vợ vẫn có khả năng tự thở, nhận biết môi trường xung quanh và nghe được âm thanh. Tuy nhiên, thuốc sẽ giúp người vợ giảm cảm giác lo lắng, đau đớn và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện chọc hút trứng làm ivf.
  • Kế tiếp, một mỏ vịt sẽ được đặt vào để bác sĩ có thể làm sạch toàn bộ âm đạo bằng nước muối ấm vô trùng. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò siêu âm ngã âm đạo để xác định buồng trứng cùng các nang noãn trưởng thành.  
  • Cuối cùng, một kim hút được gắn vào đầu dò để hút trứng và dịch nang trứng lần lượt từng nang noãn, trong khoảng từ 5 đến 10 phút. Một khi tất cả các nang trứng đã được hút, khu vực âm đạo sẽ được bác sĩ làm sạch lần nữa, mỏ vịt được tháo ra và thủ thuật chọc hút trứng làm ivf hoàn tất.

3. Các rủi ro có thể xảy ra khi chọc hút trứng

Trong quá trình chọc hút trứng làm ivf, người vợ có thể gặp phải một số tình trạng như sau:

  • Đau nhẹ vùng chậu và bụng: Tình trạng đau nhẹ có thể xuất hiện trong hoặc sau quá trình chọc hút, thường thì cơn đau sẽ giảm dần trong vòng một hoặc hai ngày và có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau.
  • Tổn thương các cơ quan gần buồng trứng: Người vợ có nguy cơ tổn thương các cơ quan như bàng quang, ruột hoặc mạch máu gần buồng trứng.
  • Nhiễm trùng vùng chậu: Mặc dù nguy cơ này hiếm gặp do bệnh nhân thường được sử dụng thuốc kháng sinh trước và sau quá trình chọc hút, nhưng người vợ vẫn có khả năng xảy ra nhiễm trùng nặng.
  • Phẫu thuật loại bỏ khối nhiễm trùng: Trong những trường hợp nhiễm trùng nặng, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ khu vực nhiễm trùng bao gồm một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung. Người có tiền sử nhiễm trùng vùng chậu hoặc lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng sẽ có nguy cơ cao hơn.
  • Chảy máu trong ổ bụng: mặc dù nguy cơ thấp nhưng có những trường hợp do tổn thương các mạch máu xung quanh buồng trứng gây đến tình trạng chảy máu trong ổ bụng, người bệnh có thể cần nhập viện để theo dõi hoặc mổ nội soi để cầm máu.  
Phẫu thuật loại bỏ khu vực bị nhiễm trùng sau khi chọc hút trứng làm ivf
Phẫu thuật loại bỏ khu vực bị nhiễm trùng sau khi chọc hút trứng làm ivf

Bên cạnh đó, sau khi chọc trứng còn có thể gặp một số ảnh hưởng khác như táo bón, chuột rút, đầy hơi và đau.

4. Chăm sóc sau quá trình chọc hút trứng như thế nào?

Sau khi rời phòng thủ thuật, người vợ sẽ được chuyển đến khu vực hồi tỉnh. Thông thường, người vợ có thể tỉnh lại hoàn toàn sau tình trạng gây mê trong khoảng từ 5 đến 10 phút sau đó.

Các triệu chứng buồn nôn nhẹ và choáng váng có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc gây mê. Tuy nhiên, nếu người vợ cảm thấy buồn nôn nặng cần thông báo cho bác sĩ để được cung cấp thuốc chống nôn. 


Trước khi chọc hút trứng, bạn cần thực hiện nhiều xét nghiệm máu
Trước khi chọc hút trứng, bạn cần thực hiện nhiều xét nghiệm máu

Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, người vợ có thể ăn nhẹ và uống thuốc giảm đau nếu cảm thấy đau đớn. Cuối cùng, người vợ có thể rời khỏi cơ sở y tế khi đã hoàn toàn tỉnh táo và không có vấn đề gì liên quan đến thủ thuật chọc hút trứng làm ivf.

Hầu hết phụ nữ sau khi chọc hút trứng có thể trở lại hoạt động bình thường vào ngày tiếp theo. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh các hoạt động mạnh, chơi thể thao, quan hệ tình dục hoặc ngâm mình trong nước để giúp âm đạo hồi phục một cách hoàn toàn.

5. Chọc hút trứng có đau không?

Đây là câu hỏi thường gặp nhất và khiến nhiều phụ nữ lo lắng khi tìm hiểu về thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước khi tiến hành chọc hút trứng làm ivf, chị em phụ nữ sẽ phải trải qua nhiều xét nghiệm máu bằng cách lấy máu từ tĩnh mạch ở tay. Quy trình này tương tự như các xét nghiệm máu thông thường trong điều trị các bệnh lý khác.

Tuy nhiên, quá trình lấy máu có thể gây ra đau đớn và khó chịu ở mức độ nhất định, đặc biệt đối với những phụ nữ nhạy cảm. Cảm giác này thường sẽ giảm nhanh chóng.

Khi đến giai đoạn chính thức thực hiện thủ thuật chọc hút trứng, chị em phụ nữ sẽ được khám và gây mê bởi một bác sĩ chuyên khoa để giảm đau. Thuốc giảm đau sẽ được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch.Điều này giúp giảm đáng kể cảm giác đau đớn, trong khi chị em phụ nữ vẫn tỉnh táo và nhận biết được mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Khi quá trình chọc hút trứng hoàn tất, thường sau khoảng 15 phút, thuốc gây mê sẽ hết tác dụng và chị em phụ nữ sẽ được theo dõi để đảm bảo sức khỏe ổn định trước khi ra về. Sau đó, chị em phụ nữ có thể trở lại các hoạt động thường ngày.

Cảm giác đau sau chọc hút trứng thường rất nhẹ và có thể kiểm soát dễ dàng bằng các loại thuốc giảm đau thông thường. Đồng thời, chị em phụ nữ sẽ được khuyến cáo tránh các hoạt động gây tổn thương cho âm đạo, bao gồm quan hệ tình dục và tắm bồn để giảm đau, sưng viêm và giúp âm đạo mau lành.

Tóm lại, quá trình chọc hút trứng làm ivf không gây đau đớn quá đáng kể, đặc biệt khi so sánh với quá trình mang thai và sinh nở trong những tháng tới. Chị em phụ nữ sẽ được hỗ trợ giảm đau tối đa bằng thuốc trong suốt quá trình thực hiện. Việc làm này nhằm đảm bảo sự thoải mái cho người phụ nữ và cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe