Hội chứng quá kích buồng trứng mặc dù chiếm tỷ lệ không lớn nhưng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm đến sức khỏe, nhất là khi bệnh nhân biểu hiện ngày càng nặng mà không được theo dõi và can thiệp kịp thời.
1. Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?
Hội chứng quá kích buồng trứng (hội chứng OHSS - Ovarian hyperstimulation syndrome) là bệnh lý thường xảy ra ở phụ nữ sau khi tiêm thuốc hormone để kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng, chẳng hạn như những trường hợp phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), kích thích rụng trứng hoặc thụ tinh trong tử cung nhằm hỗ trợ khả năng mang thai.
Hàm lượng hormone quá nhiều trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng, với biểu hiện chủ yếu là buồng trứng trở nên sưng và gây đau. Một số ít bệnh nhân có thể gặp phải tình huống nghiêm trọng hơn, với triệu chứng tăng cân nhanh chóng, đau bụng, nôn mửa và khó thở.
Việc điều trị vô sinh bằng thuốc, như clomiphene ít khi gây ra hội chứng OHSS. Đôi khi, bệnh lý này xảy ra một cách tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ, không liên quan đến các phương pháp điều trị vô sinh.
Hội chứng kích ứng buồng trứng nhẹ thường gặp phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm với tỷ lệ ảnh hưởng là 33% (tức cứ 100 phụ nữ thực hiện IVF thì sẽ có khoảng 33 người mắc bệnh). Tuy nhiên, chỉ có 1% (1 trên 100 người) sẽ tiến triển đến mức độ trung bình hoặc nặng. Theo đó, hầu hết các triệu chứng của bệnh nhân sẽ tự hết trong vòng 7 - 10 ngày. Mặt khác, không nên chủ quan vì những triệu chứng trung bình đến nặng thường biểu hiện khá trầm trọng.
2. Biểu hiện của hội chứng quá kích buồng trứng
Có 2 giai đoạn biểu hiện của quá kích buồng trứng, bao gồm:
- Giai đoạn sớm: Triệu chứng xuất hiện trong vòng 9 ngày sau khi chọc hút trứng/noãn (hoặc phóng noãn), thường gặp phải khi tiêm hCG để kích thích nang noãn trưởng thành;
- Giai đoạn muộn: Xuất hiện từ sau ngày thứ 10 trở đi, sau khi chọc hút trứng/noãn, chủ yếu liên quan đến các hCG do nhau thai tiết ra.
Dựa trên biểu hiện lâm sàng khi thăm khám, bác sĩ có thể nhận biết được phần nào mức độ nặng nhẹ khi bệnh nhân mắc phải hội chứng quá kích buồng trứng:
- Nhẹ: Bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau bụng dưới nhẹ, buồn nôn, tăng cân nhẹ;
- Vừa: Bụng trở nên căng, đau bụng trung bình, có dấu hiệu buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, xuất hiện dịch trong ổ bụng khi siêu âm;
- Nặng: Dịch trong ổ bụng xuất hiện nhiều, có khi dẫn đến tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan, phù toàn thân, bụng căng rất nhiều, ngoài ra còn có triệu chứng khó thở, nhịp thở nhanh (>20 lần/phút), đau bụng dưới, hạ huyết áp, tiểu ít;
- Rất nặng: Dịch ổ bụng, dịch màng phổi xuất hiện rất nhiều. Bệnh nhân đồng thời mắc suy thận, tràn dịch màng tim, thuyên tắc mạch, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), thiếu oxy máu, tiểu rất ít hoặc thậm chí vô niệu.
3. Đối tượng dễ bị quá kích buồng trứng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng OHSS bao gồm:
- Tuổi còn trẻ;
- Nhẹ cân (chỉ số khối cơ thể BMI < 18);
- Bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang;
- Có dùng liều cao gonadotropin ngoại sinh;
- Nồng độ estradiol huyết thanh cao hoặc tăng nhanh;
- Có tiền sử bị quá kích buồng trứng.
Ngoài ra, nguy cơ này còn tăng tỷ lệ thuận với số lượng nang noãn phát triển, số nang chọc hút được trong quá trình hỗ trợ sinh sản. Khả năng mắc càng cao hơn khi dùng hCG ngoại sinh liều cao, sử dụng liên tục nhiều lần để kích thích phóng noãn hoặc hỗ trợ giai đoạn hoàng thể. Chu kỳ có thai cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ, tăng độ nặng và thời gian mắc hội chứng quá kích buồng trứng.
4. Xử lý thế nào khi bị quá kích buồng trứng?
4.1. Trường hợp nhẹ đến trung bình
Đối với quá kích buồng trứng nhẹ, bệnh thường tự hết. Điều trị dành cho hội chứng quá kích buồng trứng trung bình có thể bao gồm:
- Thuốc chống buồn nôn và thuốc giảm đau;
- Khám tổng quát và thực hiện siêu âm định kỳ theo lịch hẹn;
- Đo trọng lượng và đo vòng eo mỗi ngày để nhận biết sớm những thay đổi đột ngột;
- Đo lượng nước tiểu thải ra mỗi ngày;
- Thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết để giám sát tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải và một số vấn đề khác;
- Bù đầy đủ lượng nước hàng ngày;
- Mang vớ hỗ trợ để ngăn ngừa cục máu đông;
- Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành chọc một cây kim vào trong khoang bụng để thoát lượng chất lỏng dư thừa ở bụng.
4.2. Trường hợp nặng và rất nặng
Đối với hội chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi và điều trị tích cực, chẳng hạn như truyền dịch. Thuốc được chỉ định để giảm bớt các triệu chứng, giảm hoạt động của buồng trứng và ngăn ngừa biến cố nguy hiểm. Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh gợi ý điều trị bổ sung, như phẫu thuật một u nang buồng trứng bị vỡ hoặc chế độ chăm sóc đặc biệt khi phát hiện các biến chứng ở gan hoặc phổi.
5. Phòng ngừa hội chứng quá kích buồng trứng
Để dự phòng nguy cơ mắc phải hội chứng OHSS và hạn chế những biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân khi điều trị vô sinh cần lựa chọn cơ sở có chuyên khoa vô sinh hiếm muộn với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm tiến hành kích thích buồng trứng thuần thục, có thể phát hiện sớm nguy cơ xảy ra quá kích buồng trứng trên từng bệnh nhân để kịp thời xử trí.
Bên cạnh đó, cơ sở y tế cần có hệ thống các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tối đa những kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay trong điều trị vô sinh để giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh cũng như những biến cố không mong muốn cho bệnh nhân sau điều trị hiếm muộn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.