Khi nào cần thực hiện xét nghiệm hormone LH?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Xét nghiệm hormone LH có vai trò quan trọng trong đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản ở nam và nữ, chủ yếu nhằm kiểm tra vô sinh và đánh giá vấn đề của tuyến yên. Vậy xét nghiệm hormone LH thực hiện khi nào?

1. Hormone LH là gì?

Ở cơ thể người, hormone LH đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống sinh sản hoạt động khỏe mạnh. Chính vì thế, khi muốn biết tình trạng sức khỏe sinh sản có hoạt động bình thường hay không thì người ta thường thực hiện xét nghiệm hormon LH.

Hormone LH có tên tiếng anh là Luteinizing Hormone, là một loại hormone rất quan trọng được sản xuất và tiết ra ở tuyến yên trước, có khả năng tạo ra hoàng thể tế bào để kích thích nang trứng được sản xuất bởi các tuyến yên trong não. Nồng độ Hormone LH có mối liên hệ mật thiết đến khả năng sinh sản, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chức năng của buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới, đảm bảo cho hệ thống sinh sản hoạt động khỏe mạnh.


Hormone LH có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chức năng của buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới
Hormone LH có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chức năng của buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới

2. Vai trò của hormone LH

Thực tế, chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới được chia làm 2 giai đoạn chính là hoàng thể và nang trứng. Hormone LH có vai trò kích thích cho buồng trứng sản xuất ra oestradiol. Khi nồng độ LH tăng cao ở giữa chu kỳ sẽ tạo ra quá trình rụng trứng, nếu quá trình thụ tinh xảy ra trong thời điểm này thì hormone LH sẽ kích thích hoàng thể, sản sinh progesterone để duy trì thai kỳ phát triển. Khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh thì nồng độ LH thường tăng cao.

Đối với phụ nữ mang thai, cơ thể sẽ có những thay đổi về nội tiết tố và hormone nên nồng độ hormone LH sẽ lên xuống cao thấp rất thất thường, tùy thuộc vào cơ địa của từng người cũng như chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Nếu như thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường khi mang thai thì mẹ bầu nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm hormon LH giúp chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và có hướng xử lý kịp thời.

Hormone LH ở cơ thể nam giới có vai trò kích thích sản xuất testosterone từ các tế bào Leydig trong tinh hoàn. Testosterone sẽ kích thích quá trình sản sinh tinh trùng và làm nổi bật hơn các đặc điểm giới tính ở nam giới như sự phát triển của tóc và lông, giọng nói trầm... Nồng độ hormone LH thường sẽ ổn định hơn sau tuổi dậy thì.

3. Chỉ số nồng độ Hormone LH có ý nghĩa thế nào?

Thông thường, giá trị bình thường của Hormone LH sẽ vào khoảng 20UI/l để làm xét nghiệm, còn nồng độ LH khi đạt đỉnh lúc phóng noãn sẽ ở khoảng 40-80 IU/l và kéo dài ít nhất 17 giờ. Chỉ số nồng độ LH sẽ bình thường trong những giai đoạn sau:

  • Giai đoạn pha nang noãn: 1 – 18 (mIU/ml);
  • Giai đoạn giữa chu kỳ: 24 – 105 (mIU/ml);
  • Giai đoạn pha hoàng thể: 0,4 – 20 (mIU/ml);
  • Giai đoạn mãn kinh: 15 – 62 (mIU/ml).

Ở người phụ nữ, khi nồng độ LH trong máu cao thì rất có thể đã mắc phải bệnh suy buồng trứng nguyên phát, còn nồng độ LH thấp thì có thể là dấu hiệu của bệnh suy buồng trứng thứ phát.

Tương tự, đối với nam giới, nếu như nồng độ hormone LH trong máu cao thì có thể là dấu hiệu các bệnh về tinh hoàn, còn nồng độ LH thấp thì có thể liên quan đến vấn đề với tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.

Khoa học đã chứng minh, nếu như nữ giới có lượng hormone LH cao thì rất có thể bị vô sinh và nam giới thì ngược lại, do mức độ hormone không đủ để sản xuất tinh trùng hoặc thúc đẩy quá trình rụng trứng.

4. Thực hiện xét nghiệm hormone LH như thế nào?


Quá trình thực hiện xét nghiệm hormone LH diễn ra rất nhanh chóng
Quá trình thực hiện xét nghiệm hormone LH diễn ra rất nhanh chóng

Khi tiến hành xét nghiệm hormone LH thì người bệnh không cần phải lo lắng và không cần chuẩn bị gì. Quá trình xét nghiệm sẽ diễn ra rất nhanh, cụ thể:

  • Bước 1: Nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu máu bằng cách tiêm kim vào tĩnh mạch trên cánh tay của người bệnh rồi sau đó gắn vào ống nghiệm để máu chảy vào, khi đủ thể tích thì sẽ tháo kim và dán bông gòn vào chỗ vừa lấy máu;
  • Bước 2: Mẫu máu được đem đi xét nghiệm và người bệnh chỉ cần ngồi chờ để lấy kết quả. Toàn bộ quá trình này chỉ mất khoảng 2 phút, sau khi lấy máu người bệnh có thể sẽ cảm thấy nhói ở chỗ tiêm và để lại vết bầm trên cánh tay, tuy nhiên hiện tượng này rất bình thường nên người bệnh không cần lo lắng.

5. Thực hiện xét nghiệm hormone LH khi nào?

Vì LH là hormone giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống sinh sản của cả nam giới và nữ giới nên bất cứ khi nào muốn kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản hay đánh giá vô sinh, kiểm tra vấn đề liên quan tới tuyến yên thì có thể thực hiện xét nghiệm hormone LH.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm hormone LHFSH cùng lúc khi:

  • Cơ thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh nguyệt không xảy ra;
  • Nam giới có mức testosterone thấp hoặc bị giảm ham muốn tình dục, khối lượng cơ bắp thấp;
  • Xuất hiện các triệu chứng rối loạn tuyến yên như sụt cân, mệt mỏi, yếu cơ, chán ăn;
  • Những người có mong muốn có thai và tiến hành xét nghiệm để xác định chính xác thời điểm rụng trứng.

Vô sinh là nỗi lo mà không cặp vợ chồng nào mong muốn gặp phải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình. Thấu hiểu mong muốn được làm cha làm mẹ hết sức chính đáng của các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF.

Trong 4 năm hoạt động từ tháng 11/2014 đến tháng 11/2018, Trung tâm đã hỗ trợ sinh sản cho hơn 1000 cặp vợ chồng với tỷ lệ mang thai lâm sàng đạt trên 40%. Đến nay, IVF Vinmec đã trở thành địa chỉ điều trị vô sinh hiếm muộn hàng đầu được các cặp vợ chồng lựa chọn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe