Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá cho trẻ sơ sinh. Theo đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cho trẻ bú sữa mẹ không chỉ tốt cho trẻ mà còn cải thiện sức khỏe, giúp các sản phụ phục hồi nhanh chóng. Dưới đây là một số lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
1. Cho con bú sữa mẹ có những lợi ích nào?
Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc song song với sữa công thức đều mang lại lợi ích cho mẹ và bé, bao gồm cả việc giảm nguy cơ của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (sudden infant death syndrome – SIDS), đây là một hội chứng nguy hiểm ở trẻ. Bên cạnh đó, cho con bú sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích như làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh tật và có thể là nguy cơ bị dị ứng. Bên cạnh đó, cho con bú sữa mẹ cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh và béo phì ở người mẹ, cũng như trầm cảm sau sinh.
Đối với trẻ, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ còn vượt xa chế độ dinh dưỡng cơ bản. Ngoài việc chứa tất cả các vitamin và chất dinh dưỡng mà trẻ sơ sinh cần, sữa mẹ còn chứa các chất chống lại bệnh tật để bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật.
Đó là một lý do mà Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu tiên và bất kỳ thời gian nào cho con bú đều có lợi, kể cả khi kết hợp với bú sữa công thức.
2. Cho con bú làm giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến nghị cho con bú để giúp giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Một nghiên cứu lớn cho thấy rằng bất kỳ lượng sữa mẹ nào - không cần phải là hoàn toàn đều có tác dụng bảo vệ chống lại SIDS. Cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất hai tháng hoàn toàn hoặc một phần song song với bú sữa công thức làm giảm gần một nửa nguy cơ SIDS. Cho con bú lâu hơn sẽ tăng khả năng bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ này.
3. Sữa mẹ giúp bảo vệ con bạn khỏi bệnh tật
Lợi ích sức khỏe mang lại cho trẻ tốt nhất thông qua việc nuôi con bằng sữa mẹ là bảo vệ trẻ khỏi rất nhiều bệnh tật trong thời gian trẻ bú sữa mẹ. Các kháng thể, còn được gọi là immunoglobulin, giúp hệ thống miễn dịch của bé chống lại các tác nhân gây bệnh (vi sinh vật như vi rút và vi khuẩn gây bệnh). Những kháng thể này được tìm thấy trong sữa mẹ và không thể được tạo ra trong sữa công thức.
Kháng thể chính trong sữa mẹ được gọi là immunoglobulin A (IgA) tiết. IgA tiết ở trẻ sơ sinh chỉ có số lượng thấp và lượng IgA được cung chủ yếu bởi sữa mẹ với nồng độ rất cao, đặc biệt trong sữa non (loại sữa đầu tiên mà cơ thể sản xuất). Theo thời gian, mức độ kháng thể trong sữa mẹ giảm dần khi hệ thống miễn dịch của bé tạo ra nhiều kháng thể hơn.
Điều đáng chú ý hơn nữa: Cơ thể mẹ tạo ra IgA tiết ra đặc hiệu để chống lại các mầm bệnh mà người mẹ đã tiếp xúc. Sữa mẹ sẽ truyền theo sự bảo vệ tùy chỉnh này cho trẻ sơ sinh.
Vi rút gây bệnh đường ruột, cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp khác, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng tai và viêm màng não ít xảy ra hơn ở trẻ bú sữa mẹ và mức độ nghiêm trọng cũng ít hơn nếu xảy ra khi trẻ có được những kháng thể này bảo vệ. Ngay cả những em bé thường xuyên ở gần những đứa trẻ khác và tiếp xúc với nhiều vi trùng hơn (ví dụ như ở nhà trẻ) cũng ít bị ốm hơn nếu chúng được bú sữa mẹ.
4. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh về sau
Sự bảo vệ của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với bệnh tật trong thời gian về sau, ngay cả khi trẻ không còn bú mẹ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở trẻ em, chẳng hạn như bệnh bạch cầu cấp. Các nhà khoa học không biết chính xác cách sữa mẹ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng họ cho rằng các kháng thể trong sữa mẹ có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp trẻ tránh được một số bệnh phát sinh sau này, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2, cholesterol cao và bệnh viêm ruột. Trên thực tế, những đứa trẻ sinh non được bú sữa mẹ ít có nguy cơ bị cao huyết áp hơn khi chúng ở tuổi thanh thiếu niên. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc cho con bú sữa mẹ bảo vệ chống lại bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
5. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh dị ứng và bệnh chàm của trẻ
Trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử dị ứng sẽ được bảo vệ khỏi dị ứng khi so sánh với trẻ được nuôi bằng sữa bò hoặc sữa công thức đậu nành.
Các nghiên cứu cho thấy rằng những trẻ có nguy cơ bị dị ứng và được bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất bốn tháng sẽ có ít nguy cơ bị dị ứng sữa, chàm và thở khò khè trong giai đoạn đầu đời. Các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ về thời gian bảo vệ này và liệu việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng mang lại lợi ích ở những em bé không có nguy cơ bị dị ứng.
6. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể tăng cường trí thông minh của trẻ
Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc cho con bú và phát triển nhận thức. Nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc bú sữa mẹ và khả năng nhận thức đã phát hiện ra rằng trẻ em được bú sữa mẹ có điểm số trong các bài kiểm tra trí thông minh trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên cao hơn những trẻ không được bú sữa mẹ. Nghiên cứu này đã tính toán và loại trừ những sự khác biệt về cách nuôi dạy con cái, môi trường gia đình và chỉ số IQ của các bà mẹ
Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sự phát triển não bộ có thể đặc biệt quan trọng đối với trẻ sinh non. Trong một nghiên cứu, cho trẻ sinh non (trước 30 tuần) bú sữa mẹ trong 28 ngày đầu tiên giúp tăng khối lượng não cũng như thành tích học tập và kỹ năng vận động mạnh ở tuổi lớn hơn.
Các chuyên gia cho thấy liên kết tình cảm diễn ra trong thời kỳ cho con bú có thể góp phần vào một số lợi ích về trí não, nhưng các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ (đặc biệt là axit béo) có thể đóng vai trò lớn nhất.
7. Cho con bú có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh
Các nhà nghiên cứu tiếp tục xem xét mối quan hệ giữa việc cho con bú và chứng trầm cảm sau sinh (Postpartum depression - PPD). Một số nghiên cứu báo cáo rằng việc cho con bú có thể bảo vệ chống lại hoặc giúp phụ nữ phục hồi nhanh hơn khỏi các triệu chứng của PPD.
Các nghiên cứu khác cho thấy bạn có thể có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh nếu bạn gặp vấn đề về cho con bú hoặc muốn cho con bú nhưng không thể. Một nghiên cứu lớn cho thấy rằng những phụ nữ dự định cho con bú và duy trì việc cho con bú có nguy cơ mắc bệnh PPD thấp nhất, trong khi nguy cơ cao nhất được tìm thấy ở những phụ nữ dự định cho con bú nhưng không cho con bú.
Bạn có thể được điều trị chứng trầm cảm và vẫn cho con bú. Bạn nên tìm đến các bác sĩ và được tư vấn về các phương pháp điều trị an toàn cho PPD khi cho con bú.
8. Cho con bú có thể làm giảm mức độ căng thẳng của bạn
Nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy thoải mái khi cho con bú. Đó là bởi vì việc kích hoạt giải phóng oxytocin - "hormone tình yêu" khi cho con bú. Oxytocin thúc đẩy co bóp tạo sữa và thư giãn, khi oxytocin tăng lên giúp giảm huyết áp và giảm mức cortisol - "hormone căng thẳng". (Oxytocin được giải phóng trong khi cho con bú cũng giúp tử cung co lại sau khi sinh giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.)
9. Cho con bú làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho con bú có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh của phụ nữ:
- Bệnh tiểu đường loại 2
- Loãng xương
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh tim mạch (nhờ giảm huyết áp và mức cholesterol)
- Một số bệnh ung thư
Phụ nữ cho con bú càng lâu thì càng được bảo vệ khỏi ung thư vú và ung thư buồng trứng. Cũng có bằng chứng cho thấy việc cho con bú sữa mẹ bảo vệ khỏi ung thư nội mạc tử cung. Đối với bệnh ung thư vú, cho con bú ít nhất một năm dường như có tác dụng bảo vệ tốt nhất.
Không hoàn toàn rõ việc cho con bú giúp bảo vệ chống ung thư vú như thế nào, nhưng nó có thể liên quan đến những thay đổi cấu trúc trong mô vú do cho con bú và thực tế là việc cho con bú ngăn chặn lượng estrogen mà cơ thể bạn sản xuất. Các nhà nghiên cứu cho rằng tác động bảo vệ khỏi ung thư buồng trứng cũng có thể liên quan đến việc ức chế estrogen.
Ngoài ra, cho con bú làm giảm nguy cơ béo phì. Các nghiên cứu cho thấy những bà mẹ cho con bú có tỷ lệ béo phì thấp hơn.
11. Khoảng thời gian tối thiểu bà mẹ có thể cho con bú mà vẫn mang lại cho con những lợi ích sức khỏe là bao lâu?
Nên cho trẻ bú sữa mẹ trong bất kỳ khoảng thời gian nào mà bạn có thể, bởi vì sữa của bạn cung cấp một số biện pháp bảo vệ trẻ. Em bé của bạn sẽ có được những lợi ích từ giọt sữa non đầu tiên. Nếu bạn bị cúm khi đang cho con bú hoặc tiêm phòng cúm khi đang cho con bú, con bạn sẽ nhận được kháng thể từ sữa mẹ trước khi đủ tuổi để tiêm vắc xin cúm khi được 6 tháng.
Các lợi ích cũng tăng lên theo thời gian. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn nghĩa là không có thức ăn đặc, sữa công thức hoặc nước trong ít nhất sáu tháng giúp mang lại sự bảo vệ tốt nhất. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng hoặc lâu hơn có khả năng chống lại bệnh tật nhiều hơn so với trẻ được bú sữa mẹ trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng vô giá mà không loại sữa nào có thể sánh được. Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho trẻ mà còn cải thiện sức khỏe tốt cho cả người mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com