Gen chiếm bao nhiêu phần trăm chiều cao là vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm. Di truyền đóng vai trò quan trọng trong quá trình xác định chiều cao của mỗi người. Tuy nhiên, các yếu tố khác như giới tính, chế độ dinh dưỡng, các bệnh lý nội tiết đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chiều cao.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Gen chiếm bao nhiêu phần trăm chiều cao?
Theo nguyên tắc chung, chiều cao của trẻ có thể được dự đoán dựa trên chiều cao của bố và mẹ, từ đó suy ra cách tính chiều cao di truyền. Tuy nhiên, gen không phải là yếu tố duy nhất quyết định về chiều cao.
Trong một số trường hợp, trẻ có khả năng cao hoặc thấp hơn nhiều so với bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Tình trạng chênh lệch này là do chiều cao bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác ngoài gen di truyền.
Theo các nhà khoa học, 80% chiều cao được xác định bởi yếu tố di truyền. Mặc dù vậy, các nghiên cứu gần đây chỉ mới khám phá một phần nhỏ các biến thể và cách gen ảnh hưởng đến chiều cao.
Ví dụ, một số biến thể trong gen FGFR 3 gây ra loạn sản sụn xương, FBN1 liên quan đến các rối loạn như acromicric, geleophysic và hội chứng Marfan, biến thể gen GH1 (thiếu hụt hormone tăng trưởng), EVC (Ellis-van Creveld, Weyers acrofacial) và GPC3 gây ra hội chứng Simpson-Golabi-Behmel.
Bên cạnh đó, chiều cao chủ yếu được kiểm soát thông qua quá trình kết hợp của nhiều biến thể di truyền. Nghĩa là, mỗi biến thể chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sự biến đổi cộng với ảnh hưởng của môi trường.
Khi nghiên cứu chủ đề gen chiếm bao nhiêu phần trăm chiều cao, các nghiên cứu đã xác định hơn 700 biến thể và dự kiến sẽ phát hiện thêm nhiều biến thể khác.
Một số biến thể này nằm trong các gen có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình phát triển của sụn trong các đĩa tăng trưởng - nơi sản xuất xương mới và làm dài xương. Tuy nhiên, chức năng của nhiều gen liên quan đến chiều cao vẫn chưa được hiểu rõ.

2. Các yếu tố khác tác động đến chiều cao
Chiều cao không chỉ phụ thuộc vào gen di truyền mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác. Một số trẻ có thể không đạt được chiều cao mong muốn, trong khi những trẻ khác lại vượt trội so với bố mẹ. Điều này cho thấy rằng chiều cao được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác ngoài gen di truyền.
2.1 Dinh dưỡng
Để đạt được chiều cao tối ưu trong quá trình phát triển, cha mẹ nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là trong độ tuổi đang phát triển. Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng giúp cơ thể trẻ nhận được đủ dưỡng chất để phát triển chiều cao theo đúng khả năng gen quy định.
Ngược lại, chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến quá trình phát triển chậm, làm cho trẻ thấp hơn so với bố mẹ.
2.2. Khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh
Đối với nhiều gia đình, quá trình duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trẻ em sinh sống trong môi trường gia đình với điều kiện kinh tế không tốt có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng, đồng thời cũng khó tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết. Những vấn đề này thường dẫn đến tình trạng kém phát triển chiều cao ở trẻ.
2.3. Giới tính
Ban đầu, bé trai thường phát triển chậm hơn so với bé gái do sự khác biệt trong cột mốc tuổi dậy thì. Nhưng khi trưởng thành, nam giới thường cao hơn trung bình khoảng 14cm so với phụ nữ trưởng thành.
2.4. Nội tiết tố
Trong giai đoạn dậy thì, gen chiếm bao nhiêu phần trăm chiều cao? Ở giai đoạn này, nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của cơ thể. Các hormone như hormone tuyến giáp, hormone tăng trưởng và hormone sinh dục như testosterone và estrogen đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Nếu có sự cố xảy ra với bất kỳ loại hormone nào, quá trình phát triển chiều cao có thể bị ảnh hưởng. Trẻ em mắc các vấn đề như suy giáp hoặc rối loạn tuyến yên thường có chiều cao thấp hơn so với cha mẹ.
Các rối loạn nội tiết tố mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng có thể dẫn đến tình trạng tăng cao hoặc kém phát triển về chiều cao. Ví dụ, chứng khổng lồ là kết quả của việc sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng do sự xuất hiện của khối u ở tuyến yên.
2.5. Rối loạn bẩm sinh
Tình trạng rối loạn bẩm sinh có khả năng ảnh hưởng đến chiều cao của một người. Ví dụ, loạn sản sụn xương là một tình trạng hiếm gặp có thể xảy ra trong gia đình, trong khi hội chứng Turner làm chậm quá trình dậy thì và không phụ thuộc vào yếu tố di truyền.
Ngoài ra, một số hội chứng khác cũng có khả năng làm tăng chiều cao. Ví dụ, hội chứng Marfan xuất phát từ nguyên nhân mở rộng mô liên kết, trong khi hội chứng Klinefelter xảy ra khi nam giới có một nhiễm sắc thể X dư thừa.

3. Cách tăng chiều cao
Nhìn chung về vấn đề gen chiếm bao nhiêu phần trăm chiều cao, mỗi người đều có gen quy định chiều cao của riêng mình từ khi sinh ra. Tuy nhiên, các yếu tố như dinh dưỡng không cân đối hoặc thiếu điều kiện y tế thường ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển chiều cao.
Trong trường hợp mắc các bệnh lý nội tiết như thiếu hormone tăng trưởng hoặc bất thường về tuyến giáp, người bệnh nên sử dụng thuốc điều chỉnh hormone để tạo điều kiện cho quá trình phát triển chiều cao diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, sau khi đã trưởng thành, phương pháp sử dụng thuốc thay thế hormone không còn tác dụng. Khi đó, cơ thể đã đạt đến giới hạn về chiều cao và việc sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc hay chất bổ sung nào cũng không tạo ra sự khác biệt.
Thay vào đó, cha mẹ nên chú trọng vào chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn thơ ấu của trẻ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển chiều cao mà còn giúp trẻ xây dựng một cơ thể khỏe mạnh khi trưởng thành.

Ngoài ra, tư thế không đúng và thiếu vận động cũng làm chậm quá trình tăng chiều cao. Do đó, cha mẹ nên điều chỉnh lối sống cho trẻ từ khi còn nhỏ để hỗ trợ việc phát triển chiều cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.