Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Tưởng Thị Vân Thùy và Tiến sĩ Ngô Anh Tiến - Ngân hàng mô Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
“Ngân hàng sinh học” là đơn vị thu thập và lưu trữ có hệ thống các mẫu sinh học chất lượng và dữ liệu (lâm sàng) liên quan tới mẫu theo cách có cấu trúc và có thể phân tích, được thực hiện trong một khuôn khổ đạo đức và pháp lý.
1. Ngân hàng sinh học và lịch sử hình thành
Thuật ngữ “Ngân hàng sinh học” (Biobank) lần đầu tiên xuất hiện trong một ấn phẩm khoa học vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước [1] và ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn thế giới trong những năm gần đây.
Tuy sự ra đời ngân hàng sinh học mới chỉ xuất hiện khoảng 30 thập niên nhưng thực chất nó đã được biết đến từ trước đó rất lâu với 1 thuật ngữ khác, đó là Ngân hàng Mô (Tissue Bank).
Ngân hàng Mô đầu tiên được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1949 nhằm đáp ứng cho nhu cầu bảo quản lạnh sâu các mẫu mô (chủ yếu là mô da, xương) để ghép tự thân và ghép đồng loại trong chấn thương và điều trị bỏng [2]. Tiếp sau đó là sự ra đời hàng loạt các Ngân hàng Mô ở khắp các châu lục. Chính sự đi vào hoạt động của các Ngân hàng Mô đã mang tới rất nhiều cơ hội cho việc sửa chữa, thay thế các mô bệnh, các mô bị mất trong chấn thương; và từ đó đã cứu được nhiều mạng sống quý giá.
Tuy nhiên khi khoa học ngày càng phát triển, cơ chế bệnh sinh được làm sáng tỏ ở mức sinh học tế bào/phân tử, thì thuật ngữ “Ngân hàng Mô” dường như là không còn đủ để bao phủ tất cả nhu cầu lưu trữ mẫu cho công tác điều trị và nghiên cứu. Bên cạnh các phần mô/tế bào từ cơ thể người có thể được lưu trữ phục vụ cho điều trị và nghiên cứu, các sinh phẩm khác không phải là mô như các chất tiết (nước bọt, dịch não tủy, dịch hồi tràng), chất thải (nước tiểu, mẫu phân) hay tất cả các dữ liệu thông tin liên quan mẫu (dịch tễ, thói quen ăn uống, tiền sử gia đình), thậm chỉ cả dữ liệu về hệ gen... cũng chứa vô vàn thông tin quan trọng nên được lưu trữ lại để phục vụ cho điều trị, đào tạo, đặc biệt là cho nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Đó là cơ sở cho việc ra đời thuật ngữ “Ngân hàng sinh học” (Biobank), và ngày càng được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Chính sự đóng góp của Ngân hàng sinh học cho nghiên cứu khoa học cũng như là ứng dụng trong Y học và khoa học sự sống mà Tạp chí nổi tiếng thế giới TIME đã xếp Ngân hàng sinh học vào danh sách 10 ý tưởng làm thay đổi thế giới [3].
2. Ngân hàng sinh học có chức năng gì?
Chính định nghĩa phản ánh chức năng chính của Ngân hàng sinh học. Có thể tóm tắt chức năng của Biobank qua 4 hoạt động chính. Đó là thu nhận, xử lý, lưu trữ mẫu sinh học (đi kèm thông tin mẫu liên quan) và phân phối chúng tới các bệnh viện, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ sở thử nghiệm nhằm phục vụ điều trị và nghiên cứu [4].
Tuy nhiên không phải Ngân hàng sinh học nào cũng thực hiện đầy đủ cả 4 chức năng này. Việc hoạt động của các Ngân hàng sinh học phụ thuộc theo chính sách và luật pháp của từng quốc gia, theo nguồn cung cấp mẫu, định hướng phát triển và khả năng tài chính của từng Ngân hàng. Theo khảo sát của Hiệp hội Ngân hàng Mô Hoa Kỳ (American Association of Tissue Banks – AATB) được thực hiện năm 2007, trong 109 Ngân hàng Mô được cấp phép hoạt động tại Hoa Kỳ, 63 Ngân hàng (chiếm 58%) có cung cấp dịch vụ lưu trữ mẫu, 52 Ngân hàng (chiếm 48%) cung cấp dịch vụ phân phối mẫu, và chỉ có 32 Ngân hàng (chiếm 29%) cung cấp dịch vụ xử lý mẫu [5].
3. Nguồn mẫu của Ngân hàng sinh học đến từ đâu?
Nguồn mẫu của tất cả các Ngân hàng sinh học đều đến từ những người tình nguyện hiến tặng. Có thể là toàn bộ cơ thể hoặc từng bộ phận cơ quan của người hiến tặng ngay khi họ vừa qua đời. Hay là mẫu sinh học (mô, máu, dịch thể, tế bào...) của người hiến tặng trong khi họ vẫn đang còn sống. Việc quy định về hiến tặng mẫu cơ thể người khác nhau giữa các quốc gia, vùng miền; phụ thuộc vào luật pháp, thói quen, tập quán của từng nơi. Nhưng nguyên tắc chung của tất cả các mẫu sinh học là cần phải có bản chấp thuận hiến tặng mẫu của người hiến tặng và nguyên tắc bảo mật thông tin người hiến tặng theo quy định.
4. Ngân hàng sinh học Vinmec
Ngân hàng mẫu sinh học Vinmec là Ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được định hướng xây dựng theo đúng mô hình Ngân hàng sinh học quốc tế. Điều này là khác biệt hoàn toàn với các mô hình Ngân hàng Mô khác đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ dừng lại ở việc thu thập và bảo quản các mẫu mô phục vụ cho điều trị. Ngân hàng sinh học Vinmec đã được Bộ Y tế tiến hành thẩm định đủ điều kiện hoạt động vào tháng 11/2019. Mục tiêu của Ngân hàng sinh học Vinmec hướng tới là nơi cung cấp nguồn mẫu chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế như AATB (Hiệp hội Ngân hàng Mô Hoa Kỳ), AABB (Hiệp hội Ngân hàng Máu Hoa Kỳ) ... để phát triển nền y học cá thể, nâng cao hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh tại Việt Nam cũng như quốc tế.
Nguồn tham khảo:
- [1]. Hewitt, Robert; Watson, Peter (October 2013). "Defining biobank". Biopreservation and Biobanking. 11 (5): 309–315. doi:10.1089/bio.2013.0042. ISSN 1947-5543. PMID 24835262.
- [2]. Narayan, R P. “Development of tissue bank.” Indian journal of plastic surgery : official publication of the Association of Plastic Surgeons of India vol. 45,2 (2012): 396-402. doi:10.4103/0970-0358.101326
- [3]. 10 Ideas Changing the World Right Now | Mar. 23, 2009 http://content.time.com/time/covers/0,16641,20090323,00.html
- [4]. De Souza YG, Greenspan JS. Biobanking past, present and future: responsibilities and benefits. AIDS. 2013 Jan 28;27(3):303-12. doi: 10.1097/QAD.0b013e32835c1244.
- [5]. https://www.aatb.org/sites/default/files/2007%20AATBAnnualSurveyUSTissueBanks(Final) 2010.pdf
XEM THÊM:
- Lưu trữ máu cuống rốn ở Vinmec - "Bảo hiểm sinh học" trọn đời cho con
- Ưu thế khi sử dụng tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn để điều trị bệnh
- 3 lợi ích sống còn cha mẹ phải biết khi lưu trữ tế bào gốc dây rốn cho con