Chỉ số Gamma GT là một loại chỉ số xét nghiệm men gan rất quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe của con người thông qua việc khảo sát chức năng gan, gan hoạt động có bình thường hay không. Bên cạnh đó, chỉ số Gamma GT trong máu còn góp phần vào việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến những rối loạn chức năng gan để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.
1. Chỉ số Gamma GT trong máu là gì?
Chỉ số Gamma GT có tên khoa học là Gamma Glutamyl Transferase, là 1 trong 3 loại men gan quan trọng nhất của cơ thể giúp gan có thể hoạt động một cách bình thường. GGT có nhiều ở những cơ quan như thận, tuyến tụy, lách, ruột non, gan... GGT được gắn ở màng tế bào và tạo ra Isopeptide của Glutamat với những Amino acid tự do, làm giải phóng các Dipeptide Cysteinyl- Glycine từ Glutathione. Enzym GGT có chức năng chính là vận chuyển những Amino acid qua màng tế bào, có thể vận chuyển rất nhanh ở cường độ cao ở thận hoặc 1 số cơ quan khác với những loại Amino acid đặc biệt.
Vệ bệnh học, việc xác định trị chẩn chỉ số Gamma GT có thể giúp cho việc chẩn đoán tình trạng ứ mật ở gan, chỉ số này có giá đoán cao hơn so với những chỉ số của các loại enzym khác vì đặc tính nhạy cảm với sự biến đổi ứ mật xảy ra ở gan. Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác của có sự thay đổi của chỉ số sinh hóa máu GGT đó là viêm gan mạn tính, bệnh lý về tụy, nhồi máu cơ tim...
2. Chỉ số Gamma GT bao nhiêu là nguy hiểm?
Khi chỉ số sinh hóa máu GGT tăng lên cao hơn mức bình thường thì có thể là dấu hiệu của việc thấm hút của màng tế bào ở gan đã bị rối loạn cũng như tốc độ tổng hợp enzym GGT ở gan tăng lên. Nguyên nhân của sự gia tăng chỉ số GGT có thể do:
- Bệnh lý về gan, mật ở gan, đặc biệt là hội chứng ứ mật, viêm gan do virus mạn tính, thiếu máu đến gan, khối u ở gan, xơ gan, suy gan...
- Do uống nhiều rượu hoặc thực phẩm có chứa cồn, sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc ngủ, thuốc chống tăng huyết áp, thuốc chống tiểu đường, thuốc chống bệnh phong, thuốc ngừa thai bằng đường uống...
- Một số nguyên nhân thứ phát khác nhưng gây hậu quả lên gan như bệnh lý nhồi máu cơ tim, suy tim, viêm tụy, sung huyết, tiểu đường, viêm tụy cấp...
Bình thường, chỉ số Gamma GT ở mức 60 UI/L thì gan ở trạng thái hoạt động bình thường, là ngưỡng an toàn cho cơ thể con người, có thể phân rõ hơn là 11-50UI/L ở nam giới và 7-32UI/L ở nữ giới. Những trường hợp chỉ số GGT tăng gấp đôi so với giá trị bình thường nếu như gan bị tổn thương ở mức độ nhẹ. Những trường hợp nghiêm trọng hơn, gan bị tổn thương nặng nề, chỉ số sinh hóa máu GGT có thể tăng 2-5 lần so với bình thường, báo hiệu bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể. Một số bệnh lý cấp tính khác như viêm gan cấp hay có thể là bệnh ung thư gan thì chỉ số Gamma GT có khi đạt ngưỡng rất cao là 5000UI/L đòi hỏi bệnh nhân cần được làm thêm những xét nghiệm cần thiết để tiến hành điều trị tổn thương gan.
Khi một bệnh nhân xét nghiệm có chỉ số ALP cao, có thể chỉ định tiếp theo đó sẽ là xét nghiệm chỉ số Gamma GT để đánh giá chức năng và hoạt động của gan cũng như tìm nguyên nhân vì sao chỉ số ALP tăng, nhất là những bệnh nhân không có biểu hiệu triệu chứng lâm sàng. Nếu chỉ số GGT trong giới hạn bình thường và ALP tăng cao thì có khả năng bệnh nhân đang gặp vấn đề về xương. Có những trường hợp khác thì xét nghiệm chỉ số Gamma GT được thực hiện kèm với một số xét nghiệm khác như AST, ALT để kiểm tra chức năng gan cũng như phát hiện những bệnh lý về gan. Một số biểu hiện về tổn thương gan mà người bệnh cần chú ý để đến ngay cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm Gamma GT để kiểm tra đó là cơ thể yếu ớt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, bụng sưng, đau, vàng da, nước tiểu có màu đậm, phân có màu nhạt, nổi mẩn ngứa khắp cơ thể...
Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số Gamma GT tăng cao thì người bệnh cần phải tuân theo chỉ dẫn tiếp theo của bác sĩ, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết tiếp theo bao gồm:
- Xét nghiệm viêm gan B và C, đối với xét nghiệm viêm gan B thì cần làm xét nghiệm HBsAg, HBeAg, HBsAb, anti- HBeAg, xét nghiệm định lượng DNA virus...
- Nếu có dấu hiệu là nguyên nhân từ tắc đường dẫn mật thì cần thực hiện các biện pháp để điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh.
- Ngưng uống những thức uống có hại như rượu, bia, nước có cồn...
- Không ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ động vật, đồ chiên xào...
- Có thói quen luyện tập thể dục thể thao hợp lý.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi và kịp thời phát hiện những bất thường.
Để bảo vệ sức khỏe thì việc thường xuyên thăm khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra là cực kỳ quan trọng đối với mỗi người, trong đó có xét nghiệm chỉ số sinh hóa máu GGT. Xét nghiệm chỉ số GGT giúp đánh giá tình trạng chức năng và hoạt động của tế bào gan, một trong những cơ quan quan trọng nhất trong bộ máy cơ thể con người.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM