Xét nghiệm canxi máu là phương pháp phổ biến áp dụng cho những bệnh nhân có biểu hiện liên quan đến rối loạn canxi máu. Xét nghiệm canxi máu toàn phần có thể giúp kiểm tra nồng độ canxi trong cơ thể, từ đó giúp đưa ra chẩn đoán và phát hiện nhiều tình trạng bệnh lý quan trọng.
1. Canxi máu là gì?
Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động như co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormone vào trong máu. Lượng canxi dự trữ trong cơ thể được duy trì ổn định thông qua ăn uống, hấp thu ở ruột và bài tiết qua nước tiểu và đường tiêu hoá. Trong máu canxi sẽ lưu trữ dưới 2 dạng chủ yếu:
- Dạng bất hoạt: liên kết với protein (chủ yếu là albumin): chiếm 50% lượng canxi lưu hành trong máu.
- Dạng tự do: không gắn với các protein, chiếm gần một nửa lượng canxi máu
Vì vậy lượng canxi máu toàn phần bao gồm tổng canxi tự do và canxi bất hoạt. Sự thay đổi nồng độ protein huyết thanh sẽ ảnh hưởng đến nồng độ canxi máu, tuy nhiên chỉ các biến đổi nồng độ canxi ion hoá mới gây ra các dấu hiệu lâm sàng.
2. Xét nghiệm canxi máu để làm gì?
Bản chất của xét nghiệm canxi máu nhằm đo lượng canxi tự do có trong cơ thể. Mục đích của xét nghiệm là cung cấp các thông tin liên quan đến chức năng tuyến cận giáp và chuyển hoá canxi trong cơ thể. Xét nghiệm là cơ sở để theo dõi một loạt các tình trạng bệnh lý liên quan như: rối loạn protein và vitamin D, bệnh lý xương, thận, tuyến cận giáp và bệnh lý đường tiêu hoá.
Xét nghiệm còn được dùng để đánh giá các bệnh lý ác tính do các tế bào ung thư giải phóng canxi thường gây tăng nồng độ canxi máu. Ngoài ra, xét nghiệm canxi ion hoá đặc biệt được sử dụng cho các trường hợp tăng hoặc giảm nồng độ canxi máu nhưng nồng độ canxi toàn phần ở mức ranh giới và có biến đổi nồng độ protein huyết thanh. Lưu ý nồng độ canxi máu không phản ánh đúng có bao nhiêu canxi trong xương mà chỉ phản ánh có bao nhiêu canxi đang lưu hành trong máu.
3. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm canxi máu toàn phần:
Giá trị bình thường của canxi huyết thanh trong xét nghiệm máu như sau:
- Canxi toàn phần: 2,1- 2,6 mmol/L
- Canxi ion hoá: 1,15- 1,3 mmol/L
Các trường hợp tăng canxi máu toàn phần so với giá trị bình thường có thể gặp gồm:
- Cường cận giáp tiên phát
- Ung thư vú, phổi, thận
- Bệnh u tạo hạt như sarcoidose, lao, bệnh u hạt tăng bạch cầu ái toan
- Tác dụng phụ của các thuốc: ngộ độc vitamin D và vitamin A, lạm dụng thuốc trung hòa acid dịch vị, dùng thuốc lợi tiểu thiazide quá mức
- Bệnh paget
- Bệnh nhân sau ghép thận
- Toan hô hấp
- Bệnh nhân leukemia
- Bệnh lý nội tiết: nhiễm độc giáp, khối u tuyến cận giáp, hội chứng cushing, u tuỷ thượng thận.
Các trường hợp giảm canxi máu toàn phần so với giá trị bình thường có thể gặp gồm:
- Giảm protein máu, nhất là khi nồng độ albumin máu thấp
- Giảm hấp thu canxi: nghiện rượu, tiêu chảy
- Suy dinh dưỡng nặng
- Suy thận
- Hội chứng thiếu vitamin D
- Suy cận giáp, giả suy cận giáp
- Viêm tuỵ cấp
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy
- Truyền máu ồ ạt
- Còi xương hoặc nhuyễn xương
- Di căn u nguyên bào xương
4. Các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm canxi máu:
Có các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm gồm:
- Ngộ độc vitamin D hoặc uống quá nhiều sữa có thể làm tăng canxi
- Giảm pH huyết thanh gây tăng canxi
- Thời gian garô kéo dài làm giảm pH và làm tăng nồng độ canxi.
- Giảm albumin liên quan đến giảm canxi tổng
- Sử dụng thuốc làm tăng canxi huyết thanh như: thuốc kháng acid có tính kiềm, androgen, muối canxi, hormon tuyến cận giáp (PTH), thuốc lợi tiểu thiazid, hormon tuyến giáp và vitamin D.
- Sử dụng thuốc làm giảm canxi huyết thanh như: acetazolamide, thuốc chống co giật, aspirin, calcitonin, corticosteroid, thuốc lợi tiểu, estrogen, thuốc nhuận tràng, thuốc tránh thai
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.