Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Nam - Khoa Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Gây tê ngoài màng cứng kết hợp tủy sống (Combined Spinal Epidural - CSE) là phương pháp gây tê dùng cho các phẫu thuật vùng bụng dưới và chi dưới như chỉ định của tê tủy sống đơn thuần. Nhờ tính chất tác dụng nhanh chóng và hoàn hảo của tê tủy sống kết hợp với tác dụng kéo dài của catheter ngoài màng cứng, phương pháp này cho phép chủ động thời gian vô cảm khi thuốc tê tủy sống hết tác dụng và còn có tác dụng giảm đau sau mổ.
1. Gây tê ngoài màng cứng kết hợp tủy sống
Theo số liệu thống kê ở Châu Âu, gây tê vùng chiếm 17% các phương pháp vô cảm. Trong đó 56% là tê tủy sống, 40% tê ngoài màng cứng và khoảng 4% là kết hợp gây tê tủy sống - ngoài màng cứng. Khi có chỉ định, gây tê vùng thường được chọn lựa hơn gây mê toàn thân do những ưu điểm của nó.
CSE là phương pháp gây tê tủy sống kết hợp với gây tê ngoài màng cứng. Thông thường tùy loại thuốc sử dụng, thời gian tác dụng của gây tê tủy sống kéo dài 2-3 giờ. Nếu thời gian mổ kéo dài hơn dự kiến ban đầu và thuốc tê tủy sống hết tác dụng thì cuộc mổ sẽ bị gián đoạn để chuyển sang gây mê toàn thân. Điều này là một bất lợi và sẽ làm người bệnh lo lắng, tăng đau. Trong trường hợp CSE, điều này sẽ không xảy ra do tác dụng của thuốc tê ngoài màng cứng được truyền liên tục nên giảm đau được kéo dài cả trong và sau mổ. Kỹ thuật CSE được đánh giá là có chất lượng giảm đau tốt và ổn định, hạn chế đáng kể tác dụng không mong muốn nếu chỉ gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng đơn thuần.
Sự kết hợp này giúp tạo ra một kỹ thuật vô cảm mới, không chỉ vượt trội về chất lượng gây tê mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra catheter ngoài màng cứng còn được dùng để giảm đau sau mổ 48-72 giờ, thích hợp cho các trường hợp cần tập vật lý trị liệu và giúp người bệnh vận động sớm sau mổ.
2. Chỉ định và ứng dụng của gây tê kết hợp
2.1. Chỉ định trong mổ:
- Thay khớp háng
- Cắt tử cung
- Thay khớp gối
- Mổ lấy thai chương trình
- Kết hợp xương đùi ở bệnh nhân lớn tuổi
- Cắt bướu tuyến tiền liệt mổ mở
2.2. Giảm đau trong sản khoa
Chỉ định khi sản phụ đau nhiều, cần giảm đau nhanh trong sinh thường. Kỹ thuật CSE có tác dụng giảm đau nhanh, tạo sự thoải mái và hài lòng cho sản phụ đồng thời giúp sản phụ thuận lợi vượt cạn. Gây tê kết hợp tủy sống - ngoài màng cứng cũng giúp giảm liều thuốc tê, tai biến và tác dụng phụ của thuốc. Do không làm giảm chức năng vận động, sản phụ sẽ hợp tác tốt hơn với bác sĩ khi sinh thủ thuật.
2.3. Chống chỉ định
Chống chỉ định của của kỹ thuật CSE cũng giống với phương pháp gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng đơn lẻ. Cụ thể là:
- Người bệnh từ chối, không hợp tác;
- Bệnh lý cột sống: Sốt bại liệt, biến dạng, gù vẹo hoặc dị tật cột sống;
- Bệnh lý về đông máu và đang sử dụng thuốc chống đông;
- Thiếu máu nặng hoặc thiếu thể tích tuần hoàn chưa đủ bù;
- Nhiễm trùng toàn thân hoặc tại nơi làm thủ thuật;
- Bệnh lý van tim nghiêm trọng.
3. Quy trình tiến hành
3.1. Khám trước mổ cho bệnh nhân
- Bệnh nhân được khám tiền mê trước phẫu thuật 1 ngày để quyết định phương pháp vô cảm thích hợp
- Động viên, giải thích về phương pháp sẽ tiến hành cho bệnh nhân hiểu và hợp tác tốt, tránh lo lắng, sợ hãi.
- Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thước đo mức độ đau;
- Kiểm tra hồ sơ bệnh án và bổ sung các xét nghiệm cần thiết khác.
3.2. Trước khi gây tê
Người bệnh sẽ được theo dõi các thông số như:
- Mạch
- Huyết áp
- Điện tim;
- Tần số thở;
- Độ bão hòa oxy SpO2.
- Thở oxy qua sonde mũi 2-3 lít/phút
Sau đó nhân viên y tế sẽ đặt đường truyền ngoại vi bằng kim luồn 18G và truyền dịch NaCl 0,9% hoặc Ringer Lactat 500 ml trước khi gây tê.
3.3. Tiến hành gây tê
- Bác sĩ rửa tay vô trùng, mặc đồ bảo hộ và đeo găng phẫu thuật viên;
- Bệnh nhân nằm nghiêng sang trái, cúi đầu, lưng cong, hai chân co lại, ép gối sát vào bụng hoặc ngồi cong lưng ra sau.
- Sát khuẩn vùng gây tê bằng betadine và cồn 900
- Trải săng lỗ và xác định vị trí chọc ở khe liên đốt sống L2-L3 trở xuống
- Gây tê tại chỗ bằng lidocain 1% theo thứ tự trong da, dưới da, rồi đến dây chằng
- Chọc kim Tuohy qua da và bơm tiêm bằng kỹ thuật mất sức cản (loss of resistance), hiện nay thường dùng bơm tiêm nước làm test mất sức cản.
- Hút qua kim Tuohy không máu, dịch não tuỷ
- Chọc kim tê tủy sống qua kim Tuohy để gây tê tủy sống bằng kim 27G
- Rút kim tê tủy sống sau khi đã bơm thuốc tê vào khoang dưới nhện
- Luồn catheter vào khoang ngoài màng cứng qua kim Tuohy, đầu catheter hướng lên trên
- Rút kim, cố định chắc catheter. lắp catheter với bầu lọc vi khuẩn
- Đặt bệnh nhân nằm ngửa trở lại
- Theo dõi mức tê, độ liệt chân và dấu sinh hiệu trong và sau mổ.
4. Tai biến, biến chứng
- Tụt huyết áp
- Mạch chậm
- Dị ứng thuốc (ít gặp)
- Ngộ độc thuốc tê (hiếm gặp) do bơm 1 lượng lớn thuốc tê vào máu
- Tê tủy sống toàn bộ: hiếm gặp, có thể xảy ra nếu luồn catheter ngoài màng cứng vào khoang dưới nhện, nhưng nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật thì sẽ tránh được;
- Các biến chứng khác: Đau đầu, nôn, bí tiểu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh (hiếm gặp)
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng phương pháp gây tê tủy sống kết hợp gây tê ngoài màng cứng trong các ca phẫu thuật và điều trị, đặc biệt là trong sản khoa với kỹ thuật đẻ không đau, đây cũng là một trong các lợi ích khi sử dụng thai sản trọn gói. Giúp người bệnh cũng như sản phụ không cảm thấy đau, đồng thời hạn chế được tối đa biến chứng so với những phương pháp gây mê, gây tê khác. Đặc biệt với hệ thống máy móc hiện đại đạt chuẩn, cùng đội ngũ Y, Bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả tốt cho Quý khách hàng.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.