Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản là một trong những biến chứng tiềm ẩn và nguy hiểm nhưng lại thường gặp, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân xơ gan. Khả năng tử vong cao nếu không được can thiệp cấp cứu kịp thời. Nếu không được điều trị, khoảng 25% đến 40% bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản sẽ vỡ tĩnh mạch thực quản. Và có khoảng 15% những bệnh nhân vỡ tĩnh mạch thực quản sẽ chết.
1. Giãn tĩnh mạch thực quản là gì? Chỉ định điều trị
Giãn tĩnh mạch thực quản lại không gây ra bất kỳ một triệu chứng nào để chúng ta nhận biết, cho đến khi nó vỡ ra (ói ra máu hay đi cầu phân đen).
Thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su là một kỹ thuật gần đây được áp dụng thường quy trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản. Dễ làm, hiệu quả cao, biến chứng thấp, là những ưu điểm trong kỹ thuật điều trị này. Đây là kỹ thuật dùng các vòng thắt bằng cao su nhằm ngăn chặn lại lượng máu mất từ tĩnh mạch thực quản đã vỡ hoặc làm giảm áp suất bên trong các tĩnh mạch thực quản đã giãn nhưng chưa vỡ. Từ đó hạn chế khả năng vỡ của các tĩnh mạch này. Do đó chỉ định điều trị thắt tĩnh mạch thực quản sẽ có các chỉ định chính bao gồm:
- Cầm máu cấp cứu ở những bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản.
- Thắt dự phòng xuất huyết tiên phát ở những bệnh nhân có tĩnh mạch thực quản dãn mức độ trung bình đến lớn (có nguy cơ vỡ), hoặc ở những bệnh nhân không điều trị dự phòng được bằng nội khoa.
- Thắt dự phòng xuất huyết tái phát ở những bệnh nhân đã hồi phục, sau đợt xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản.
Tuy nhiên thắt tĩnh mạch thực quản cũng có những chống chỉ định sau:
- Các chống chỉ định của nội soi tiêu hóa nói chung
- Hôn mê gan
- Giãn tĩnh mạch thực quản có kèm theo giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày
- Suy gan nặng
- Suy tim phổi cấp
- Choáng nặng, không có hồi sức hỗ trợ
- Rối loạn đông máu nặng
2. Quy trình nội soi thắt tĩnh mạch thực quản cơ bản
- Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện thủ thuật.
- Soi thực quản dạ dày để nhận định mức độ giãn tĩnh mạch thực quản, vị trí giãn, các tổn thương phối hợp ở dạ dày.
- Tiến hành lồng vòng cao su vào ống hút, sau đó lắp ống hút có vòng cao su vào đầu đèn soi, mỗi lần lắp được 6 vòng cao su.
- Đưa máy nội soi (đã gắn với súng bắn) vào sát búi tĩnh mạch cần thắt, hút từ từ để búi tĩnh mạch chui vào trong vòng nhựa.
- Quay tay quay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ để vòng cao su tuột ra khỏi ống hút.
- Đưa đầu máy soi đến vị trí búi giãn khác để thắt tiếp.
- Vị trí thắt: cách tâm vị vài cm và vào nhiều búi tĩnh mạch theo vòng chu vi của thực quản.
- Sau khi thắt người bệnh nằm theo dõi trong 24 giờ, ăn thức ăn lỏng, mềm trong 24 giờ
- Việc thắt tĩnh mạch thực quản được kiểm tra lại sau 2 tuần để đánh giá hiệu quả, nếu các búi tĩnh mạch còn giãn, còn nguy cơ chảy máu, bệnh nhân sẽ được thắt tiếp.
Một số biến chứng có thể gặp trong và sau khi thắt tĩnh mạch thực quản bao gồm: chảy máu tại búi thắt, đau sau xương ức, khó nuốt, buồn nôn, loét thực quản, nhiễm trùng tại nơi thắt.... Tuy nhiên những biến chứng này là ít gặp và tự hạn chế được bởi các điều trị dự phòng.
Tóm lại, thắt tĩnh mạch thực quản giãn qua nội soi là một kỹ thuật cao, được sử dụng rộng rãi, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng ngừa và điều trị cấp cứu, lại nhưng ít biến chứng.
Chúng ta nên hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị cũng như phòng ngừa, tầm soát giãn tĩnh mạch thực quản. Từ đó có những kế hoạch theo dõi cũng như tuân thủ chế độ điều trị cho bệnh nhân.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: