Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Bệnh lý gan mật có liên quan chặt chẽ tới chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Vì vậy, để bệnh không tiến triển nặng, đồng thời phòng bệnh tái phát, người bệnh gan mật cần phải có chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh, hạn chế những thực phẩm không tốt cho gan, mật.
1. Sơ lược về các bệnh lý gan, mật
Gan là cơ quan có nhiều chức năng quan trọng như: Chuyển hóa glucid, chuyển hóa protid, chuyển hóa lipid, chuyển hóa các chất khoáng, chuyển hóa vitamin và khử độc (độc tố nội sinh, độc tố do vi khuẩn, độc tố của rượu và thuốc,...).
Dịch mật có vai trò quan trọng trong tiêu hóa, hấp thu chất béo trong thức ăn, hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K,... Tuy nhiên, các chức năng của gan, mật có thể bị ảnh hưởng khi tế bào gan bị tổn thương hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Bệnh gan mật có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Thói quen sinh hoạt không đều độ, lạm dụng thuốc và các chất kích thích có hại, không thăm khám sức khỏe định kỳ,... là các nguyên nhân khiến các bệnh lý gan mật ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Khi bị các bệnh lý gan mật, bệnh nhân thường có các biểu hiện như sốt, mệt mỏi, chán ăn, vàng da, nước tiểu sẫm màu, đầy hơi, đau bụng, buồn nôn và nôn, cổ trướng, gan to, phù, xuất huyết,... Một số bệnh lý gan mật như rối loạn chức năng gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan, viêm túi mật, sỏi mật,... không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt mà còn có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh gan mật
Người bệnh gan ăn gì? Một số nguyên tắc dinh dưỡng bệnh nhân cần ghi nhớ bao gồm:
- Giảm lipid trong chế độ ăn: Khi tế bào gan bị tổn thương, trong bào tương của nó sẽ sinh ra các giọt mỡ có thể giết chết tế bào - hiện tượng thoái hóa mỡ của gan. Vì vậy, người bị bệnh lý gan mật nên hạn chế lipid trong chế độ ăn;
- Tăng cường glucid trong chế độ ăn: Thông thường, một phần glucid từ thức ăn được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen. Chức năng chuyển hóa, dự trữ glycogen giúp gan đảm nhiệm được vai trò giải độc cho cơ thể. Khi gan bị tổn thương, glycogen trong gan bị giảm đi nên chế độ ăn cần tăng cường thêm glucid để tạo thêm nhiều glycogen trong gan;
- Tăng cường protein trong chế độ ăn: Sự tái tạo tế bào gan cần phải có lượng lớn protein. Chế độ ăn cần tăng cường protein để giúp gan chống ngộ độc do asen, clorofom và tetraclorua cacbon.
3. Chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với các bệnh lý gan mật
3.1 Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm gan
Viêm gan cấp tính
- Trong giai đoạn đầu của viêm gan cấp tính, khi bệnh nhân đang sốt, buồn nôn hoặc nôn: Nên uống nước đường, nước hoa quả, nước luộc rau. Người bị chán ăn hoặc nôn ói nhiều có thể dùng thêm glucoza 20% nhỏ giọt truyền tĩnh mạch;
- Khi bệnh nhân đã hết sốt, buồn nôn hoặc nôn: Nên dùng sữa tách bơ, sữa đặc có đường, súp, cháo, phở và hoa quả các loại;
- Giai đoạn hồi sức: Cho bệnh nhân uống sữa vì sữa có chứa nhiều protein tốt và methionin giúp bảo vệ gan. Đồng thời, nên cho bệnh nhân ăn thêm trứng gà, thịt, cá, đậu phụ để bổ sung chất đạm. Ở giai đoạn này, vì không thể tiên lượng được sự tiến triển của bệnh nên cần áp dụng chế độ ăn bảo vệ gan trong tối thiểu 3 tháng liên tiếp kết hợp với việc theo dõi bệnh cẩn thận.
Viêm gan mạn tính
Khi giai đoạn cấp tính và hồi sức đã qua, bệnh nhân viêm gan mạn tính bị yếu gan lâu, thậm chí suốt đời nên cần theo dõi bệnh nhân trong nhiều năm, đảm bảo chế độ ăn đúng nguyên tắc dinh dưỡng. Một số chú ý quan trọng:
- Ăn nhiều bữa để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất;
- Tránh tôm, ốc, cua,... vì đồ biển dễ gây dị ứng;
- Chỉ nên ăn cá, trứng tươi; không ăn cá ươn, trứng để lâu;
- Chất béo: Chỉ nên dùng bơ, dầu thực vật và tránh chế biến món ăn theo kiểu chiên, xào. Đồng thời, hạn chế sử dụng mỡ động vật;
- Đảm bảo ăn đủ chất đường bột có trong gạo, mì, ngô, khoai,...
Trong các đợt tiến triển của bệnh viêm gan mạn tính: Nên cho bệnh nhân ăn theo chế độ như viêm gan cấp tính.
3.2 Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan
Liệu pháp ăn uống có tác dụng hỗ trợ, cải thiện và phục hồi chức năng của các tế bào gan bị suy yếu, tránh biến chứng hội chứng não gan. Chế độ ăn cho bệnh nhân như sau:
Xơ gan còn bù (giai đoạn chưa có cổ chướng)
Cần duy trì chế độ ăn hợp lý gần như bình thường, gồm đầy đủ các chất đạm, đường bột, mỡ, vitamin và khoáng chất, tránh kiêng khem quá mức. Đồng thời, nên chia nhỏ bữa ăn và thay đổi cách chế biến món ăn để tạo sự ngon miệng cho bệnh nhân
- Đạm: Nên sử dụng các loại đạm có giá trị sinh học cao, ít béo như gà nạc, cá nạc, lợn nạc, trứng, sữa tách bơ, đỗ và chế phẩm từ đậu đỗ;
- Chất béo: Nên giảm chất béo động vật, hạn chế món chiên rán, ưu tiên dùng dầu thực vật và bơ, không nấu ở nhiệt độ cao;
- Đường bột: Nên tăng cường chất đường bột dễ hấp thu như gạo, khoai củ, mật ong, các loại quả ngọt; tránh ăn bánh kẹo nhiều bơ sữa, mứt, nước ngọt;
- Chất xơ và vitamin: Mỗi ngày nên tiêu thụ 300 - 400g rau xanh, 200g quả chín, ưu tiên rau lá xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau cải; củ quả màu vàng - đỏ như cà chua, cà rốt, bí đỏ, cam, quýt, xoài, đu đủ chín,...;
- Nước: Bổ sung đầy đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày.
Xơ gan mất bù (giai đoạn phù, cổ chướng)
Nguyên tắc và mục đích ăn uống giống chế độ ăn của xơ gan còn bù nhưng cần chú ý tới một số vấn đề sau:
- Giảm đạm, giảm muối, tăng chất xơ trong rau xanh, trái cây để nhuận tràng, đảm bảo đi ngoài 2 - 3 lần/ngày;
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cung cấp kali cho bệnh nhân;
- Đảm bảo lượng nước uống 1 - 1,2 lít/ngày và nên ưu tiên thức uống, đồ ăn có tính lợi mật và nhuận gan như lá trà xanh, nhân trần, hoa atiso,...
3.3 Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hôn mê gan
Hôn mê gan là giai đoạn cuối của các bệnh lý ở gan. Dinh dưỡng cho bệnh nhân hôn mê gan cần chú ý những điều sau:
- Không sử dụng protein qua thức ăn và không truyền các dung dịch amino axit như moriamin cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu truyền các amino axit mạch nhánh cho bệnh nhân có thể cải thiện được hội chứng não trong hôn mê gan;
- Cung cấp khoảng 1700 - 1800 calo/ngày năng lượng từ glucid và lipid để hạn chế thoái hóa protein;
- Truyền dung dịch glucose 30% và thêm vào insulin với lượng phù hợp;
- Bổ sung vitamin B1 và vitamin C qua đường tiêm;
- Bổ sung thêm thuốc nhuận tràng.
Khi có dấu hiệu bệnh tiến triển tốt thì tăng lên 20g protein/ngày, trong đó có một nửa là protein thực vật (từ sữa đậu nành hoặc bột đậu xanh).
3.4 Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân túi mật và ống mật
Viêm túi mật cấp tính
Với những bệnh nhân viêm túi mật cấp tính, việc điều trị cần chú ý để cho túi mật nghỉ ngơi nên trong chế độ ăn cần loại bỏ hoặc giảm bớt protein và chất béo (vì chúng làm túi mật tăng co bóp). Vì vậy, chế độ ăn cho bệnh nhân chủ yếu là glucid như nước đường, nước rau, nước ép hoa quả, thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền, giảm ăn muối và ăn nhiều chất xơ để chống táo bón. Bệnh nhân cũng có thể dùng thêm sữa đã tách bơ.
Viêm túi mật mạn tính
Bệnh nhân viêm túi mật mạn tính thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên chế độ ăn cần đảm bảo không tăng thêm gánh nặng cho chức năng của đường mật. Cụ thể là:
- Hạn chế chất béo vì mỡ làm cho mật đi xuống ruột không đều, tăng chất độc đi vào máu và ảnh hưởng tới gan;
- Với thực phẩm giàu protein: Nên ăn ít thịt mỗi ngày, nên dùng thịt trắng và thịt nạc, không có mỡ, chế biến đơn giản. Đạm thực vật như đậu, đỗ nên ăn dưới dạng ninh nhừ hoặc nghiền nát;
- Với thực phẩm giàu glucid: Nên dùng nhiều đường vì dễ tiêu hóa và không gây ảnh hưởng xấu tới mật. Bệnh nhân viêm túi mật mạn tính không nên sử dụng socola, bánh ngọt,... vì gây khó tiêu.
Sỏi mật
Để tránh ứ đọng mật và nhiễm trùng đường mật, nên hạn chế thức ăn gây táo bón bởi táo bón sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, viêm ống mật và túi mật, khiến mật dễ bị lắng đọng và tạo sỏi.
Để tránh nguy cơ hình thành sỏi cholesterol, nên hạn chế thức ăn nhiều mỡ động vật và nhiều cholesterol. Các loại thức ăn đó là lòng đỏ trứng và phủ tạng động vật.
Người mắc các bệnh lý gan mật cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học để hỗ trợ điều trị bệnh, kiểm soát các triệu chứng bệnh và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để phát hiện ra các bệnh lý về gan mật sớm nhất, bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện sàng lọc gan mật ngay khi cơ thể có những triệu chứng khác thường liên quan đến gan mật. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Sàng lọc Gan mật, giúp phát hiện Virus viêm gan ở giai đoạn sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng và các bệnh lý về gan khác. Ngoài ra, Gói sàng lọc gan mật toàn diện giúp khách hàng:
- Đánh giá khả năng làm việc của gan thông qua các xét nghiệm men gan;
- Đánh giá chức năng mật; dinh dưỡng lòng mạch;
- Tầm soát sớm ung thư gan;
- Thực hiện các xét nghiệm như Tổng phân tích tế bào máu, khả năng đông máu, sàng lọc viêm gan B,C
- Đánh giá trạng thái gan mật qua hình ảnh siêu âm và các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng gây ra bệnh gan/làm bệnh gan nặng hơn
- Phân tích sâu các thông số đánh giá chức năng gan mật thông qua xét nghiệm, cận lâm sàng; các nguy cơ ảnh hưởng đến gan và tầm soát sớm ung thư gan mật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.