Chảy máu chân răng là biểu hiện của bệnh viêm nướu, nha chu,... các bệnh lý nha khoa do vệ sinh chăm sóc răng miệng không đúng cách. Bên cạnh đó, chảy máu chân răng còn biểu hiện có thể đang mắc một số bệnh nguy hiểm khác. Vậy chảy máu chân răng uống thuốc gì?
1. Nguyên nhân gây chảy máu chân răng
Chảy máu chân răng do nhiều nguyên nhân gây ra, những nguyên nhân chính thường do:
- Các mảng bám, vi khuẩn tích tụ lâu ngày tạo thành vôi răng gây chảy máu chân răng.
- Cách chăm sóc răng miệng hàng ngày không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào nướu răng, làm viêm nướu và viêm chân răng.
- Ngoài ra, trường hợp răng mọc lệch lạc, không đúng vị trí, khớp cắn sai lệch cũng gây ra tình trạng viêm nướu hoặc làm bệnh ngày càng tiến triển trầm trọng hơn.
- Tình trạng cơ thể bị thiếu sức đề kháng, thiếu Vitamin C, cơ thể suy nhược hay có những thay đổi về nội tiết tố, mắc những căn bệnh về đường máu cũng có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng.
2. Chảy máu chân răng có đáng lo ngại?
Chân răng thường bị chảy máu khi chúng ta vô tình chạm mạnh hoặc nhai cắn vật cứng. Ngoài ra, chải răng sai cách cũng là nguyên nhân khiến chân răng bị chảy máu.
Nếu hiện tượng này chỉ xảy ra trong chốc lát và không tiếp diễn bất kì lần nào trong ngày thì bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nhận thấy tình trạng chảy máu lặp lại nhiều lần trong ngày hoặc dai dẳng trong nhiều ngày, các bạn cần phải đến Nha khoa uy tín thăm khám ngay, bởi vì đây có thể biểu hiện của một số bệnh răng miệng nghiêm trọng như viêm lợi, viêm chân răng,...
3. Chảy máu chân răng uống thuốc gì?
Thuốc chảy máu chân răng: Các loại thuốc chữa chảy máu chân răng, viêm chân răng mà bác sĩ kê toa thường gồm một số loại như: Amoxicillin, Tetracycline, Metronidazol, Penicillin,...Tùy theo tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ hướng dẫn liều lượng sao cho phù hợp.
Bên cạnh việc dùng thuốc, khi nhận thấy dấu hiệu chảy máu chân răng, viêm nướu hoặc sâu răng,... Nha sĩ khuyên chúng ta nên thực hiện một chế độ chăm sóc và vệ sinh răng như sau:
- Chải răng bằng bàn chải lông mềm, nhẹ nhàng làm sạch các vị trí răng nhất là vùng răng trong cùng có các răng cối lớn.
- Không tiếp tục dùng tăm xỉa răng mà thay vào đó là dùng chỉ nha khoa để giảm sự tác động không tốt vào nướu răng.
- Khám răng định kỳ để được bác sĩ kiểm tra và vệ sinh răng miệng cũng như chẩn đoán và điều trị các bệnh lý nha khoa có thể xảy ra.
- Nên súc miệng thêm nước muối sinh lý hoặc các loại nước súc miệng trị viêm nướu.
- Bổ sung thêm Vitamin C để nướu được khỏe mạnh hơn.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày, chải răng ngay sau bữa ăn với loại bàn chải có phần lông thật mềm và chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương nướu cũng như gây mòn răng.
- Hạn chế những đồ ăn thức uống nhiều phẩm màu, quá nóng hoặc quá lạnh
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.