Cây nhọ nồi có thể dễ dàng tìm kiếm tại các thửa ruộng ở nước ta. Loại cây này được biết đến với rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Vậy cây nhọ nồi có tác dụng cầm máu không? Tham khảo bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
1. Cây nhọ nồi có tác dụng cầm máu không?
Cây nhọ nồi còn được biết đến với tên gọi quen thuộc như cỏ nhọ nồi hay cỏ mực. Loại cỏ này rất quen thuộc ở vùng quê, mọc dại, dễ dàng tìm thấy ở đầu bờ, thửa ruộng. Loại cây này có thể chữa được một số bệnh, điển hình là công dụng cầm máu ở cây nhọ nồi rất hiệu quả.
Trong cây nhọ nồi gồm có một số thành phần hóa học như ít tinh dầu, tannin, caroten, chất đắng và ancaloit gọi là ecliptin. Trong một vài tài liệu cho rằng trong cỏ nhọ nồi có chứa chất wedelolacton - một chất curmarin lacton và tách được flavonozit cũng như demetylwedelacton. Giống như vitamin K, cỏ nhọ nồi có tác dụng chống lại tác dụng của discumarin, có hiệu quả trong cầm máu, chống chảy máu tử cung trên động vật thí nghiệm.
Theo Đông y, cây nhọ nồi cầm máu là thảo dược có vị ngọt, chua, tính lương (mát huyết), chỉ huyết (cầm máu) vào 2 kinh thận và can. Do đó, nó có tác dụng thanh can nhiệt, bổ thận âm, làm đen râu tóc, chỉ huyết lỵ, dùng để chữa can thận âm kém, tình trạng xuất huyết nội tạng như chảy máu dạ dày, tiểu tiện ra máu, thổ huyết do lao và cây nhọ nồi chữa chảy máu cam. Bên cạnh đó, loại thảo dược này còn có tác dụng đối với các bệnh như: Viêm gan mạn, kiết lỵ, chấn thương, sưng tấy lở loét, mẩn ngứa ở ngoài da, rong kinh, trĩ ra máu, chữa ho hen, ho lao, viêm cổ họng. Cỏ nhọ nồi không làm huyết áp tăng lên, không giãn mạch và không độc.
2. Một số bài thuốc trị bệnh từ cây nhọ nồi
Nhờ tác dụng hữu hiệu cầm máu của cây nhọ nồi, đã có nhiều bài thuốc chữa chảy máu cam, trị rong kinh, trĩ ra máu,... Dưới đây là các bài thuốc trị bệnh từ cây nhọ nồi:
- Cây nhọ nồi chữa chảy máu cam: Dùng 30g cỏ nhọ nồi, 15g lá sen, 10g trắc bá diệp, đun hỗn hợp sôi với nước và chia ra uống 3 lần/ ngày.
- Tiểu ra máu: Nướng cỏ nhọ nồi trên miếng ngói sạch đến khi khô, tán bột. Mỗi lần dùng lấy khoảng 8g với nước cơm. Ngoài ra có thể lấy mã đề kết hợp với cỏ nhọ nồi, 2 vị bằng nhau, giã lấy nước uống lúc đói, 3 chén/ngày. Hoặc có thể dùng cỏ nhọ nồi để nấu cháo, cho thêm vài lát gừng cho hương vị hấp dẫn hơn.
- Trĩ ra máu: Lấy nắm cỏ nhọ nồi vẫn để nguyên rễ rồi giã nhuyễn, sau đó cho thêm vào 1 chén rượu nóng tạo thành dịch đặc vừa có thể uống và lấy bã đắp ngoài.
- Chảy máu dạ dày - hành tá tràng: Lấy khoảng 50g cỏ nhọ nồi, 25g bạch cập, 4 quả đại táo, 15g cam thảo. Sắc các nguyên liệu trên, uống ngày 1 thang chia làm 2 lần.
- Vết đứt nhỏ chảy máu: Một nắm cỏ nhọ nồi rửa sạch, nhai hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.
- Chữa râu tóc bạc sớm: Lấy một lượng cỏ nhọ nồi với, rửa sạch, rồi nấu cô đặc thành cao, sau đó cho mật ong, nước gừng với lượng vừa phải, cô đặc lại lần nữa. Cho vào lọ, lấy 1 - 2 thìa canh mỗi khi dùng, hòa với nước đun sôi còn ấm hoặc cho ít rượu gạo để uống. Uống 2 lần/ngày, cao này có tác dụng ích tinh huyết, bổ thận.
- Để chữa di mộng tinh do tâm thận nóng: Sấy khô cỏ nhọ nồi, tán bột. Uống khoảng 8g/ngày với nước cơm, hoặc sắc cỏ nhọ nồi để uống khoảng 30g/ngày.
- Rong kinh: Trường hợp nhẹ, có thể lấy cỏ nhọ nồi tươi giã rồi vắt lấy nước cốt để uống hoặc sắc nước uống nếu cỏ nhọ nồi khô. Trường hợp huyết ra nhiều, cần kết hợp thêm cây huyết dụ hay trắc bá diệp,...
- Trẻ tưa lưỡi: Dùng khoảng 4g cỏ nhọ nồi tươi, 2g lá hẹ tươi, rồi giã nhuyễn hỗn hợp, lấy nước cốt hòa với mật ong chấm lên lưỡi trẻ, cứ cách 2 giờ 1 lần.
- Bị loét, chảy máu ống tiêu hóa: Lấy 30g cỏ nhọ nồi, 30g cỏ bấc đun sôi uống.
- Chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, thiếu máu, kém sức, ăn không ngon: Lấy khoảng 100g cỏ nhọ nồi, 100g cỏ mần trầu, 50g gừng khô. Chặt nhỏ các vị, sao sơ, khử thổ, sau đó đổ thêm vào 3 chén nước dừa tươi, nấu còn 8 phân, uống 2 lần/ngày.
- Chữa sốt nóng, ho, viêm họng: Rửa sạch cỏ tươi rửa, giã nhuyễn, ép lấy nước uống.
- Chữa phụ nữ chảy máu tử cung: Lấy 15g cỏ nhọ nồi, 15g lá trắc bá diệp. Mỗi ngày sắc 1 thang, uống liên tục 7 ngày.
Như vậy bài viết đã giải đáp được câu hỏi cây nhọ nồi có tác dụng cầm máu không? Nhờ công dụng cầm máu ở cây nhọ nồi mà đã có rất nhiều bài thuốc dân gian trị bệnh ra đời. Bạn có thể tham khảo bài viết trên và dễ dàng sơ chế, chế biến chúng tại nhà.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.