Mối liên hệ giữa chất béo và ung thư tuyến tiền liệt là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy chế độ ăn nhiều chất béo có gây nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt không và chúng ta nên xây dựng một chế độ ăn như thế nào để bảo vệ sức khoẻ tuyến tiền liệt?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Mối liên hệ giữa chất béo và ung thư tuyến tiền liệt
Hiện nay, hầu hết thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ (bao gồm các thành phần, liều lượng, cách chế biến) đều có ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể từng loại thực phẩm hoặc thành phần của chúng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe là một vấn đề không đơn giản.
Chế độ ăn nhiều chất béo, đặc biệt là mỡ động vật, có thể làm tăng nồng độ hormone testosterone. Các nhà khoa học cho rằng hormone này có liên quan đến một số dạng ung thư tuyến tiền liệt.
Một nghiên cứu quy mô lớn cho biết chất béo bão hoà có thể làm tăng nguy cơ phát triển và tử vong vì ung thư tuyến tiền liệt. Hơn nữa, các chuyên gia cho biết, những người thường sử dụng các chất béo bão hòa (bơ thực vật, bơ, thịt bò, sữa và các sản phẩm từ sữa) có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Điều đó cho thấy, chất béo và ung thư tuyến tiền liệt có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu tình trạng viêm, mất cân bằng hormone và tích tụ lipid từ chế độ ăn nhiều chất béo đã góp phần gây ra ung tuyến tiền liệt như thế nào.
2. Nên và không nên ăn những loại chất béo nào?
Thực phẩm có chứa bốn loại chất béo chính:
- Chất béo bão hòa: Thường ở dạng rắn ở nhiệt độ phòng. Ví dụ: Mỡ động vật, bơ, dầu dừa.
- Chất béo chuyển hóa: Chủ yếu đến từ thực phẩm chế biến sẵn, thường được dán nhãn “dầu hydro hóa một phần” trên bao bì thực phẩm. Ví dụ: Bánh quy, khoai tây chiên, đồ ăn nhanh.
- Chất béo không bão hòa đơn: Phân tử chất béo có chứa một liên kết carbon không bão hòa, ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng nhưng trở thành dạng rắn ở nhiệt độ thấp hơn. Ví dụ: Dầu ô liu, dầu hạnh nhân, dầu hạt cải.
- Chất béo không bão hòa đa: Phân tử chất béo có nhiều liên kết carbon. Ví dụ: Dầu hướng dương, dầu bắp, dầu đậu nành.
2.1 Chất béo nên bổ sung vào chế độ ăn uống
Các loại chất béo sau đây nên có trong chế độ ăn uống:
- Axit béo omega-9 không bão hòa đơn: Có trong quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, quả phỉ, quả hồ đào và quả hồ trăn), dầu ô liu nguyên chất, dầu hạnh nhân, dầu hạt cải và dầu hạt mắc ca.
- Axit béo omega-3 không bão hòa đa: Có trong cá nước lạnh (cá hồi, cá mòi, cá tuyết đen và cá trích), hạt lanh, hạt chia, hạt cây gai dầu và hạt bí ngô.
2.2 Chất béo nên hạn chế trong chế độ ăn uống
Các thực phẩm như bơ thực vật, đồ chiên, bơ đậu phộng, nước sốt salad, bánh mì chế biến sẵn, bánh quy, và ngũ cốc thường chứa chất béo chuyển hóa. Người bệnh nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
2.3 Lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt
Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt cần phải lựa chọn loại chất béo phù hợp để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tuyến tiền liệt:
- Cân bằng lượng chất béo trong khẩu phần ăn để đảm bảo sức khỏe.
- Nên hạn chế sử dụng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Tăng cường sử dụng chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.
Tập trung vào việc tiêu thụ protein từ thực vật và các chất béo lành mạnh (từ các loại hạt, quả bơ, cá) trong mỗi bữa ăn, đồng thời cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn, các loại thịt đỏ, sữa nguyên chất… sẽ giúp nam giới có sức khỏe tuyến tiền liệt tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.