Chấn thương tá tràng là một trong những bệnh lý chấn thương bụng vô cùng nguy hiểm, gây ra tình trạng nhiễm trùng rất nặng nề ở phía sau khoang phúc mạc. Vì chấn thương tá tràng hay vỡ tá tràng không dễ phát hiện trên lâm sàng nên bệnh nhân cần phải cực kỳ chú ý để có thể nhận biết và điều trị sớm.
1. Chấn thương tá tràng
Tá tràng được định nghĩa là đoạn đầu của ruột non trong cơ thể người với kích thước dài gần 25cm. Tá tràng bắt đầu từ phần môn vị thuộc dạ dày và kết thúc tại góc tạo bởi tá tràng và hỗng tràng. Tá tràng được xem là một trong những cơ quan rất quan trọng trong đường tiêu hóa. Chức năng quan trọng nhất của tá tràng đó là chứa dịch tụy, dịch mật từ nhú tá lớn và nhú tá bé đổ vào tá tràng. Tá tràng là cơ quan vận chuyển phần lớn lượng dịch trong bộ máy tiêu hóa, khoảng 10 lít/ngày, bao gồm các loại dịch như dịch tụy, dịch mật, dịch dạ dày... chưa tính dịch do thức ăn đưa vào. Quan trọng hơn hết là phần tá tràng xuống, là vị trí mà tá tràng kết dính với tụy và có tổ chức của nhú tá lớn và nhú tá bé tại đây nên khi bị chấn thương tá tràng ở vị trí này thì sẽ rất nặng nề.
Tá tràng là một cơ quan nằm phía sau phúc mạc, bao quanh đoạn đầu của tụy và bắt ngang qua cột sống nên điều kiện để một chấn thương tá tràng hay vỡ tá tràng xảy ra thường phải bắt nguồn từ một tác động có lực rất lớn. Vì lý do này, khi bị vỡ tá tràng thì bệnh nhân thường có một số chấn thương bụng khác hoặc chấn thương ngoài bụng kèm theo gây nên một số biến chứng chấn thương bụng kín ̧ chẳng hạn như chảy máu ổ bụng, viêm phúc mạc, chấn thương sọ não... Vì vậy, những triệu chứng của các tình trạng bệnh lý kèm theo này có thể làm cho bác sĩ rất khó để chẩn đoán được bệnh nhân đang bị chấn thương tá tràng.
2. Chấn thương tá tràng có nguy hiểm?
Chấn thương tá tràng là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm vì rất khó để chẩn đoán. Như đã nói ở trên, vì vỡ tá tràng có thể bị che đậy bởi những triệu chứng của các tình trạng bệnh lý kèm theo khác nên việc chẩn đoán vô vùng khó khăn, rất dễ bỏ sót trên lâm sàng, nhất là vỡ tá tràng ở mặt sau vì nó sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng rất nặng. Vì lý do này, trong quá trình phẫu thuật nếu phát hiện thấy khối máu đông sau phúc mạc thì cần phải kiểm tra thật kỹ, đặc biệt khi máu có trộn lẫn màu xanh từ dịch mật thì có khả năng vỡ tá tràng đã xảy ra, cần phải xử lý kịp thời.
Một số trường hợp, nếu chấn thương tá tràng diễn ra độc lập mà không kèm theo bất kỳ bệnh lý nào cũng rất khó để nhận biết được, hoặc phải mất rất nhiều thời gian để những triệu chứng của vỡ tá tràng biểu hiện trên lâm sàng. Nguyên nhân của hiện tượng này được giải thích là do khi vỡ tá tràng xảy ra trong cơ thể bệnh nhân thì sau rất nhiều giờ đồng hồ dịch ở tá tràng mới bắt đầu chảy vào ổ bụng, vì vậy hiện tượng viêm phúc mạc xảy ra rất lâu sau khi tá tràng bị vỡ nên những dấu hiệu của hiện tượng này rất khó để nhận biết dễ dàng và nhanh chóng. Do vậy, thường thì chấn thương tá tràng sẽ được phát hiện trong quá trình phẫu thuật thông qua triệu chứng khối máu tụ có màu xanh.
Vì phát hiện muộn, dễ bỏ sót trên lâm sàng và trong khi mổ nên bệnh vỡ tá tràng để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Một số nghiên cứu trên thế giới cho rằng tỷ lệ biến chứng sau khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đối với chấn thương tá tràng nằm trong khoảng 17.6% đến 46.6%, tỷ lệ tử vong của bệnh lý này là hơn 20%.
Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau khi mổ chấn thương tá tràng được giải thích như sau tá tràng được biết đến như là cơ quan đầu tiên thực hiện các chức năng nhằm đảm bảo cho quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường trong cơ thể, vì vậy tá tràng chứa enzyme tụy hoạt hóa có khả năng làm cản trở quá trình liền vết thương ở tá tràng. Vì vậy, khi khâu tá tràng bằng chỉ khâu bình thường như những phẫu thuật khác thì rất dễ có hiện tượng rò cũng như sẽ bị bục miệng vết khâu sau khi phẫu thuật.
Để khắc phục tình trạng này, một số phương pháp thường được sử dụng để phẫu thuật điều trị vỡ tá tràng bao gồm khâu và nối vị tràng của tá tràng, khâu tá tràng và dẫn lưu dạ dày, khâu đồng thời cắt dạ dày, bên cạnh đó sẽ kết hợp với biện pháp dẫn lưu túi mật để xử lý tình trạng viêm phúc mạc. Ngày nay, các kỹ thuật hiện đại hơn cũng ra đời để việc điều trị vỡ tá tràng hiệu quả hơn và đảm bảo giảm thiểu được những biến chứng nặng nề, đó là phẫu thuật nội soi hỗ trợ cho phẫu thuật cắt tá tràng- tụy hay còn gọi là phẫu thuật Whipple với ưu điểm là ít xâm lấn và an toàn hơn phương pháp mổ hở truyền thống.
Chấn thương tá tràng được xếp vào loại chấn thương bụng nguy hiểm, cần cấp cứu sớm nhất khi có thể. Vì những cấu trúc giải phẫu và đặc điểm sinh lý của tá tràng mà việc chẩn đoán cũng như điều trị vỡ tá tràng gặp rất nhiều khó khăn và dễ gây ra nhiều biến chứng khác. Vì vậy, cần phải quan sát và theo dõi thật kỹ những triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm này để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế trong trường hợp cấp bách nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM