Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Phù chân là tình trạng sinh lý xảy ra phổ biến trong thai kỳ. Tuy nhiên, phù chân cũng có thể là dấu hiệu nhận biết sớm của tình trạng nhiễm độc thai nghén. Vậy làm sao để nhận biết chân phù to do nhiễm độc thai nghén hay thai kỳ bình thường?
1. Nhiễm độc thai nghén là gì?
Đa số phụ nữ bước vào thai kỳ là khỏe mạnh và duy trì như vậy cho đến khi sinh con. Ngoài một loạt các vấn đề nhỏ, ví dụ như đau lưng, ốm nghén và táo bón, người phụ nữ thường chịu đựng nhiều thay đổi khác trong cơ thể do mang thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người mẹ bắt đầu mang thai với một vấn đề y tế hoặc một bất thường phát triển trong thai kỳ. Một số tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến mẹ, trong khi những tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và con.
Nhiễm độc thai nghén là một tình trạng nghiêm trọng đôi khi xảy ra vào những tuần cuối của thai kỳ. Nó được đặc trưng bởi huyết áp tăng; phù tay, chân và mặt; và có protein trong nước tiểu. Nếu để tình trạng trở nên trầm trọng hơn, người mẹ có thể bị co giật, hôn mê, đau đầu, thai nhi có thể bị chết lưu.
Thuật ngữ “nhiễm độc thai nghén” thực sự là một cách viết chưa chính xác do nhiều người cho rằng tình trạng bệnh là do các chất độc hại trong máu gây ra. Do đó, thuật ngữ này hiện nay không còn được sử dụng như trước nữa, được thay thế bằng thuật ngữ “tăng huyết áp thai kỳ - tiền sản giật - sản giật”.
Nguyên nhân của nhiễm độc thai nghén chưa được hiểu rõ ràng. Tình trạng này có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn ở phụ nữ sinh con đầu lòng, đặc biệt là các bà mẹ trẻ tuổi và phụ nữ thuộc các nhóm kinh tế xã hội thấp hơn. Một giả thuyết cho rằng thiếu hụt chế độ ăn uống nhất định có thể là nguyên nhân của một số trường hợp. Ngoài ra, có khả năng một số dạng tiền sản giật và sản giật là kết quả của sự thiếu hụt lưu lượng máu trong tử cung.
2. Chân phù to do nhiễm độc thai nghén
Các triệu chứng nhiễm độc huyết của thai kỳ (có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị) được chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn ngày càng nghiêm trọng hơn:
- Các triệu chứng tiền sản giật nhẹ bao gồm phù nề (bọng nước dưới da do tích tụ chất lỏng trong các mô cơ thể, thường là chân phù), huyết áp tăng nhẹ và sự hiện diện của một lượng nhỏ protein trong nước tiểu.
- Các triệu chứng tiền sản giật nghiêm trọng bao gồm phù nề, huyết áp tăng quá mức, có nhiều protein trong nước tiểu, đau đầu, chóng mặt, nhìn đôi, buồn nôn, nôn mửa và đau dữ dội ở phần trên bên phải của bụng.
- Các triệu chứng sản giật bao gồm co giật và hôn mê.
Một số phụ nữ bị tiền sản giật không có bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy điều quan trọng là các sản phụ cần đến khám thai định kỳ để kiểm tra huyết áp, đồng thời làm xét nghiệm nước tiểu.
3. Dấu hiệu nhận biết chân phù do nhiễm độc thai nghén
Phù, đặc biệt là phù chân là dấu hiệu đầu tiên của nhiễm độc thai nghén, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu bạn ấn ngón tay vào mắt cá chân, sau đó nhấc ra thì sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Những trường hợp phù nặng có thể gây phù toàn thân.
Tuy nhiên, tình trạng chân phù cũng có thể gặp ở những thai phụ khỏe mạnh. Để phân biệt phù do nhiễm độc thai nghén và phù mức độ bình thường, thai phụ cần chú ý: Khi ngủ cần gác chân lên cao, sau một đêm hiện tượng phù chân biến mất thì đó là hiện tượng phù chân bình thường trong thai kỳ cuối. Nếu thực hiện theo cách này nhưng hiện tượng phù vẫn còn, lúc này thai phụ nên nghĩ đến phù do nhiễm độc thai nghén.
4. Điều trị nhiễm độc thai nghén
Tiền sản giật và sản giật không thể chữa khỏi hoàn toàn cho đến khi thai kỳ kết thúc. Cho đến thời điểm đó, việc điều trị bao gồm kiểm soát huyết áp cao và tiêm thuốc vào tĩnh mạch để ngăn ngừa co giật. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc để kích thích sản xuất nước tiểu. Trong một số trường hợp nặng, cần sinh con sớm để đảm bảo sự sống còn của mẹ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi sinh, các triệu chứng của tiền sản giật có thể kéo dài từ 1 đến 6 tuần hoặc hơn. Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu các triệu chứng của tiền sản giật và đến gặp bác sĩ để được chăm sóc trước khi sinh thường xuyên. Phát hiện sớm tiền sản giật có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề lâu dài cho cả mẹ và con.
5. Ngăn ngừa nhiễm độc thai nghén
Hiện nay, chưa có biện pháp phòng ngừa nhiễm độc cho thai kỳ. Mặc dù hạn chế muối trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm phù, nhưng nó không ngăn ngừa sự khởi phát của huyết áp cao hoặc sự xuất hiện của protein trong nước tiểu. Trong các lần khám tiền sản, bác sĩ thường kiểm tra cân nặng, huyết áp và nước tiểu của thai phụ. Nếu phát hiện sớm bệnh nhiễm độc thai nghén, có thể giảm thiểu các biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: health.howstuffworks.com