Khi bị vỡ xương bánh chè, người bệnh thường trải qua cảm giác đau nhói và gặp khó khăn trong quá trình co hoặc duỗi gối. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời tình trạng vỡ xương bánh chè sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BSNT. BSCK I Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Xương bánh chè là gì?
Xương bánh chè là xương vừng lớn nhất trong cơ thể, nằm trong gân và có hình dạng tam giác. Phần đáy của xương gắn với gân cơ tứ đầu đùi, trong khi đỉnh hoặc phần cực dưới gắn với gân bánh chè. Khi xảy ra gãy xương, xương bánh chè di lệch thường là không tránh khỏi do lực kéo mạnh từ hai gân, vì vậy, việc chỉnh lại xương bị lệch là rất khó. Tuy nhiên, các trường hợp xương bánh chè gãy theo chiều chéo hoặc dọc thì thường ít bị di lệch hơn.
Ngoài ra, xương bánh chè nằm ngay dưới da, phía trước đầu gối và mặt sau tựa vào nền cứng là các lồi cầu xương đùi. Vị trí này là nguyên nhân khiến xương bánh chè dễ bị tổn thương khi có va chạm mạnh vào gối.
2. Nguyên nhân vỡ xương bánh chè
Xương bánh chè có hình dạng tam giác hơi tròn, được biết đến là xương vừng lớn nhất trong cơ thể, hình thành từ mầm sụn và chuyển hóa thành xương khi trẻ ở độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi.
Với vị trí nằm phía trước đầu dưới xương đùi, xương bánh chè có vai trò cơ bản tương tự như các xương vừng khác, góp phần quan trọng vào chức năng của khớp gối.
Các chức năng chính của xương bánh chè bao gồm:
- Xương bánh chè chịu trách nhiệm điều chỉnh chiều dài, hướng và lực của gân bánh chè cùng với gân cơ tứ đầu đùi tại từng vị trí cánh tay đòn khác nhau mỗi khi gập gối. Khi gối được uốn cong, xương bánh chè di chuyển xuống phía dưới, thúc đẩy vị trí tiếp xúc với xương đùi từ xa đến gần, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình co cơ tứ đầu đùi.
- Với vị trí nằm giữa gân cơ tứ đầu và lồi cầu của xương đùi, xương bánh chè có chức năng bảo vệ gân tứ đầu giảm ma sát.
- Bên cạnh đó, xương bánh chè còn giúp giảm thiểu áp lực của cơ tứ đầu lên xương đùi bằng cách phân tán lực đồng đều đến xương phía dưới.
Tỉ lệ vỡ xương bánh chè thường dao động từ 2-4% và có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, bao gồm.
- Xương bánh chè vỡ do va chạm trực tiếp với các vật cứng hoặc khi rơi ngã, va đập mạnh xuống bề mặt cứng.
- Khi cẳng chân co gấp đột ngột, xương bánh chè cũng có khả năng vỡ do cơ tứ đầu đùi co gập mạnh đột ngột, làm cho xương bánh chè bị kéo và ép mạnh lên lồi cầu xương đùi và dẫn đến vỡ.
Khi xương bánh chè vỡ, người bệnh thường trải qua những triệu chứng đau nhức ở mặt trước của khớp gối và không thể co hoặc duỗi đầu gối một cách linh hoạt. Ngoài ra, những dấu hiệu đi kèm khác bao gồm:
- Sưng nề ở vùng gối và có những vết bầm tím dưới da.
- Khi nhấn vào vùng xương bánh chè, người bệnh cảm thấy đau nhức.
- Trong một số trường hợp, người bệnh nhận thấy được khe khoảng cách ở giữa hai phần xương bánh chè bị gãy.
3. Xương bánh chè bị vỡ được chia thành những loại nào?
Dựa trên tính chất của vết thương, vỡ xương bánh chè có thể được phân loại như sau:
- Xương vỡ thành nhiều mảnh: Do tác động mạnh từ lực bên ngoài, xương bị vỡ thành nhiều mảnh, có khả năng di lệch ra các vị trí lân cận hoặc giữ nguyên vị trí ban đầu.
- Xương bánh chè bị nứt gãy không di lệch: Các mảnh xương vẫn giữ được liên kết hoặc chỉ bị nứt gãy nhẹ mà không di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu, thường cách nhau một khoảng nhỏ khoảng 1 - 2mm.
- Xương bị gãy di lệch: Khi bị vỡ, các mảnh xương bị lệch về hai phía, tạo ra một khoảng trống lớn giữa chúng.
- Xương bánh chè bị gãy kèm hiện tượng hở: Các mảnh xương không chỉ di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu mà còn đâm xuyên qua da, thậm chí xuyên vào xương khác, gây ra các vết rách. Tình trạng này rất nghiêm trọng và đòi hỏi thời gian chữa trị dài hạn, bên cạnh đó còn có nguy cơ nhiễm trùng cao và cần được xử lý ngay lập tức.
4. Chẩn đoán vỡ xương bánh chè bằng những phương pháp y tế nào?
Quá trình chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và ngăn ngừa các biến chứng cho bệnh nhân. Một số phương pháp được sử dụng để chẩn đoán vỡ xương bánh chè, bao gồm:
- Chụp X quang thường quy khớp gối thẳng nghiêng: Mặc dù tư thế này cho ra hình ảnh về khớp bánh chè đùi, nhưng quá trình thực hiện thường khó khăn do người bệnh bị đau đớn khi cố gắng gập gối.
- Chụp phim cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ (MRI): Do còn hạn chế trong quá trình chẩn đoán chính xác và phân biệt các dạng tổn thương nên chụp X quang khớp gối không được xem là phương pháp tối ưu. Thay vào đó, chụp cộng hưởng từ khớp gối được đánh giá cao hơn nhờ khả năng chẩn đoán xác định tổn thương và loại trừ các tổn thương khác trong khớp khi có tình trạng tràn dịch khớp gối.
Vỡ xương bánh chè có khả năng được điều trị hiệu quả bằng phương pháp bảo tồn. Phẫu thuật chỉ được cân nhắc khi phương pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả hoặc khả năng vận động của bệnh nhân bị ảnh hưởng sau điều trị.
5. Cách điều trị xuơng bánh chè bị vỡ
Bước đầu tiên khi gặp chấn thương vỡ xương bánh chè là sơ cứu, sử dụng thuốc giảm đau và cố định tạm thời bằng nẹp gỗ. Sau đó, bệnh nhân cần được điều trị y tế. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Điều trị bảo tồn: Bó bột là phương pháp điều trị bảo tồn hiệu quả cho các trường hợp vỡ xương bánh chè nhẹ, bao gồm vỡ xương di lệch giãn cách dưới 3mm, chênh diện khớp mặt sau xương bánh chè dưới 1mm, gãy rạn xương bánh chè
- Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện trong các trường hợp gãy xương bánh chè bị hở, các mảnh gãy di lệch vượt quá mức độ cho phép điều trị bảo tồn, hoặc khớp bánh chè bị tổn thương nặng đến mức cần thay thế bằng khớp giả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.