Chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản của bé. Hiện tượng này thường không đáng lo ngại và tự khỏi khi trẻ lớn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển, khi đó trẻ có thể phải sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ em hoặc phẫu thuật…

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hay còn gọi là trào ngược dạ dày - thực quản (Gastroesophageal Reflux - GER), là tình trạng thức ăn trong dạ dày bé di chuyển ngược lên thực quản và miệng, khiến bé nôn trớ.  

GER hiếm khi nghiêm trọng và có thể tự hết khi trẻ lớn dần. Tuy nhiên, nếu bé trên 18 tháng tuổi mà vẫn thường xuyên bị trào ngược, cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để loại trừ các vấn đề tiềm ẩn.

Trẻ khỏe mạnh có thể bị trào ngược dạ dày nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ vẫn hoàn toàn bình thường, ăn ngủ, chơi đùa và phát triển tốt, cha mẹ không cần quá lo lắng khi gặp tình trạng này.

Trào ngược dạ dày ở trẻ em được chia thành hai nhóm chính: sinh lý và bệnh lý.

  • Trào ngược dạ dày sinh lý: Đây là tình trạng phổ biến, thường gặp ở hơn 50% trẻ sơ sinh và thường tự khỏi khi trẻ được 7 tháng tuổi. Tình trạng này ảnh hưởng đến 85% trẻ trong 12 tháng đầu đời và 95% trẻ khi được 18 tháng tuổi và thường tự khỏi khi lớn lên.  
  • Trào ngược dạ dày bệnh lý (GERD): Ít phổ biến hơn so với trào ngược sinh lý. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trào ngược dạ dày có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như dị ứng, rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). 
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể diễn ra nhiều lần trong ngày ở trẻ khoẻ mạnh. Trẻ vẫn hoàn toàn bình thường, ăn ngủ, chơi đùa và phát triển tốt.
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể diễn ra nhiều lần trong ngày ở trẻ khoẻ mạnh. Trẻ vẫn hoàn toàn bình thường, ăn ngủ, chơi đùa và phát triển tốt.

2. Triệu chứng của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường không là vấn đề đáng lo ngại vì lượng axit dạ dày ở độ tuổi này chưa đủ mạnh để kích ứng hầu họng hay thực quản, do đó ít khi gây ra các dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Tuy nhiên, phụ huynh nên lưu ý các dấu hiệu bé cần đi khám bác sĩ ngay nếu:

  • Trẻ không tăng cân.
  • Trẻ liên tục nôn trớ mạnh, nôn ra hết thức ăn.
  • Nôn ra dịch màu xanh hoặc vàng.
  • Nôn ra máu hoặc chất nôn có màu cà phê.
  • Trẻ bỏ ăn.
  • Phân có máu.
  • Khó thở hoặc ho dai dẳng.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên mới có biểu hiện nôn trớ.
  • Quấy khóc, khó chịu bất thường sau khi ăn.

Một số triệu chứng được đề cập ở trên có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng (nhưng may mắn là có thể điều trị được bằng cách sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ em hoặc các biện pháp khác), điển hình là bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc rối loạn tiêu hóa.

3. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là cơ thắt thực quản dưới (Lower Esophageal Sphincter - LES) - nơi nối giữa thực quản và dạ dày - chưa trưởng thành. Khi LES chưa hoàn thiện, thức ăn có thể dễ dàng di chuyển ngược lên miệng, dẫn đến hiện tượng trào ngược. Mặt khác, khi cơ này phát triển hoàn thiện, LES sẽ chỉ mở ra khi trẻ nuốt và đóng chặt ở những thời điểm khác, giúp ngăn chặn thức ăn trào ngược.  

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hiện tượng phổ biến, khó tránh khỏi do:

  • Trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày ở tư thế nằm ngửa.
  • Chế độ ăn lỏng.
  • Trẻ sinh non, thiếu tháng. 
Trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày ở tư thế nằm ngửa dễ bị trào ngược.
Trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày ở tư thế nằm ngửa dễ bị trào ngược.

Ngoài những nguyên nhân thông thường, trào ngược dạ dày ở trẻ em đôi khi xuất phát từ những vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit trong dịch trào ngược có thể kích thích và làm tổn thương niêm mạc thực quản.
  • Hẹp môn vị: Phần nối giữa dạ dày và tá tràng bị thu hẹp, khiến thức ăn khó di chuyển xuống ruột.
  • Bất dung nạp thức ăn: Protein sữa bò là nguyên nhân phổ biến nhất gây kích ứng ở trẻ em.
  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Số lượng bạch cầu ái toan trong máu tăng cao, dẫn đến tổn thương niêm mạc thực quản.

4. Biến chứng của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Hầu hết các trường hợp trào ngược dạ dày ở trẻ em không đáng lo ngại và sẽ tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, trẻ mắc phải các tình trạng nghiêm trọng hơn (như trào ngược dạ dày thực quản) có thể dẫn đến trẻ bị chậm phát triển. Theo kết quả của một số nghiên cứu, trẻ em thường xuyên nôn trớ có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi lớn lên.

5. Chẩn đoán trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trong buổi khám, bác sĩ sẽ trao đổi với cha mẹ về tình trạng sức khỏe của bé, bao gồm các triệu chứng mà bé đang gặp phải. Sau đó, bé sẽ được tiến hành kiểm tra lâm sàng tổng quát. Nếu kết quả khám cho thấy bé khỏe mạnh, phát triển bình thường và đạt các tiêu chuẩn, thì trẻ thường không cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm các kỹ thuật và xét nghiệm chuyên sâu sau:

  • Siêu âm: Giúp xác định tình trạng hẹp môn vị của trẻ.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Xét nghiệm này nhằm tìm kiếm các nguyên nhân tái phát nôn trớ và chậm tăng cân ở trẻ.
  • Đo pH thực quản: Kỹ thuật này sử dụng ống nhỏ, nối với thiết bị đo nồng độ axit, đưa qua miệng hoặc mũi vào thực quản của trẻ để đo mức độ axit. Việc thực hiện kỹ thuật này có thể yêu cầu trẻ phải nhập viện.
  • Chụp X quang: Hình ảnh X quang giúp phát hiện các bất thường trong cấu trúc ống tiêu hóa, bao gồm cả tình trạng tắc nghẽn ống tiêu hóa. Trước khi chụp, trẻ có thể cần uống thuốc cản quang (barium).
  • Nội soi đường tiêu hóa trên: Kỹ thuật này sử dụng ống nội soi mềm, có trang bị camera và nguồn sáng, đưa qua miệng vào thực quản, dạ dày và đầu tiểu tràng của trẻ. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô để làm sinh thiết nếu cần thiết. Phương pháp nội soi thường được thực hiện sau khi bác sĩ gây mê trẻ nhỏ.

6. Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

6.1 Biện pháp tại nhà

Mặc dù trào ngược dạ dày ở trẻ thường tự khỏi khi bé lớn hơn, bác sĩ có thể gợi ý một số biện pháp giúp giảm bớt khó chịu cho bé:

  • Cho bé ăn nhiều bữa nhỏ với số lượng ít, thay vì vài bữa lớn.
  • Tạm dừng cho bé ăn để bé ợ hơi.
  • Sau khi ăn, bế bé ở tư thế thẳng đứng ít nhất 20-30 phút để tránh thức ăn trào ngược.
  • Loại bỏ các thực phẩm như sữa bò, thịt bò, trứng khỏi chế độ ăn của mẹ trong một thời gian để xem liệu bé có dị ứng với những thực phẩm này hay không.
  • Thay đổi loại sữa công thức.
  • Sử dụng núm vú bình sữa có kích thước phù hợp với bé.
  • Massage bụng là cách đơn giản và hiệu quả để giúp bé tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, lưu ý quan trọng là không nên massage ngay sau khi bé bú no. 
Bác sĩ có thể gợi ý một số biện pháp giúp giảm bớt khó chịu cho trẻ em, bao gồm sử dụng núm vú bình sữa có kích thước phù hợp với bé.
Bác sĩ có thể gợi ý một số biện pháp giúp giảm bớt khó chịu cho trẻ em, bao gồm sử dụng núm vú bình sữa có kích thước phù hợp với bé.

6.2 Dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ em

Việc sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ em nên được hạn chế, chỉ trừ trường hợp có biến chứng. Lý do là vì thuốc điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt và canxi của trẻ, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa.

Việc sử dụng thuốc giảm tiết axit cho trẻ cần được cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ nên dùng trong thời gian ngắn hạn đối với một số trường hợp đặc biệt sau:

  • Trẻ chậm phát triển.
  • Trẻ bỏ ăn.
  • Trẻ có dấu hiệu viêm thực quản.
  • Trẻ bị hen suyễn mãn tính.

6.3 Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ được xem xét như biện pháp cuối cùng cho trường hợp trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi tình trạng này diễn biến nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc hệ hô hấp của trẻ.

Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là điểm đến uy tín dành cho cha mẹ khi muốn đưa trẻ đi khám và điều trị các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi,...

Nhờ vào hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại cùng không gian khám chữa bệnh vô trùng, quy trình y tế tại đây đảm bảo giảm thiểu tối đa mọi tác động và nguy cơ lây lan bệnh. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và tận tâm với trẻ em sẽ mang đến trải nghiệm thăm khám thoải mái và an toàn nhất, giúp xua tan mọi lo lắng cho các bậc phụ huynh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe