Chẩn đoán và điều trị suy tim ở người cao tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Suy tim xảy ra ở người cao tuổi là các biến chứng liên quan đến các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, hay tất cả những bệnh lý toàn thân khác,...

1. Những dấu hiệu của bệnh suy tim ở người cao tuổi


Biểu hiện suy tim ở người cao tuổi như thế nào?
Biểu hiện suy tim ở người cao tuổi như thế nào?

Nhìn chung, tình trạng suy tim ở người cao tuổi sẽ xuất hiện các mức độ nặng hay nhẹ tùy theo tốc độ suy tim của người bệnh nhanh hay chậm, tuổi của bệnh nhân và nguyên nhân suy tim.

Nếu bệnh suy tim mạn tính phát triển, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Khó thở: Đa số các trường hợp bị khó thở khi gắng sức, sau đó thì khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, bệnh nhân có thể bị khó thở thường xuyên vào ban đêm khi cố gắng ngồi dậy để thở.
  • Mệt mỏi: Người cao tuổi bị suy tim thường dễ bị mệt và không thể gắng sức được khi làm việc.
  • Phù chân: Triệu chứng này thường trở nặng vào buổi chiều, sau đó giảm nhẹ vào buổi sáng.
  • Ho khan: Người bệnh ho nhiều hơn khi nằm, ho không có đờm và kéo dài, và triệu chứng này thường được kiểm tra, chẩn đoán là dấu hiệu của suy tim sau khi đã loại trừ đi những nguyên nhân của bệnh lý hô hấp.
  • Tiểu đêm: Bệnh nhân đi tiểu dễ, không bị tiểu dắt, buốt, với lượng nước tiểu nhiều. Đối với người cao tuổi, tiểu đêm được đánh giá là một dấu hiệu của bệnh suy tim sau khi đã loại trừ đi trường hợp đây là triệu chứng của bệnh tiền liệt tuyến lớn, mất ngủ, hoặc suy thận.

Các triệu chứng của bệnh suy tim cấp thường tương tự như của bệnh lý suy tim mạn tính, nhưng diễn biến của bệnh có thể đột ngộ và dễ dàng trở nặng nhanh chóng, bệnh nhân đột ngột bị khó thở, thở nhanh, nhịp tim nhanh và thường xuyên hồi hộp, đau ngực, đánh trống ngực, nếu như nguyên nhân bị suy tim cấp do suy tim.

2. Chẩn đoán suy tim ở người cao tuổi?


Siêu âm tim doppler chẩn đoán suy tim
Siêu âm tim doppler chẩn đoán suy tim

2.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim

Chẩn đoán chính xác suy tim ở người cao tuổi dựa trên những tiêu chuẩn nổi bật như:

  • Bệnh nhân bị khó thở kịch phát về đêm.
  • Phát hiện giãn tĩnh mạch ở cổ.
  • Tim lớn (thường được phát hiện khi siêu âm ngực).
  • Phù phổi cấp.
  • Tăng áp lực vùng tĩnh mạch (> 16cm H2O ở vùng nhĩ phải).
  • Xuất hiện những phản hồi tại gan- tĩnh mạch cổ.
  • Người bệnh bị giảm cân >4.5 kg trong khoảng thời gian 5 ngày được điều trị suy tim).

Ngoài ra, có thể xuất hiện một số tiêu chuẩn phụ như: Ho về đêm, khó thở nếu gắng sức, tràn dịch màng phổi, nhịp tim nhanh,...

  • X-quang ngực: Táiphân bố về tuần hoàn phổi, bóng tim to, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi ở 2 bên, phù mô kẽ.
  • Điện tâm đồ: Kiểm tra tình trạng bất thường tái cực thất (sóng T và đoạn ST), những bằng chứng nhồi máu cơ tim cũ, những bất thường tái cực thất,...
  • Định lượng peptid natri niệu (NT- proBNP hoặc BNP)

Lưu ý: Định lượng của peptid natri không phải là một loại xét nghiệm thường quy, và thường chỉ được chỉ định khi các chứng cứ lâm sàng cũng như kết quả của điện tâm đồ không được rõ ràng.

2.2. Xác định chẩn đoán

Tình trạng của bệnh có thể được xác định dựa trên các dấu hiệu khách quan nhất của những rối loạn thực thể theo chức năng của tim lúc nghỉ.

Siêu âm tim doppler có thể hỗ trợ đánh giá:

  • Kích thước những buồng tim và độ dày của thành.
  • Phân suất tống máu của thất trái.
  • Chất lượng tống máu cũng như sự đổ đầy thất.
  • Cơ chế suy tim.
  • Áp lực của động mạch phổi.
  • Tình trạng của hệ thống van.

3. Điều trị suy tim ở người cao tuổi


Cần đặc biệt cẩn thận trong việc điều trị suy tim ở người cao tuổi
Cần đặc biệt cẩn thận trong việc điều trị suy tim ở người cao tuổi

3.1. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị

  • Cải thiện chất lượng của cuộc sống: Đảm bảo những hoạt động thường ngày. Suy giảm các triệu chứng như: mệt mỏi, phù chân, khó thở,...
  • Giảm thiểu số lần nhập viện và thời gian điều trị của người bệnh.
  • Phòng ngừa được các đợt mất bù.
  • Chậm tiến triển của bệnh suy tim ở các bệnh nhân cao tuổi và giảm nguy cơ gây tử vong.

Trong đó, chiến lực điều trị chính được áp dụng ngày nay là: Thay đổi lối sống của bệnh nhân, kết hợp thuốc và các dụng cụ hỗ trợ.

3.2. Những lưu ý khi điều trị suy tim ở người cao tuổi

Điều trị suy tim ở người cao tuổi cần phải được điều trị cẩn thận vì bệnh thường xuất hiện từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Quá trình điều trị bằng thuốc của nhóm bệnh cũng tương đối phức tạp vì thường có những bệnh lý khác đi kèm.

Dù bệnh nhân đã được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng cụ thể cùng với các bệnh lý đi kèm nhưng vẫn cần giảm thiểu số lượng thuốc cho người bệnh sử dụng và kiểm tra những nguy cơ tương tác của thuốc.

Việc điều trị các nguyên nhân cũng góp phần hỗ trợ tích cực điều trị suy tim nhanh. Những nguyên nhân chủ yếu được điều trị là các rối loạn chức năng thất trái do bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ, suy giáp, nhiễm độc giáp, những rối loạn nhịp tim, những tổn thương van tim,...

Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt, tập thể dục cũng góp phần quan trọng trong điều trị bệnh suy tim ở người cao tuổi. Người bệnh nên hạn chế ăn mặn và không uống quá nhiều nước, tránh tình trạng giữ nước. Bệnh nhân cũng không nên uống rượu vì chúng có thể để lại những bất lợi của trái tim đang bị suy giảm chức năng.

Chẩn đoán và điều trị bệnh suy tim ở người cao tuổi kịp thời kết hợp cùng với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, với sự theo dõi và kiểm tra định kỳ của bác sĩ sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe