Chẩn đoán và điều trị dính buồng tử cung

Tử cung là bộ phận sinh sản quan trọng nhất của người phụ nữ, tuy nhiên đây cũng là bộ phận dễ bị tổn thương và gặp phải các bệnh viêm nhiễm, u, dính buồng tử cung... gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

1. Tổng quan về dính buồng tử cung

Tử cung bị dính là vấn đề khiến nhiều chị em phụ nữ lo lắng, đặc biệt là đối với những người đã từng can thiệp buồng tử cung như nạo hút thai, bóc tách u xơ tử cung. Dính tử cung có thể là nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát ở phụ nữ.

Dính buồng tử cung có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây ra tình trạng hiếm muộn, vô sinh nữ. Điều này xảy ra trong trường hợp thành niêm mạc tử cung trước và sau dính lại hoàn toàn khiến tinh trùng không thể gặp trứng để thụ thai được. Ngoài ra, nếu mặt trước và sau của thành tử cung chỉ dính một phần thì dù trứng và tinh trùng có gặp nhau nhưng cũng không thể vào được tử cung để làm tổ, điều này sẽ dẫn tới nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai.

2. Nguyên nhân dính tử cung


Dính buồng tử cung thường là biến chứng do nạo, hút thai
Dính buồng tử cung thường là biến chứng do nạo, hút thai

Dính buồng tử cung là hiện tượng thành tử cung phía trước và thành tử cung phía sau bị dính vào với nhau. Điều này khiến cho nội mạc tử cung rất khó có thể tái tạo lại được và gây ra những ảnh hưởng nhất định đến quá trình thụ thai của chị em.

Nguyên nhân dính buồng tử cung thường do:

  • Do bị sót nhau thai sau khi sinh con hoặc sau khi sảy thai, nạo hút thai.
  • Do hậu quả của việc can thiệp vào tử cung để xử trí các bệnh liên quan.
  • Do nhiễm trùng lao mạc tử cung hoặc viêm nhiễm phụ khoa kéo dài.

Theo bác sĩ, dính buồng tử cung thường là biến chứng do nạo, hút thai. Khi làm thủ thuật này, các bác sĩ thường cố gắng làm thật sạch bên trong, nhưng lại không thể nhìn thấy được, nên có thể khiến niêm mạc tử cung bị bỏng sâu, gây dính lại. Ngoài ra, lao sinh dục hay một số viêm nhiễm vùng kín cũng có thể là nguyên nhân gây dính buồng tử cung.

3. Các biện pháp chẩn đoán dính buồng tử cung

Dính buồng tử cung có 2 dạng:

  • Dính tử cung hoàn toàn: dính toàn bộ niêm mạc tử cung sẽ gây ra hiện tượng vô kinh.
  • Dính tử cung một phần: vẫn có kinh nguyệt nhưng lượng kinh ít đi, số ngày hành kinh giảm.

Để biết mình có nguy cơ bị dính tử cung hay không, chị em cần lưu ý một số dấu hiệu thông qua việc:

  • Quan sát lượng máu kinh trong chu kỳ và so sánh xem có khác biệt với giai đoạn chưa can thiệp tới buồng tử cung hay không.
  • Kết hợp với theo dõi niêm mạc tử cung. Để theo dõi sự phát triển của niêm mạc buồng tử cung, bạn cần tới các cơ sở y tế để siêu âm. Độ dày của niêm mạc tử cung trong thời kỳ giữa chu kỳ kinh thường từ 8-12mm. Nếu niêm mạc tử cung dưới 4mm thì cũng có thể là một dấu hiệu, tuy nhiên đây chỉ là phương pháp hỗ trợ bởi niêm mạc tử cung còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nội tiết tố.
  • Sau 6 tháng đến 1 năm không sử dụng biện pháp tránh thai mà không có thai thì bạn cũng nên chủ động đi khám.

4. Điều trị dính buồng tử cung


Cách điều trị thích hợp là nội soi buồng tử cung gỡ dính, sau đó phải điều trị cho có thai ngay vì dính buồng tử cung rất dễ tái phát
Cách điều trị thích hợp là nội soi buồng tử cung gỡ dính, sau đó phải điều trị cho có thai ngay vì dính buồng tử cung rất dễ tái phát

Khi nhận thấy các dấu hiệu dính buồng tử cung, rất nhiều chị em hoang mang và có chung một thắc mắc “Dính tử cung có chữa được không?” bởi những nguy cơ và biến chứng của bệnh rất nguy hiểm.

Tuy nhiên hiện nay bệnh dính tử cung đã có thể chữa trị được bằng phương pháp phẫu thuật, phần bị dính sẽ được tách để tái tạo lại buồng tử cung. Cách điều trị thích hợp là nội soi buồng tử cung gỡ dính, sau đó phải điều trị cho có thai ngay vì dính buồng tử cung rất dễ tái phát. Có đến khoảng 20% trường hợp phải nội soi lại đối với dính buồng tử cung mức độ vừa và 50% đối với dính mức độ nặng.

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào kết quả khảo sát khả năng sinh sản của cả hai vợ chồng. Khả năng gỡ dính thành công và có thai lại sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của nội mạc tử cung. Một nghiên cứu cho thấy trung bình khả năng có thai lại lên đến 80% nếu dính nhẹ và 30% nếu dính nặng.

Trong trường hợp dính tử cung do cơ học (sau hút thai), bác sĩ sẽ phải đặt dụng cụ tử cung để tách ra, kết hợp dùng thuốc nội tiết để kích thích niêm mạc mọc dày lại. Đối với những trường hợp khác, nếu nguyên nhân xuất phát từ viêm nhiễm hay lao sinh dục, người bệnh sẽ phải đảm bảo chữa các bệnh này triệt để trước, sau đó mới dùng các biện pháp tách tử cung ra.

Cách phòng tránh tốt nhất là ngay khi thấy những dấu hiệu dính tử cung, người bệnh nên chủ động tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân để có hướng xử trí kịp thời. Tránh để bệnh kéo dài, gây khó khăn cho việc điều trị sau này, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Để giúp chị em phụ nữ phát hiện sớm dính buồng tử cung cũng như các bệnh lý phụ khoa khác để có phương pháp điều trị kịp thời, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec xây dựng “Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản”, giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém; Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung)...

Khi đăng ký Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, khách hàng sẽ được:

  • Khám chuyên khoa Phụ khoa
  • Siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo
  • Siêu âm tuyến vú hai bên
  • Các xét nghiệm như: Treponema pallidum test nhanh, Chlamydia test nhanh, lấy bệnh phẩm làm phiên đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo, vi khuẩn nhuộm soi ( dịch âm đạo nữ), HPV genotype PCR hệ thống tự động,
  • Tổng phân tích nước tiểu bằng máy tự động.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe