Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ung thư đang nổi lên như một trong những bệnh lý phổ biến và trở thành nỗi sợ hãi vì có nhiều loại ung thư mà y học vẫn chưa tìm được cách điều trị triệt để. Đối với nhiều người, được thông báo ung thư như bị kết án tử. Đa số họ đều khỏe mạnh và không có biểu hiện gì là bệnh; vì vậy, họ luôn cảm thấy điều đó không đúng. Câu hỏi hay được đặt ra cho bác sĩ trong những tình huống này là “Có khi nào chẩn đoán ung thư bị sai không?”
1. Chẩn đoán ung thư có thể sai
Thật ra, những người vừa nhận tin bị ung thư - có quyền nuôi hy vọng vì các sự kiện trong y khoa hay bất kì thứ gì khác trên đời sẽ không bao giờ đúng với xác suất 100%. Vậy nên, chẩn đoán ung thư cũng có thể là sai cho dù điều này rất ít khi xảy ra.
Theo ước tính, hiện nay có hơn 1,3 triệu người mới bị ung thư hàng năm. Chẩn đoán ung thư trước khi thông báo đến bệnh nhân luôn cần phải có xét nghiệm giải phẫu bệnh. Bác sĩ điều trị sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ bướu nghi ngờ ung thư, gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Bác sĩ giải phẫu bệnh chuyên khảo sát tính chất của bướu dưới kính hiển vi sẽ trả lời kết quả dựa trên các tiêu chuẩn rất khắt khe. Giải phẫu bệnh là yếu tố quyết định hay còn gọi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp từ bác sĩ điều trị để bổ sung các thông tin từ diễn tiến bệnh, thăm khám, siêu âm, CT, MRI, và các xét nghiệm máu...để đưa ra kết luận cuối cùng.
2. Khả năng xảy ra chẩn đoán ung thư sai
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Mỹ đã cho thấy cứ 71 trường hợp được chẩn đoán ung thư thì có 1 trường hợp chẩn đoán sai. Điều này có thể xảy ra tại khâu giải phẫu bệnh – khi mà bác sĩ giải phẫu bệnh chỉ khảo sát hình ảnh mẫu bướu mà thiếu thông tin bệnh án của bệnh nhân.
Ngoài ra, kết quả này cũng có thể sai trong những trường hợp khối ung thư nằm sâu trong cơ thể (ví dụ như ung thư gan, ung thư phổi...), khó có thể lấy được mẫu nhỏ để xét nghiệm. Các u loại này cũng gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị trong vấn đề thăm khám; khi đó, việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên các kết quả xét nghiệm. Thông thường, nếu chỉ dựa trên chụp chiếu và xét nghiệm, khả năng xảy ra chẩn đoán ung thư sai sẽ cao hơn so với dựa trên giải phẫu bệnh. Trong vài tình huống, biểu hiện ung thư không điển hình cũng gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chẩn đoán ung thư luôn là một sự phối hợp của nhiều bước, nhiều bác sĩ để cùng đưa ra kết luận cuối cùng cho người bệnh. Chẩn đoán sai “không bệnh thành có bệnh” có thể khiến một người khỏe mạnh phải chịu một số điều trị không cần thiết. Mặc dù sau đó, chẩn đoán sẽ được sửa lại và cập nhật trong suốt quá trình điều trị.
3. Quá trình chẩn đoán ung thư
Chẩn đoán ung thư sai từ “không thành có bệnh” là sai lầm hay gặp nhất. Ngoài ra còn có các trường hợp có bệnh nhưng được chẩn đoán là lành tính hay đơn giản không phát hiện ra bệnh. Điều này hay xảy ra với các trường hợp ung thư giai đoạn sớm, chưa có triệu chứng gì và người bệnh thường đi khám sức khỏe định kì hay thực hiện tầm soát ung thư. Trong tình huống này, chẩn đoán ung thư chủ yếu dựa trên các kết quả xét nghiệm, vốn không bao giờ luôn luôn đúng 100%. Các nhà nghiên cứu y khoa vẫn không ngừng cố gắng cải thiện điều này bởi vì các trường hợp mắc bệnh nhưng bị bỏ sót sẽ chậm trễ điều trị, ảnh hưởng đến khả năng điều trị khỏi.
Một khả năng chẩn đoán ung thư sai thường gặp nữa là đánh giá sai độ lan tràn của bệnh (giai đoạn bệnh), từ đó gây ảnh hưởng đến điều trị. Nghiên cứu ở Bệnh viện Johns Hopskin nêu trên đã chỉ ra rằng có 20% bệnh nhân mắc bệnh ung thư rơi vào trường hợp này.
Thật sự, chẩn đoán giai đoạn ung thư không dễ dàng. Đây là một quá trình tỉ mỉ và chi tiết, đòi hỏi rất nhiều thông tin từ tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, từ bướu, từ hạch, từ gan, phổi, xương, não, và các cơ quan khác. Quá trình này thường cần các xét nghiệm nên đôi khi dễ dẫn đến sai lầm.
Giai đoạn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cách thức điều trị nên cần một hội đồng đa chuyên khoa (Tumor board) duyệt lại chẩn đoán, giai đoạn trước khi điều trị cho người bệnh. Hội đồng đa chuyên khoa thường gồm có bác sĩ chuyên khoa ung bướu, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ giải phẫu bệnh và các chuyên gia có liên quan khác cùng ngồi lại với nhau. Để có được một hội đồng như vậy cần rất nhiều nỗ lực và đoàn kết giữa các bác sĩ cũng như việc sắp xếp thời gian và bố trí công việc. Một trung tâm ung bướu chỉ cần có trên 15% số bệnh nhân được thông qua hội đồng mỗi năm là đã đạt 1 trong những tiêu chuẩn khắt khe COC (Commission on Cancer) của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy, không phải bệnh nhân nào cũng được duyệt qua hội đồng, trừ khi có một số vấn đề khó khăn trong chẩn đoán hay điều trị.
Chẩn đoán sai trong ung thư nói riêng hay y khoa nói chung luôn là nỗi trăn trở của bác sĩ vì không những ảnh hưởng tới người bệnh mà còn ảnh hưởng đến bản thân họ. Các bác sĩ luôn luôn cố gắng nâng cao kiến thức tay nghề, nâng cao khả năng phối hợp với nhau cũng như cập nhật các kiến thức y học để cố gắng nâng cao tỉ lệ chính xác của các xét nghiệm với mục đích giảm thiểu tỉ lệ này đến mức thấp nhất có thể.
Nếu bạn hay người thân có những lo ngại trong chẩn đoán, giai đoạn bệnh, hay kế hoạch điều trị, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn thêm. Một số trường hợp phức tạp, bạn có thể được thông qua hội đồng Tumor board của Vinmec để đưa ra các khuyến cáo từ những chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.