Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Suy thận cấp làm giảm chức năng thận đột ngột và kéo dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tỷ lệ tử vong suy thận cấp cao, do đó cần có biện pháp xử trí kịp thời.
1. Chức năng của thận
Thận là được coi là một trong ngũ tạng quan trọng của cơ thể người, giúp cho cơ thể có thể duy trì được sự sống, là cơ quan nằm sau lưng 2 bên cột sống ở vị trí đối xứng nhau. Mỗi người có 2 quả thận.
Thận có nhiệm vụ lọc máu bằng cách loại bỏ những chất thải, nước dư thừa không cần thiết ra ngoài cơ thể, giúp duy trì cần bằng muối và chất điện giải trong máu để giúp cho cơ thể thực hiện việc trao đổi chất hiệu quả, thận cũng giúp cơ thể điều chỉnh huyết áp.
Khi thận bị tổn thương vì một lý do nào đó thì các chất thải và nước có thể tích tụ trong cơ thể gây ra những dấu hiệu như gây phù mắt cá chân, nôn mửa, suy nhược cơ thể, ngủ kém và khó thở.
2. Suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp là tình trạng giảm chức năng thận đột ngột và kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, dẫn đến giảm mức lọc cầu thận, ứ đọng các sản phẩm chuyển hóa nito (ure, creatinin) và các sản phẩm của quá trình chuyển hóa không nito (điện giải, kiềm toan).
Các rối loạn này phụ thuộc và mức độ và thời gian kéo dài của tình trạng suy thận mà có các biểu hiện như toan chuyển hóa, tăng kali máu, thừa dịch trong cơ thể. Suy thận cấp nặng đồng thời với nguyên nhân của nó có thể dẫn tới suy đa cơ quan như rối loạn đông máu, tổn thương não, tổn thương phổi và ảnh hưởng huyết động.
Suy thận cấp thường xảy ra ở nhóm bệnh nhân nặng nằm trong các khoa hồi sức. Nguyên nhân dẫn đến bệnh cảnh suy thận cấp thường do nhiễm khuẩn, đặc biệt ở nhóm biểu hiện nhiễm khuẩn nặng có shock, suy đa cơ quan nhóm diễn biến nặng trong ngoại khoa như đa chấn thương, sau phẫu thuật. Theo một số nghiên cứu, có tới 55-57% bệnh nhân suy thận cấp với nguyên nhân ban đầu là do nhiễm khuẩn có hoặc không đi kèm hội chứng shock.
Trong gần hai thập kỷ qua mặc dù có nhiều tiến bộ trong việc áp dụng kỹ thuật mới giúp chẩn đoán bệnh sớm, nhiều biện pháp điều trị hiện đại với mục đích thay thế chức năng thận, thúc đẩy hồi phục chức năng thận nhanh hơn, nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của suy thận cấp vẫn không giảm đáng kể.
3. Biểu hiện lâm sàng
Đa số bệnh nhân suy thận cấp có dấu hiệu đầu tiên là thiểu niệu. Ngoài ra tùy theo nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp mà biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau.
3.1 Suy thận cấp do nguyên nhân trước thận
Thường thấy các triệu chứng mất nước như:
- Mạch nhanh, hạ huyết áp tư thế, tụt huyết áp.
- Da, giảm độ chun giãn da, niêm mạc khô, tĩnh mạch cổ xẹp.
- Số lượng nước tiểu giảm dần.
3.2 Suy thận cấp do nguyên nhân tại thận
Các yếu tố nguy cơ như shock kéo dài, dùng thuốc độc thận, thuốc cản quang, tiêu cơ vân, tan máu. Có thể thấy một hoặc một số dấu hiệu sau:
- Do đái ra máu nên nước tiểu có màu đỏ hoặc thẫm màu trong viêm cầu thận cấp.
- Đau vùng thắt lưng do sỏi niệu quản, sỏi thận.
- Thiểu niệu, phù, tăng huyết áp.
- Sốt, đau cơ và ngứa, nổi ban sẩn sau dùng thuốc.
3.3 Suy thận cấp do nguyên nhân sau thận
Suy thận cấp do nguyên nhân sau thận có những dấu hiệu tắc nghẽn đường tiết niệu bao gồm:
- Cơn đau quặn thận, đau ở hố lưng hoặc đau các điểm niệu quản.
- Thận to do ứ nước, ứ mủ.
- Triệu chứng của bàng quang, đau tức vùng bàng quang, đái buốt, đái dắt.
- Thiểu niệu hoặc vô niệu.
4. Nguyên nhân suy thận cấp
Suy thận cấp trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau nên từ đó cũng có nhiều cách phân loại. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây suy thận cấp có thể ảnh hưởng ở trước thận, tại thận, sau thận và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
4.1 Suy thận cấp trước thận
Suy thận cấp trước thận còn gọi là suy thận cấp chức năng gồm:
- Shock giảm thể tích, shock tim, shock nhiễm khuẩn, shock quá mẫn.
- Shock giảm thể tích do xuất huyết vì chấn thương, phẫu thuật, phá thai, bỏng, tiêu chảy, nôn, dùng thuốc lợi tiểu...
- Shock tim do nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim...
- Shock nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn tử cung...
- Shock quá mẫn do sốc phản vệ.
4.2 Suy thận cấp tại thận
Suy thận cấp tại thận còn gọi là suy thận cấp có tổn thương thực thể gồm:
- Hoại tử ống thận cấp, viêm cầu thận cấp, viêm thận - bể thận cấp, viêm kẽ thận cấp, bệnh mạch máu thận, hội chứng gan - thận, bệnh thận trong thai sản, các bệnh thận khác...
- Hoại tử ống thận cấp với thận thiếu máu do suy thận cấp trước thận hay suy thận chức năng tạo nên; thận bị nhiễm độc do chất thủy ngân, arsen, uranyl, cisplatin, carbon tetrachlorid, thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, mật cá trắm...
- Tan máu cấp tính do truyền máu khác nhóm, sốt rét ác tính, nhiễm độc chất, bị dị ứng...
- Tiêu cơ do chấn thương dập nát cơ nặng, bệnh về cơ...
- Viêm cầu thận cấp do sau nhiễm liên cầu khuẩn, bị lupus ban đỏ hệ thống...
- Viêm thận - bể thận cấp do nhiễm vi khuẩn gram âm, hoại tử núm thận.
- Viêm kẽ thận cấp do thuốc, hóa chất, tăng calci máu.
- Bệnh mạch máu thận do tắc mạch máu thận, tăng huyết áp ác tính.
- Hội chứng gan - thận do xơ gan cổ trướng, nhiễm khuẩn leptospira.
- Bệnh thận trong thai sản do sau sản giật, suy thận cấp sau khi sinh.
- Các bệnh khác như bệnh thận mạn tính có đợt cấp hoặc ở vào giai đoạn cuối.
4.3 Suy thận cấp sau thận
Suy thận cấp sau thận do tắc nghẽn vì sỏi tiết niệu, u bàng quang, u tuyến tiền liệt, u trong ổ bụng, bị thắt nhầm niệu quản khi mổ...
5. Biến chứng suy thận cấp
5.1 Tim mạch
Tình trạng thừa dịch nặng cùng với tăng huyết áp có thể gây phù phổi cấp, suy tim, phù não,... trong giai đoạn thiểu niệu, vô niệu. Trong giai đoạn này cũng thường gặp tình trạng tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim, nếu nặng có thể gây ngừng tim. Có thể tràn dịch màng tim, viêm màng ngoài tim, nhồi máu cơ tim.
5.2 Thần kinh
Hội chứng tăng ure máu không chỉ gặp trong giai đoạn thiểu niệu mà vẫn có thể thấy ở giai đoạn bệnh nhân đái trở lại hoặc đái nhiều gây rối loạn thần kinh cơ, có thể co giật, hôn mê.
5.3 Tiêu hóa
Viêm loét dạ dày ruột, viêm tụy cấp, xuất huyết đường tiêu hóa - đây là một biến chứng rất nặng và làm tăng nguy cơ tử vong
5.4 Rối loạn chuyển hóa
- Bệnh nhân dễ bị mất nước và rối loạn điện giải như tăng calci máu, tăng phospho, tăng acid uric, tăng magie máu. Giảm kali, natri máu trong giai đoạn đái nhiều và có thể tử vong nếu không được điều trị đúng và theo dõi chặt chẽ.
- Giảm chuyển hóa insulin, tăng hormon cận giáp và giảm hormon tuyến giáp T3-T4.
- Suy dinh dưỡng.
5.5 Nhiễm trùng
Bội nhiễm phổi, đường tiết niệu, vết thương ngoài da, nhiễm khuẩn huyết.
5. Phòng ngừa tác nhân gây suy thận cấp
Để phòng ngừa các tác nhân dẫn đến tình trạng suy thận cấp, cần lưu ý theo dõi cẩn thận khi dùng các loại thuốc có thể gây suy thận cấp như sulfamide, gentamycine; không nên phối hợp gentamycine với cefalotine; đề phòng ngộ độc do uống nhầm thuốc hoặc sử dụng nhầm một số chất như thủy ngân, bạc, đồng... trong thao tác kỹ thuật. Đồng thời cần có biện pháp bảo hộ lao động, giảm thiểu tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng chống sốt rét ác tính, giảm các tai biến sản khoa...
Trong điều trị dự phòng, chú ý việc chống mất nước, giảm thể tích tuần hoàn trong các trường hợp mất nước và mất máu cấp tính; không để bị tụt huyết áp kéo dài; chống nhiễm khuẩn đúng đắn và kịp thời.
Khi gặp các trường hợp bị suy thận cấp, cần khẩn trương tập trung phương tiện chữa trị phù hợp với từng giai đoạn tiến triển của bệnh; chuẩn bị tâm lý và quan tâm đến công tác hộ lý ngay từ đầu vì bệnh có thể phải điều trị kéo dài trong nhiều tháng.
Tóm lại, suy thận cấp là một bệnh lý làm giảm chức năng thận, do nhiều nguyên nhân khác nhau và có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với nhóm bệnh nhân nằm trong khoa hồi sức. Do đó bệnh nhân suy thận cấp cần có biện pháp xử trí kịp thời và phù hợp.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Thanh Thùy là bác sĩ chuyên khoa Nội thận với hơn 15 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh thận nội khoa, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, sàng lọc trước ghép thận và theo dõi sau ghép. Hiện tại, bác sĩ Thùy đang làm viêc tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.