Biến chứng của viêm đường mật

Viêm đường mật là tình trạng nhiễm khuẩn đường mật, nguyên nhân thường gặp nhất là do sỏi đường mật, một số ít có thể gây ra do bệnh lý u và chít hẹp đường mật. Vậy viêm đường mật biến chứng là gì nếu không kịp thời điều trị?

1. Dấu hiệu viêm đường mật

Viêm đường mật là bệnh lý có thể xảy ra ở đường dẫn mật trong gan (viêm đường mật trong gan) hay ngoài gan hoặc viêm tại túi mật. Khi mắc bệnh viêm đường mật (viêm ống dẫn mật), bệnh nhân thường xuất hiện các cơn sốt bất chợt, nhiệt độ có thể dao động lên đến 39 - 40 độ C, kèm theo rét run, vã mồ hôi, đau ở hạ sườn phải một cách dữ dội, đau có thể lan lên ngực và vai phải. Đôi khi bệnh nhân còn đau cả ở vùng thượng vị, nôn/buồn nôn, vàng da/vàng niêm mạc, nước tiểu màu vàng, cả người mệt mỏi, khó tiêu, đôi khi còn bị ngứa toàn thân, ấn đau tại điểm túi mật...

2. Viêm đường mật biến chứng gì?

Viêm đường mật không điều trị hoặc điều trị muộn có thể dẫn đến viêm đường mật biến chứng với những hậu quả nặng nề như:

  • Cấp tính: vỡ túi mật, hoại tử túi mật, thấm mật vào phúc mạc, chảy máu tại đường mật, sốc mật, nhiễm trùng máu;
  • Mạn tính: áp - xe đường mật, viêm gan mật, ung thư đường mật, viêm thận, suy thận.

Viêm đường mật cấp xảy ra khi đường mật bị chít hẹp do nhiều nguyên nhân khác nhau: sỏi ống mật chủ hoặc do sự hiện diện của các khối u dẫn đến ứ mật và nhiễm trùng đường mật. Tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn đường mật sẽ làm tăng áp lực bên trong hệ thống đường mật, đẩy các vi sinh vật hoặc các nội độc tố từ dịch mật vào vòng tuần hoàn chung, từ đó gây ra phản ứng viêm toàn thân.

Viêm đường mật biến chứng có nguy cơ tử vong cao nếu bệnh nhân không được điều trị bằng kháng sinh và can thiệp giảm áp lực đường mật ngay lập tức bằng các kỹ thuật thích hợp. Vì vậy, người bệnh cần được chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm đường mật cấp một cách chính xác và nhanh chóng.

Nếu nghi ngờ bị viêm đường mật, bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt, tùy mức độ và nguyên nhân viêm, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị bằng nội khoa (kháng sinh phổ rộng để kiểm soát các loại vi khuẩn đường ruột và ngấm tốt vào đường mật, sử dụng thuốc tan sỏi, thuốc điều trị triệu chứng...) hay điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật.


Viêm đường mật biến chứng có nguy cơ tử vong cao
Viêm đường mật biến chứng có nguy cơ tử vong cao

3. Chẩn đoán sớm giúp điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng

Tam chứng Charcot gồm: đau bụng, sốt, vàng da được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm đường mật cấp, đây là triệu chứng có độ đặc hiệu rất cao tuy nhiên độ nhạy thấp (26,4%) dẫn đến nhiều hạn chế trong việc chẩn đoán bệnh. Trong các tiêu chí chẩn đoán bệnh, độ nhạy quan trọng hơn độ so với độ đặc hiệu vì bệnh viêm đường mật cấp tính có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được chẩn đoán nhanh chóng và tiến hành điều trị kịp thời.

Các yếu tố góp phần hỗ trợ chẩn đoán viêm đường mật gồm: đau bụng (hạ sườn phải hoặc thượng vị) và tiền sử mắc các bệnh đường mật như sỏi mật, từng thực hiện thủ thuật đường mật trước đó hoặc thực hiện đặt stent đường mật.

Dấu hiệu viêm hệ thống: sốt (38°C trở lên hoặc tăng nhẹ nhiệt độ cơ thể), phản ứng viêm tăng (bạch cầu tăng, protein phản ứng C cao), có thể thực hiện xét nghiệm máu bổ sung, tuy nhiên có khả năng không chẩn đoán được các trường hợp nhẹ.

Ứ mật: chỉ xảy ra ở 60 - 70% bệnh nhân, chẩn đoán có thể được thực hiện cả trong trường hợp bệnh nhân không bị vàng da dựa vào kết quả xét nghiệm máu có tăng phosphatase kiềm (ALP), gamma‐glutamyltransferase (GGT) và transaminase alanine aminotransferase (ALT).

Mặc dù lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh có nhiều tiến bộ nhưng vẫn không thể chẩn đoán trực tiếp viêm đường mật chỉ dựa trên hình ảnh mà chỉ có thể xác định được hẹp/tắc nghẽn đường mật gây ra viêm đường mật cấp, hoặc gián tiếp hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh bao gồm: siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ. Trong trường hợp này chụp X quang đơn thuần không phù hợp để chẩn đoán viêm đường mật. Nội soi mật ngược dòng được thực hiện cho mục đích điều trị (dẫn lưu) nhưng không phù hợp cho mục đích chẩn đoán.

4. Phân loại mức độ viêm đường mật

Phân loại mức độ viêm đường mật giúp tiên lượng và xác định chiến lược điều trị:

4.1. Viêm đường mật độ III (viêm nặng)

Khi xảy ra rối loạn chức năng của ít nhất 1 trong các cơ quan sau:

  • Rối loạn chức năng tim mạch, hạ huyết áp: điều trị bằng Dopamine 5 μg/kg/phút hoặc Norepinephrine;
  • Rối loạn thần kinh, rối loạn ý thức;
  • Rối loạn hô hấp: PaO2/FiO2 <300;
  • Rối loạn chức năng của thận: xuất hiện thiểu niệu, chỉ số creatinin huyết thanh > 2.0 mg/dl;
  • Rối loạn chức năng của gan: PT INR > 1.5;
  • Rối loạn huyết học: tiểu cầu < 100.000/mm3.

Chẩn đoán sớm giúp điều trị kịp thời, hạn chế viêm đường mật biến chứng
Chẩn đoán sớm giúp điều trị kịp thời, hạn chế viêm đường mật biến chứng

4.2. Viêm đường mật độ II (viêm vừa)

Khi bệnh nhân có 2 trong số các tiêu chuẩn sau đây:

  • Số lượng WBC bất thường > 12.000/mm3 hoặc <4.000/mm3;
  • Sốt cao ( thân nhiệt ≥ 39°C);
  • Tuổi của bệnh nhân ≥ 75 tuổi;
  • Bilirubin máu tăng cao: Bilirubin toàn phần ≥ 5 mg/dl;
  • Giảm Albumin máu.

4.3. Viêm đường mật độ I (viêm nhẹ)

  • Viêm đường mật độ I được xác định khi không có các tiêu chí của bệnh viêm đường mật cấp độ III và độ II.

Việc chẩn đoán sớm, dẫn lưu đường mật kịp thời và/hoặc điều trị căn nguyên gây bệnh với các loại kháng sinh phù hợp là phương pháp điều trị cơ bản cho tình trạng viêm đường mật không chỉ ở độ III và độ II mà còn cả độ I.

Viêm đường mật là tình trạng nhiễm khuẩn đường mật, nguyên nhân thường gặp nhất là do sỏi đường mật, một số ít có thể gây ra do bệnh lý u và chít hẹp đường mật. Vì thế khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe