Bài được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa và Bác sĩ Phạm Văn Minh - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh thường gặp, đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm khuẩn. Nó được xác định bởi sự nhiễm khuẩn của vật chứa đựng (cơ quan hệ tiết niệu) và vật được chứa đựng (nước tiểu).
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu được xác định khi có sự hiện diện trong nước tiểu. Tuy nhiên, cấy nước tiểu tìm vi khuẩn cho tỷ lệ (+) rất thấp. Nhất là ở Việt Nam khi hầu hết bệnh nhân được nhập viện sau khi đã dùng rất nhiều kháng sinh tại nhà. Cho nên, nếu chỉ dùng tiêu chuẩn cấy tìm vi khuẩn để chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu sẽ bỏ sót rất nhiều bệnh nhân.
Vậy nên, nhiễm khuẩn đường tiết niệu trong thực tế được chẩn đoán khi có biểu hiện lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng (tiểu bạch cầu hay tiểu vi khuẩn).
1. Tiêu chuẩn lâm sàng
Lâm sàng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất đa dạng, tùy thuộc nhiều vào cơ địa và vị trí nhiễm khuẩn. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện của nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới như:
- Cảm giác khó chịu vùng bụng dưới.
- Tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu ít một.
- Không đau vùng sườn lưng và không sốt. Bệnh nhân chỉ sốt khi có viêm hay áp xe tuyến tiền liệt.
- Có máu trong nước tiểu.
Bệnh nhân cũng có thể có biểu hiện của nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên, thường gặp là viêm thận bể thận. Các biểu hiện bao gồm:
- Đau vùng lưng và sườn lưng.
- Sốt cao kèm rét run.
- Buồn nôn, nôn, yếu, mệt và cảm giác bị ốm nói chung.
- Rối loạn tinh thần hoặc lú lẫn ở người cao tuổi.
2. Tiêu chuẩn cận lâm sàng
- Tiểu bạch cầu: có ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:
- Que nhúng leucocyte esterase/ nước tiểu (+)
- Soi tươi nước tiểu đếm được ≥ 10 bạch cầu /mm3 NT.
- Sau khi quay ly tâm đếm được > 10 bạch cầu/μl NT.
- Tiểu vi khuẩn: có ít nhất 1 trong các tiêu chuẩn sau:
- Que nhúng diptistick nitrite (+).
- Nhuộm gram nước tiểu soi tươi/quang trường kính dầu (+).
- Cấy nước tiểu (+).
Cấy nước tiểu được xem là (+) khi có ≥ 105 vi khuẩn /ml nước tiểu giữa dòng ở nữ hay 104 vi khuẩn /ml nước tiểu giữa dòng ở nam hoặc lấy qua ống thẳng ở nữ.
Tuy nhiên, trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu có tắc nghẽn, nếu sự tắc nghẽn này là hoàn toàn và thận đối diện không có nhiễm khuẩn, kết quả cấy vi khuẩn hay soi tìm bạch cầu thường (-), điều này gây nhiều khó khăn cho chẩn đoán. Trong trường hợp này, kết quả soi hoặc cấy nước tiểu trên vị trí tắc nghẽn sau phẫu thuật có thể giúp ích trong việc chứng thực lại chẩn đoán trước đó.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là một bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và thậm chí gây ra tử vong nếu chẩn đoán và điều trị không phù hợp. Cho nên, chúng ta cần tầm soát và xác định tình trạng bệnh của mình khi có những biểu hiện lâm sàng nghi ngờ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám sàng lọc Tiết niệu - Sỏi, dành cho tất cả các khách hàng có nhu cầu khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh tiết niệu. Gói khám bao gồm nhiều tiện ích như sau:
- Được khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
- Thực hiện các dịch vụ chụp Xquang và siêu âm chẩn đoán.
- Phát hiện sớm các bệnh về tiết niệu, sỏi và được tư vấn điều trị kịp thời.
Quý khách có nhu cầu khám tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thể đăng ký khám tại hệ thống Bệnh viện, Phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.
XEM THÊM:
- Cách điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em
- Nhiễm trùng tiết niệu khi mang thai: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh
- Can thiệp sớm cứu bệnh nhân choáng nhiễm khuẩn từ đường tiết niệu do sỏi