Chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng nội sọ như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Tụ máu ngoài màng cứng là tình trạng cấp cứu, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra dấu hiệu tụ máu, triệu chứng chấn thương, mức độ ý thức và tăng áp lực nội sọ. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng gồm xét nghiệm máu, CT scan đầu và chụp X-quang.

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng

Nhìn chung, để tầm soát biến chứng tụ máu ngoài màng cứng, cần khảo sát một số tiêu chuẩn sau:

  • Có chấn thương đầu
  • Có khoảng tỉnh

Khoảng tỉnh là khoảng thời gian bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo từ khi xảy ra tai nạn tới khi hôn mê. Khoảng tỉnh càng ngắn thì tiên lượng càng nặng. Khoảng 60 - 70% khối máu tụ ngoài màng cứng đơn thuần có khoảng tỉnh rõ, xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày, có khi kéo dài nhiều tuần, hoặc chỉ trong vòng 15 - 20 phút. Thời gian xuất hiện khoảng tỉnh tùy thuộc vào khối lượng và vị trí khối máu tụ. Khi có các thương đi kèm theo thì khoảng tỉnh hầu như không rõ ràng.

1.1. Trường hợp có một đường nứt sọ trên phim chụp


Hình ảnh nứt sọ chụp X-Quang
Hình ảnh nứt sọ chụp X-Quang

Đôi khi, chấn thương sọ não có đường nứt sọ chỉ gây đau đầu ở mức độ vừa phải, thậm chí đau nhẹ đến mức nạn nhân chủ quan về chấn thương của mình. Tuy nhiên, nếu chụp CT Scan đầu phát hiện khối máu tụ ngoài màng cứng thì cần phải được can thiệp ngoại khoa trong thời gian sớm nhất.

1.2. Trường hợp đau đầu kéo dài, dù đã dùng các thuốc giảm đau nhưng không hiệu quả

Các khối tụ máu ngoài màng cứng có khối lượng không lớn (khoảng 30g) ở vị trí trán, thùy đỉnh hoặc thùy thái dương. Rất ít có trường hợp tụ máu xuất hiện ở dấu thần kinh khu trú, cũng hiếm khi có giãn đồng tử. Dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân là đau đầu. Máu tụ ngoài màng cứng ở trẻ em ít khi có xuất hiện dấu hiệu thần kinh khu trú, mà đau đầu chính là dấu hiệu gợi ý có giá trị.

1.3. Đôi khi có xuất hiện dấu thần kinh khu trú

Máu tụ ngoài màng cứng do đứt một nhánh động mạch màng não sẽ tạo một khối lớn ở vùng thái dương hay rãnh trung tâm. Tình trạng này ảnh hưởng đến thần kinh khu trú, như yếu hoặc liệt nửa người đối bên, đôi khi là giãn đồng tử cùng bên với thương tổn. Khối máu tụ ở thùy thái dương dễ gây tụt não thùy thái dương.


Tình trạng máu tụ ngoài màng cứng do đứt một nhánh động mạch màng não có thể dẫn tới bị liệt nửa người
Tình trạng máu tụ ngoài màng cứng do đứt một nhánh động mạch màng não có thể dẫn tới bị liệt nửa người

2. Quy trình chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng

Các bác sĩ và y tá sẽ kiểm tra mức độ ý thức của bệnh nhân, tìm kiếm dấu hiệu yếu cánh tay hoặc chân, và kiểm tra mắt để xác định có tăng áp lực nội sọ hay không.

2.1. Hỏi bệnh

  • Thời gian xảy ra tai nạn
  • Hoàn cảnh tai nạn (đầu cố định hay di động)
  • Diễn biến tri giác ngay sau tai nạn (nôn, co giật, trào ngược,...)
  • Tiền sử bệnh tật

2.2. Rối loạn tri giác

Đánh giá tri giác theo thang điểm Glasgow, bao gồm khả năng mở mắt, trả lời câu hỏi và vận động theo y lệnh. Cao nhất là 15 điểm và thấp nhất là 3 điểm, nếu điểm GLASGOW giảm 2 điểm trở lên thì tri giác xấu đi.

Lưu ý, thang điểm Glasgow không áp dụng cho người say rượu, tâm thần, có dùng thuốc an thần và trẻ em dưới 5 tuổi.

2.3. Dấu hiệu thần kinh khu trú


Giãn đồng tử cùng bên bị tổn thương, tăng dần là dấu hiệu thần kinh khu trú
Giãn đồng tử cùng bên bị tổn thương, tăng dần là dấu hiệu thần kinh khu trú

Các dấu hiệu thần kinh khu trú bao gồm:

  • Đồng tử: Giãn đồng tử cùng bên bị tổn thương, tăng dần
  • Liệt vận động: Liệt nửa người bên đối diện thương tổn
  • Có thể rung giật nhãn cầu hoặc bán manh đồng danh

Ngoài ra, một số dấu hiệu khác như bệnh nhân hôn mê, liệt dây thần kinh số VII ngoại vi, mất khứu giác, lác, mất vận nhãn...

2.4. Dấu hiệu thần kinh thực vật

Thường gặp khi tình trạng nặng, nguy cơ tử vong cao, bao gồm:

  • Huyết áp tăng kèm tăng áp lực nội sọ
  • Mạch giảm dần khi có chèn ép nội sọ
  • Thở nhanh hoặc chậm, không đều
  • Tăng thân nhiệt, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả.

2.5. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện nhằm phát hiện các vấn đề đông máu, cũng như tìm kiếm các nguyên nhân khác khiến bệnh nhân bị nhầm lẫn và / hoặc mất ý thức.

  • Chụp X-quang

Nạn nhân cũng có thể cần chẩn đoán hình ảnh những bộ phận khác hoặc chụp X-quang, tùy thuộc vào thương tích nghi ngờ. Ví dụ, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang cổ để loại trừ các loại chấn thương cổ phối hợp. X-quang sọ không chuẩn bị giúp xác định đường vỡ xương, định hướng vị trí máu tụ, nhất là đường vỡ xương vùng thái dương.

  • Chụp cắt lớp vi tính

Có giá trị chẩn đoán xác định và theo dõi tiến triển của tụ máu ngoài màng cứng không có biểu hiện lâm sàng.


Xét nghiệm máu giúp phát hiện các vấn đề đông máu
Xét nghiệm máu giúp phát hiện các vấn đề đông máu

3. Chụp CT Scan - tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng

Chụp CT Scan giữ vai trò quan trọng, giúp bác sĩ ngoại khoa thần kinh trả lời 5 tiêu chuẩn chẩn đoán, đồng thời theo dõi các biến chứng trong sọ, đặc biệt là máu tụ ngoài màng cứng. Hình ảnh thấu kính lồi hai mặt, sát xương sọ, tăng tỷ trọng, đồng nhất và khu trú (không vượt quá các khớp xương). Khối máu tụ có thể đè đẩy các tổ chức não xung quanh, đường giữa và hệ thống não thất.

Khối tụ máu ngoài màng cứng lớn ở vùng trán và chèn ép nhóm động mạch não trước kéo dài có thể dẫn đến tụt não dưới liềm, gây phù não và thiếu máu não. Khối máu tụ ngoài màng cứng vùng chẩm ít có dấu hiệu thần kinh khu trú, nhưng nếu phát triển quá lớn sẽ gây thiếu máu, và khi phù não lan rộng đến bao trong thì sẽ xuất hiện dấu thần kinh khu trú.

Trong khi ở vị trí trên đau đầu là dấu hiệu sớm thì tụ máu ngoài màng cứng ở hố sau thường gây tăng áp lực trong sọ sớm. Thương tổn ở vùng này đẩy lệch não thất IV, hoặc tắc lỗ Magendie và Luschka, dẫn đến giãn não thất và tụt hạnh nhân tiểu não. Biểu hiện rõ nhất là đau đầu, thường dữ dội ở vùng chẩm và dưới chẩm, nhất là ở trẻ nhỏ hay la hét dữ dội do bị kích thích màng não quá mức. Chỉ khoảng 20 - 30% trường hợp thương tổn này xuất hiện dấu hiệu tiểu não.

Chụp sọ ở tư thế TOWNE rất cần thiết để tìm ra đường nứt sọ chẩm và dưới chẩm, nhưng để tầm soát khối máu tụ ngoài màng cứng thì chụp CT Scan đầu không cần bơm thuốc cản quang là phương pháp rất hữu hiệu. Ngoài ra, chụp hệ thống mạch máu não bằng phương pháp Seldinger cũng giúp phát hiện tụ máu ngoài màng cứng, nhưng giá trị không cao. Cách này chỉ đánh giá gián tiếp qua sự thay đổi vị trí của các động mạch não ở hố sau và cần có nhiều kinh nghiệm.

Thương tổn ngoài màng cứng có thể xuất hiện ở hai vị trí trên cùng một bên hoặc ở hai bên. Tuy nhiên, mạch não đồ rất khó phát hiện hai vị trí khác nhau cùng một lúc, chỉ có chụp CT Scan giúp chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng chính xác nhất.

Trong trường hợp máu tụ ngoài màng cứng xảy ra cùng lúc với máu tụ dưới màng cứng hoặc dập não nông - đặc biệt là thương tổn nhỏ, thì CT Scan dễ bỏ sót máu tụ dưới màng cứng.

Nhìn chung, CT scan đầu giúp phát hiện tốt tụ máu ngoài màng cứng nội sọ, cũng như cho thấy vỡ sọ nếu có chấn thương sọ não. Việc chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng xác định sẽ dựa vào các biểu hiện lâm sàng và hình ảnh phim cắt lớp vi tính.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có trang bị máy chụp CT 640 lát TSX - 301C do Toshiba sản xuất có khả năng hỗ trợ chẩn đoán trên diện tích rộng đến 16cm, tốc độ nhanh cho hình ảnh chính xác, rõ nét. Đặc biệt, chiếc máy này giảm được đến 90% liều tia xạ nên có thể chụp cho cả thai phụ khi có chỉ định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe