Chẩn đoán hình ảnh tổn thương mắt do đái tháo đường

Hình ảnh tổn thương mắt do đái tháo đường là một biến chứng nguy hiểm thường gặp. Do đó, để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng, người mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết và rèn luyện sức khỏe thật tốt.

1. Hình ảnh tổn thương mắt do đái tháo đường gồm có những gì?

Biến chứng về mắt là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh đái tháo đường. Thời gian mắc bệnh càng lâu năm thì nguy cơ mắc bệnh lý về mắt càng cao. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ biến chứng ở mắt bao gồm:

Các tổn thương mắt chính do đái tháo đường gồm có bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể. Ngoài ra, một số các bệnh lý mắt khác cũng có thể gặp như chắp, lẹo, viêm bờ mi, khô mắt, tăng nhãn áp, liệt cơ vận nhãn.

Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt do đái tháo đường, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết, chế độ ăn uống và tập luyện cân đối, duy trì lối sống lành mạnh.


Tăng huyết áp góp phần tổn thương mắt do đái tháo đường
Tăng huyết áp góp phần tổn thương mắt do đái tháo đường

2. Bệnh võng mạc do đái tháo đường

Bệnh võng mạc do đái tháo đường xảy ra là do sự mất cân bằng giữa tế bào nội mô và tế bào thành. Các mao mạch xung huyết và phì đại dẫn đến hiện tượng hyalin làm hình thành các tiểu động mạch, tiểu tĩnh mạch gây hẹp dần lòng mạch. Khi các vi mạch bị tắc hoàn toàn, khả năng cung cấp oxy giảm xuống, sẽ làm tế bào nội mô và tế bào thành bị phá hủy.

Phình tế bào xảy ra là do sorbitol tích tụ gây tăng áp lực thẩm thấu. Sorbitol tích tụ là do nồng độ glucose máu cao, chuyển hóa theo con đường hình thành rượu. Thiếu oxy tại võng mạc xảy ra là khi tế bào bị phì đại làm giảm khả năng khuếch tán oxy. Quá trình thiếu oxy và quá trình tổn thương tế bào nội mô mao mạch làm tăng tính thấm mao mạch dẫn đến phù võng mạc, hình thành xuất tiết cứng và xuất huyết võng mạc.

Các triệu chứng thường gặp trong bệnh võng mạc do đái tháo đường là nhìn mờ, hình ảnh nhìn thấy bị méo mó, nhìn thấy như ruồi bay, rối loạn màu sắc. Bệnh võng mạc được xác định bằng một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp mạch huỳnh quang, chụp ảnh màu võng mạc.

Tổn thương võng mạc được chia thành các giai đoạn như sau:

  • Chưa tăng sinh mức độ nhẹ: Chỉ có sự xuất hiện của vi phình mạch
  • Chưa tăng sinh mức độ trung bình: Có xuất hiện vi phình mạch kèm theo ít nhất một trong số các dấu hiệu như xuất huyết võng mạc dạng chấm, xuất tiết cứng, xuất tiết mềm.
  • Chưa tăng sinh mức độ nặng: Có các dấu hiệu ở giai đoạn trung bình kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu như xuất huyết võng mạc trên 1⁄4 võng mạc; chuỗi hạt tĩnh mạch trên 1⁄2 võng mạc; bất thường vi mạch võng mạc trên 1⁄4 võng mạc; không có dấu hiệu của tăng sinh mạch máu.
  • Tăng sinh: Có dấu hiệu của giai đoạn tăng sinh mức độ nặng kèm theo ít nhất một dấu hiệu như tân mạch võng mạc; xuất huyết dịch kính/xuất huyết trước võng mạc.

Bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường

3. Đục thủy tinh thể do đái tháo đường

Đục thủy tinh thể do đái tháo đường là do giảm nồng độ plasma trong thủy dịch dẫn đến thủy tinh thể bị ngấm nước và cuối cùng dẫn đến đục.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do tăng nồng độ glucose máu làm glucose khuếch tán vào thủy tinh thể. Một phần glucose được chuyển thành sorbitol. Sorbitol không được chuyển hóa mà tích lũy lại trong thủy tinh thể và ngấm vào các sợi thể thủy tinh gây xơ hóa và đục thủy tinh thể. Ngoài ra, sorbitol còn gây rối loạn áp lực thẩm thấu, làm tăng ngấm nước vào sợi thủy tinh thể. Quá trình polyol cũng làm giải phóng nhiều gốc tự do gây tổn thương cho sợi thủy tinh thể. Ngoài ra, nồng độ sorbitol cao trong nội bào của tế bào biểu mô sẽ gây tăng tốc độ chết theo chương trình. Nồng độ glucose trong thủy dịch cao gây glycat hóa các protein tạo ra các sản phẩm độc với thủy tinh thể. Các quá trình trên phối hợp gây ra bệnh đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh đục thủy tinh thể do đái tháo đường bao gồm:

  • Giai đoạn đầu: Gần như không có các triệu chứng bất thường ở thị giác.
  • Giai đoạn tiến triển: Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
    • Nhìn mờ, hình ảnh bị tối đi nhưng không đau
    • Màu sắc nhạt hơn trước hoặc hơi ngả sang màu vàng
    • Nhạy cảm với ánh sáng (bị lóa mắt)
    • Khó nhìn vào ban đêm hoặc ở nơi không đủ ánh sáng
    • Nhìn một thành hai ở một bên mắt
    • Phải đổi độ kính mắt thường xuyên hơn

Một số cấp độ của bệnh đục thủy tinh thể
Một số cấp độ của bệnh đục thủy tinh thể

4. Một số biến chứng về mắt khác liên quan đến bệnh đái tháo đường

4.1 Chắp

Chắp xảy ra do tắc nghẽn hoặc ứ đọng các chất tiết trong tuyến Meibomius. Bệnh còn có tên gọi khác là viêm mạn tính dạng u hạt viêm – mỡ. Chắp là một khối cứng trên mi mắt, không đau, giới hạn rõ, da bên ngoài gần như bình thường, dấu hiệu viêm không nổi bật.

4.2 Lẹo

Lẹo là những ổ áp – xe do nhiễm trùng, tắc các ống tuyến ở da thường do vi khuẩn Staphylococus Aureus. Dấu hiệu viêm nổi bật bao gồm sưng, nóng đỏ đau ở bờ mi, kích thích gây xung huyết và cương tụ giác mạc, có thể có đốm mủ màu trắng hoặc vàng nổi lên bờ mi hoặc dưới kết mạc sụn mi.

4.3 Khô mắt

Khô mắt xảy ra do giảm cảm giác bề mặt nhãn cầu gây giảm phản xạ tiết nước mắt kèm theo các rối loạn hoạt động của các tế bào biểu mô bề mặt nhãn cầu.


Tình trạng khô mắt
Tình trạng khô mắt

4.4 Tăng nhãn áp tân mạch

Tăng nhãn áp tân mạch là glocom thứ phát do tiến triển bất thường của tân mạch trên mống mắt, các tân mạch này cản trở dẫn lưu dòng thủy dịch của mắt gây nên tăng nhãn áp. Tân mạch mống mắt là một màng xơ mạch, lúc đầu mô xơ mạch phủ lên góc tiền phòng mở, theo thời gian mô này co rút gây dính chu vi ở phía trước và gây ra đóng góc. Nguyên nhân của tân mạch mống mắt ở bệnh nhân đái tháo đường là do thiếu máu cục bộ, nên tăng nhãn áp tân mạch có thể được coi là biến chứng của bệnh võng mạc do đái tháo đường và tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.

5. Chẩn đoán hình ảnh tổn thương mắt do đái tháo đường

5.1 Siêu âm

Siêu âm giúp quan sát sơ bộ cấu trúc của nhãn cầu, đặc biệt là trong môi trường trong suốt khi các chẩn đoán hình ảnh dựa vào ánh sáng không thể xác định bệnh. Siêu âm còn giúp tiên đoán tăng áp lực nội sọ với độ nhạy lên đến 90% khi đo đường kính bao dây thần kinh thị giác.

5.2 Chụp ảnh màu đáy mắt

Chụp ảnh màu đáy mắt giúp quan sát các bộ phận tại đáy mắt gồm võng mạc, mạch máu võng mạc, gai thị, các bất thường của đáy mắt. Chụp nhiều lần trong trường hợp theo dõi diễn biến bệnh của đáy mắt. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm chỉ mang tính chất định tính, không phát hiện được các tổn thương ở mức vi thể.


Siêu âm mắt giúp chẩn đoán bệnh lý
Siêu âm mắt giúp chẩn đoán bệnh lý

5.3 Chụp mạch võng mạc huỳnh quang

Chụp mạch võng mạc huỳnh quang giúp quan sát chi tiết cấu trúc hệ mạch máu võng mạc, tân mạch, phình mạch, khả năng lưu thông máu và những bất thường về tính thấm. Vì kỹ thuật phức tạp, xâm nhập vào cơ thể có thể gây tai biến nên không được thực hiện ở những bệnh nhân nặng, bệnh nhân không hợp tác.

Kỹ thuật được tiến hành bằng cách tiêm thuốc nhuộm fluorescein vào tĩnh mạch cánh tay. Đợi sau một khoảng thời gian ngắn, khi thuốc nhuộm đã di chuyển đến mạch máu ở mắt thì chụp. Máy chụp có bộ lọc ánh sáng đặc biệt nên nhạy cảm với thuốc nhuộm có trong các mạch máu ở đáy mắt.

5.4 Chụp cắt lớp võng mạc

Chụp cắt lớp võng mạc là kỹ thuật không xâm lấn, có độ phân giải cao, giúp quan sát các tổn thương ở mức vi thể, đo lường và chẩn đoán sớm các tổn thương tại võng mạc. Tuy nhiên, đây là một xét nghiệm có giá thành cao và không thực hiện được khi môi trường trong suốt kém.

Tổn thương mắt do đái tháo đường là một trong các biến chứng không hiếm gặp nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mắt. Vì thế khi mắc bệnh đái tháo đường ngoài kiểm soát tốt lượng đường huyết thì bệnh nhân cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ để tránh những tổn thương, biến chứng của bệnh lây lan sang các bộ phận khác.

Để đăng ký khám điều trị hay tìm hiểu các phẫu thuật mắt được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách hàng có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe