Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh tăng huyết áp nếu tiến triển lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ mạch máu, từ đó gây tổn thương tới các cơ quan đích như thận, tim, não và đặc biệt là võng mạc mắt. Bệnh võng mạc trong tăng huyết áp nếu không kịp thời phát hiện và điều trị thì có thể dẫn đến mất thị lực.
1. Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp được xếp vào nhóm bệnh tim mạch thường gặp và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có khả năng gây tử vong và và tàn tật ở người lớn tuổi. Trường hợp bệnh tăng huyết áp tiến triển lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ mạch máu, từ đó gây tổn thương tới các cơ quan đích như tim, não, thận và đặc biệt là võng mạc mắt.
Võng mạc là nơi cho phép quan sát và nghiên cứu hệ thống mạch máu. Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là hậu quả của tăng huyết áp. Hiện tượng này sẽ xảy ra khi huyết áp của người bệnh tăng lên quá cao và làm cho thành mạch máu của võng mạc dày lên, từ đó những mạch máu bị hẹp lại, hạn chế máu tới võng mạc khiến cho chức năng của võng mạc bị ảnh hưởng, áp lực lên thần kinh thị giác và sẽ gây ra các vấn đề về thị lực hoặc xuất hiện phù nề võng mạc.
Những nguyên nhân chủ yếu và các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng võng mạc do tăng huyết áp là:
- Huyết áp tăng cao trong một thời gian dài: Đây là là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh võng mạc trong tăng huyết áp. Khi người bệnh bị tăng huyết áp, áp suất máu do tim tạo ra tác động đến động mạch quá cao, nếu máu di chuyển với áp suất cao như vậy, mô động mạch lâu ngày sẽ căng ra và cuối cùng dẫn đến tổn thương, kéo theo nhiều biến chứng phức tạp.
- Một số yếu tố khác: Những yếu tố khiến cơ thể dễ bị tăng huyết áp như người thừa cân béo phì, lười vận động thể thao, cơ thể hấp thụ quá nhiều muối, luôn trong trạng thái căng thẳng, mắc bệnh xơ vữa động mạch, đái tháo đường, mức cholesterol cao, hút thuốc, uống bia rượu thường xuyên hoặc chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng...
2. Dấu hiệu bệnh võng mạc trong tăng huyết áp
Bệnh võng mạc trong tăng huyết áp nếu không kịp thời phát hiện và điều trị thì sẽ rất nguy hiểm. Một số dấu hiệu bệnh võng mạc trong tăng huyết áp có thể xuất hiện như sau:
- Dấu hiệu co động mạch: Nguyên nhân dẫn đến đến dấu hiệu này là do đáp ứng sinh lý với tăng huyết áp động mạch. Co động mạch có thể khu trú hoặc lan tỏa khiến các động mạch cứng thẳng, chia nhánh vuông góc và tạo ra hình ảnh thưa thớt của hệ mạch võng mạc.
- Dấu hiệu xơ cứng động mạch: Đây là dấu hiệu bệnh võng mạc trong tăng huyết áp, nguyên nhân là do sự già cỗi của lớp collagen nên thành động mạch sẽ dày, cứng làm hẹp động mạch lại. Ánh động mạch biến đổi nên khi nhìn sẽ thấy trông như sợi dây đồng. Động mạch kém đàn hồi và tạo nên hình ảnh sợi dây bạc, có bao trắng che lấp cột máu.
- Dấu hiệu bắt chéo động – tĩnh mạch: Một bao xơ chun chun sẽ bao bọc chỗ bắt chéo động – tĩnh mạch. Nếu thành mạch bị xơ cứng thì động mạch sẽ chèn ép tĩnh mạch.
- Xuất huyết võng mạc: Đây là dấu hiệu bệnh võng mạc trong tăng huyết áp điển hình. Những xuất huyết này nông, hình ngọn nến và nằm dọc theo các sợi thần kinh quanh những mạch máu lớn. Trong một số trường hợp, có thể xuất huyết sâu hơn với hình chấm hoặc tròn ở võng mạc người bệnh.
Xem thêm: Sự khác biệt giữa bệnh võng mạc tiểu đường và bệnh võng mạc tăng huyết áp
- Xuất tiết bông, xuất tiết cứng: Đây là các dấu hiệu dễ nhận biết. Xuất tiết bông là những đám trắng bờ không rõ, vị trí nông nhưng thường nằm gần những mạch máu lớn, che lấp các mạch máu. Còn xuất tiết cứng là những đám màu vàng nằm sâu, ranh giới rõ và hay ở cực sau. Xuất tiết cứng có thể sắp xếp theo hình nan hoa lan tỏa ra quanh hoàng điểm nhưng chúng cũng có thể tập trung lại tạo nên một đám thâm nhiễm lớn.
- Phù gai thị: Phù gai thị có thể nhận biết bằng cách bờ gai thị mờ, ranh giới không rõ, hơi nhô và màu trắng. Các tĩnh mạch giãn, cương tụ kèm theo giãn mao mạch hoặc xuất huyết trước gai thị.
3. Các cấp độ bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Bệnh võng mạc trong tăng huyết áp thường được biểu thị theo các cấp độ sau đây:
- Bệnh võng mạc do tăng huyết áp cấp độ 1: Ở cấp độ này, động mạch võng mạc thu hẹp nhẹ.
- Bệnh võng mạc do tăng huyết áp cấp độ 2: Động mạch võng mạc thu hẹp nhẹ nhưng tình trạng co thắt nghiêm trọng hơn, hay còn gọi là dị dạng động mạch.
- Bệnh võng mạc do tăng huyết áp cấp độ 3: Động mạch võng mạc thu hẹp nhẹ, tình trạng co thắt nghiêm trọng kèm theo phù võng mạc, vi phình mạch, xuất huyết võng mạc.
- Bệnh võng mạc do tăng huyết áp cấp độ 4: Các dấu hiệu ở cấp độ 3 trở nên trầm trọng hơn như phù gai thị, phù hoàng điểm. Những người bệnh ở cấp độ này sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn và khả năng mắc các bệnh tim mạch hoặc thận cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh bị bệnh võng mạc do tăng huyết áp có nguy cơ dẫn đến các biến chứng liên quan đến võng mạc như:
- Bệnh thần kinh thị giác: Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi cao huyết áp ngăn chặn lưu lượng máu ở mắt.
- Tắc nghẽn động tĩnh mạch võng mạc: Biến chứng này xảy ra khi máu lưu thông đến võng mạc bị huyết khối trong mạch máu cản trở.
- Tổn thương các dây thần kinh dẫn đến xuất huyết bông hoặc gây tăng huyết áp ác tính dẫn đến tầm nhìn bị hạn chế cũng như khả năng đe dọa tính mạng người bệnh, đây là một hậu quả của tăng huyết áp rất nguy hiểm.
- Biến chứng đột quỵ và suy tim: Những người mắc bệnh võng mạc do cao huyết áp dễ bị đột quỵ và suy tim hơn.
4. Điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Việc điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết chủ yếu là kiểm soát huyết áp. Các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thị lực cần được điều trị tích cực. Cụ thể như sau:
- Trường hợp người bệnh bị mất thị lực: Các phương pháp điều trị phù võng mạc có thể bằng laze, tiêm nội nhãn corticoid hoặc các chất ức chế yếu tố tăng trưởng ở nội mạc mạch máu.
- Hạn chế nguy cơ và biến chứng của bệnh: Để giảm tối đa nguy cơ và biến chứng bệnh võng mạc do tăng huyết áp cần kiểm soát huyết áp kết hợp với thuốc điều trị.
- Tạo thói quen sống lành mạnh: Người bệnh nên tập thể dục thường xuyên, giảm lượng muối, hạn chế cà phê và đồ uống có cồn, ăn nhiều trái cây, rau xanh để huyết áp ổn định. Bỏ thói quen hút thuốc lá, trường hợp béo phì thì cần giảm cân hợp lý để phòng ngừa tăng huyết áp.
- Uống thuốc và khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ: Khi bác sĩ có chỉ định điều trị cao huyết áp bằng các loại thuốc thì người bệnh nên uống thuốc theo đơn, đi khám định kỳ, kiểm soát nghiêm túc huyết áp để tránh gây ảnh hưởng xấu đến mắt.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.