Chẩn đoán bệnh đái tháo đường chính xác bằng cách nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Tuần trước, cháu có nhịn ăn sáng để đi khám sức khỏe ở trường. Cháu làm xét nghiệm lấy máu thì kết quả trả về lượng glucose trong máu là 6,0 và trong giấy ghi chỉ số bình thường là 3,9-6,4. Tuy nhiên, trong bài viết của bệnh viện cháu thấy có ghi chỉ số glucose khi đói là <5.0. Sau khi đọc các triệu chứng ở bài viết, thì cháu thấy cháu có bị ngứa da, lỗ chân lông trên 2 cánh tay hay bị nổi lên sau khi tắm và ngứa, cơ thể nhiều khi mệt mỏi. Nhưng cháu không khát nước và đi tiểu bình thường. Xin hỏi bác sĩ cháu có cần đi khám lại không ạ? Chẩn đoán bệnh đái tháo đường chính xác bằng cách nào? Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều.

Lương Quỳnh (1999)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Chẩn đoán bệnh đái tháo đường chính xác bằng cách nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

a, Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG) ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn, không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội ít nhất 8 giờ, thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ

b, Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrate mỗi ngày.

c, HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol): Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

d, Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, xét nghiệm chẩn đoán a, b, d ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán đái tháo đường.

Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây:

  • Rối loạn glucose huyết đói (impaired fasting glucose: IFG): Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L).
  • Rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance: IGT): Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L).
  • HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).

Những tình trạng rối loạn glucose huyết này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường (prediabetes).

Nghiệm pháp dung nạp glucose qua đường uống được các bác sĩ khuyến khích đối với phụ nữ mang thai trong trường hợp có mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra, đối với những người đang nghi ngờ hoặc có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 xét nghiệm này còn được khuyến khích thực hiện với những ai nghi ngờ hoặc có những yếu tố nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người lớn. Ngoài ra, xét nghiệm sẽ được chỉ định thực hiện với những ai có mức đường huyết khi đói cao hơn 126mg/dL hoặc xét nghiệm HbA1c lớn hơn 6,5%.

Quy trình thực hiện bao gồm : Đầu tiên, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để đo nồng độ glucose máu khi đói. Điều này sẽ cung cấp mức cơ sở để bạn đánh giá những giá trị glucose khác sau khi thử nghiệm. Sau đó, bạn sẽ được yêu cầu sử dụng một lượng glucose nhất định khoảng từ 75 g hoặc 100g glucose. Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy những mẫu máu cách nhau 1, 2, hay 3 tiếng sau khi uống glucose. Mẫu máu sẽ được lấy lại sau 30 phút cho tới 3 tiếng sau khi bạn uống glucose.

Bạn có thể quay về những hoạt động thường nhật sau khi thử nghiệm. Bác sĩ sẽ cho bạn biết về những bệnh lý bạn mắc phải và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Đôi khi, bác sĩ yêu cầu phải thực hiện những xét nghiệm bổ sung khác. Bạn hãy luôn nghe theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn còn thắc mắc về đái tháo đường, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe