Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh cơ tim giãn là bệnh lý của cơ tim thường không rõ nguyên nhân và là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh suy tim. Bệnh có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong của người mắc phải sau 5 năm là 35% và sau 10 năm lên đến 70%. Vậy làm thế nào để chẩn đoán bệnh cơ tim giãn?
1. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn
Bệnh cơ tim giãn được xác định khi có những dấu hiệu suy giảm chức năng tâm thu, giãn buồng thất trái mà không tìm thấy các nguyên nhân thông thường như các: bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, tăng huyết áp hoặc bệnh màng ngoài tim. Trong một vài trường hợp bệnh cơ tim giãn thường thấy ở những trường hợp như nghiện rượu, thai sản hoặc tiền sử gia đình có mắc bệnh cơ tim.
2. Cách chẩn đoán bệnh cơ tim giãn
2.1. Chẩn đoán lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng:
- Ho, thở nhanh là những biểu hiện khởi đầu của bệnh. Xanh xao, vã mồ hôi, chậm lên cân, mau mệt và giảm lượng nước tiểu, khò khè có thể là triệu chứng quan trọng của suy tim ở trẻ em.
- Đau ngực, đánh trống ngực, khó thở khi nằm, ngất, đột tử là những triệu chứng được ghi nhận (khoảng 20% các trường hợp), khoảng 50% các trường hợp bệnh cơ tim giãn có tiền sử nhiễm virus trước đó, 25% có tiền sử gia đình có người mắc bệnh cơ tim giãn.
- Triệu chứng thực thể:
- Trẻ dưới 4 tuổi thường thở nhanh, mạch nhanh nhẹ, lạnh đầu chi, gan lớn, huyết áp thấp. Một số trường hợp nặng có thể có sốc.
- Trẻ trên 4 tuổi thường có phù, tĩnh mạch cổ phồng, có ran ở 2 đáy phổi, điện tim rộng, nhịp tim nhanh, có thể nghe tiếng ngựa phi, thổi tâm thu do hở van 2 – 3 lá cơ năng.
2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
- Chụp X quang tim phổi thẳng, bóng tim to, ứ đọng tĩnh mạch phổi, tăng áp tĩnh mạch phổi hoặc phù phổi.
- Điện tâm đồ: Không có dấu hiệu điện tâm đồ điển hình cho bệnh cơ tim giãn, có thể thấy nhịp tim rối loạn như nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung cuống nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất. Rối loạn tái cực thất hầu như hằng định. Đoạn ST chênh xuống hoặc đảo ngược ở các chuyển đạo D1, aVL, V5, V6, giãn tâm thất với ưu thế thất trái
- Siêu âm tim: Là phương pháp quan trọng nhất giúp cho chẩn đoán bệnh và theo dõi bệnh cơ tim giãn, bên cạnh đó phương pháp này còn có thể loại trừ các nguyên nhân có thể gây giãn buồng tim như bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim hay bệnh mạch vành.
- Siêu âm 2D thất trái có dạng hình cầu do dãn theo trục ngang nhiều hơn là theo trục dọc của tim, chiều dày thành thất trái giảm, tất cả các vùng thất trái giảm động.
- Siêu âm M Mode cho thấy gia tăng kích thước thất trái vào cuối thì tâm thu và tâm trương, giảm phân suất co hồi và phân suất tống máu.
- Siêu âm màu sẽ thấy hở van 2 -3 lá do giãn thất dẫn đến giãn các vòng van.
- Siêu âm Doppler cho thấy dòng máu qua van động mạch chủ, giúp ước tính áp lực động mạch phổi qua các phổ hở van 3 lá, hở van động mạch phổi.
- Thông tim chụp mạch: Trường hợp trẻ em mắc bệnh giãn cơ tim thường có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng khi thông tim chụp mạch. Do vậy việc thông tim phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhi giàu kinh nghiệm. Hiện tại việc chỉ định chính cho thủ thuật này là chuẩn bị ghép tim và sinh thiết cơ tim.
- Sinh thiết nội mạc cơ tim: Việc sinh thiết nội mạc thường khó được thực hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ. Ở trẻ lớn sinh thiết nội mạc cơ tim giúp hỗ trợ phân biệt các tổn thương do những nguyên nhân khác nhau. Hiện nay chỉ định chính của sinh thiết nội mạc cơ tim là chuẩn bị ghép tim và theo dõi phản ứng thải loại sau ghép tim.
2.3. Chẩn đoán phân biệt
Ở trẻ sơ sinh khi chẩn đoán cần phân biệt với ngạt biến chứng suy tim, hẹp van động mạch chủ, hẹp eo chủ, dò động mạch – tĩnh mạch hệ thống, bất thường động mạch vành, viêm cơ tim do virus hoặc không do virus.
Ở trẻ lớn cần loại trừ các bệnh cơ tim do nguyên nhân thứ phát.
Bệnh giãn cơ tim rất khó phát hiện bằng các triệu chứng thông thường, chính vì vậy chúng ta nên có thói quen kiểm tra định kỳ sức khỏe của tim tại các cơ sở y tế y tín.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.