Một vết thương dài khoảng 7 đến 10cm sau phẫu thuật tuyến giáp sẽ nhanh chóng lành lại trong vài tuần. Tuy nhiên, các bệnh nhân cần biết cách chăm sóc vết mổ. Khi vị trí vết mổ được chăm sóc tốt sẽ giúp hình thành sẹo tối thiểu, mang tính thẩm mỹ cao.
Các phương pháp chăm sóc vết sẹo sau mổ tuyến giáp được trình bày lần lượt sau đây:
1. Giữ vết mổ u tuyến giáp sạch sẽ
1.1. Giữ vết thương sạch sẽ và khô ráo
Một trong những điều quan trọng nhất sau khi phẫu thuật u tuyến giáp là giữ cho vết thương sạch sẽ và khô ráo. Sau khi ra viện, cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc vết thương và tắm rửa sau phẫu thuật. Làm như vậy có thể giúp ngăn ngừa vết thương không bị nhiễm trùng và nó cũng có thể giúp vết thương nhanh lành hơn.
Không dính nước lên vết thương cho đến khi nó được chữa lành hoàn toàn. Cụ thể là bệnh nhân không được khuyến khích đi bơi hoặc ngâm chìm vết thương trong nước khi tắm.
Ngay sau khi phẫu thuật, một số trường hợp có thể cần đặt một ống dẫn lưu nhỏ giúp dẫn dịch thoát ra khỏi vùng da cổ gần vị trí vết mổ tuyến giáp. Vai trò của ống này là giúp giữ cho chất lỏng tích tụ trong cổ của bệnh nhân tránh bị ứ đọng bởi vì đây là một yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến nhiễm trùng và đau nhức thêm. Bác sĩ sẽ tháo ống dẫn lưu trước khi bạn xuất viện nếu ống đã bớt ra dịch một cách đáng kể và dịch trong, không có màu hay mùi lạ gì.
1.2. Làm sạch khu vực vết mổ vào ngày sau phẫu thuật
Ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể tắm rửa và cho phép nước hay xà phòng có tính tẩy nhẹ chảy qua vết thương. Tuy nhiên, bệnh nhân không được chà xát vết thương hoặc gây ra bất kỳ áp lực nào lên nó dù bằng dòng nước áp lực cao hoặc các ngón tay của bệnh nhân. Chỉ cho phép một ít nước chảy qua vị trí vết mổ và nhẹ nhàng làm sạch một cách đơn giản.
1.3. Thay băng gạc hàng ngày
Sau khi mổ, bác sĩ sẽ che đậy vết thương bằng một vài miếng gạc và giữ bằng băng keo. Trong các ngày kế tiếp, bệnh nhân có thể cần thay băng một lần mỗi ngày để giữ vết thương sạch sẽ.
Hãy thật nhẹ nhàng khi gỡ bỏ lớp gạc cũ vì nó có thể dính vào da. Nếu nó bị dính lại, nên sử dụng khoảng một muỗng cà phê nước oxy già hoặc nước muối sinh lý để làm ẩm miếng gạc, giúp cho việc tháo băng ra sẽ dễ dàng hơn. Sau đó, hãy sử dụng bông gòn thấm nước oxy già hoặc nước muối sinh lý để nhẹ nhàng làm sạch bất kỳ vết máu khô nào trên da trước khi thay băng.
1.4. Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng
Nhiễm trùng xảy ra tại vị trí phẫu thuật trong phẫu thuật tuyến giáp là rất hiếm vì đây được xem là một phẫu thuật sạch nên khả năng nhiễm bẩn là tối thiểu.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải quan sát vết thương sau phẫu thuật để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và báo với bác sĩ ngay nếu người bệnh nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, bao gồm:
- Đỏ, nóng hoặc sưng vùng quanh vết ổ
- Sốt từ trên 38 độ C
- Dẫn lưu có dịch mủ, đục, có mùi hay tăng tiết lượng dịch
- Vết thương hở bung chỉ.
2. Thúc đẩy làm lành vết sẹo sau mổ tuyến giáp
2.1. Ngưng và bỏ thuốc lá
Việc hút thuốc lá có thể làm trì hoãn quá trình lành sẹo, không chỉ trong vết sẹo sau mổ tuyến giáp mà các can thiệp ngoại khoa nói chung.
Vì vậy, ngay từ trước khi phẫu thuật, người bệnh nên bỏ hút thuốc lá. Tham vấn bác sĩ về các chương trình cai thuốc lá cũng như các biện pháp hỗ trợ khác để có thể giúp người bệnh bỏ thuốc lá thành công.
2.2. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ
Yếu tố dinh dưỡng tốt là một trong những cách quan trọng để hỗ trợ quá trình chữa bệnh và lành bệnh của cơ thể.
Tuy nhiên, vì vết sẹo sau mổ tuyến giáp có thể gây đau trong những ngày đầu hậu phẫu, bệnh nhân có thể cần phải tuân theo chế độ ăn uống chất lỏng hoặc thực phẩm mềm nấu nhừ. Cụ thể là:
- Một chế độ ăn lỏng bao gồm sữa, nước trái cây, súp, cháo,...
- Một chế độ ăn thực phẩm mềm bao gồm bánh pudding, khoai tây nghiền, táo nghiền, kem, sữa chua...
Bệnh nhân sẽ có thể chuyển từ ăn lỏng sang ăn thực phẩm mềm và sang thực phẩm rắn nếu có khả năng dung nạp sau một vài ngày. Dù vậy, nếu bệnh nhân bị đau khi nuốt, lúc này nên uống thuốc giảm đau khoảng 30 phút trước mỗi bữa ăn để việc ăn uống được trở nên dễ dàng và ngon miệng.
2.3. Dùng kem chống nắng cho vết sẹo sau mổ tuyến giáp
Bệnh nhân cần lưu ý bôi kem chống nắng và che đậy kín vùng sẹo sau mổ tuyến giáp khi ra ngoài trời cho đến khi vết thương đã lành hẳn.
Nên lựa chọn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao, chẳng hạn như SPF 30+. Song song đó, cũng nên giữ cho vết sẹo được che đậy dưới một chiếc khăn quấn cổ trong cả năm. Việc áp dụng các biện pháp này để bảo vệ vết sẹo khỏi ánh nắng mặt trời, sẽ mang lại kết quả thẩm mỹ tốt cho vết sẹo ở cổ
Tuy nhiên, bạn phải chắc chắn rằng vết thương đã được chữa lành hoàn toàn trước khi bôi kem chống nắng lên nó. Điều này sẽ cần thời gian từ khoảng hai đến ba tuần.
3. Đối phó với các cơn đau sau mổ u tuyến giáp
3.1. Uống thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ
Hầu hết các bệnh nhân sẽ cần phải dùng các loại thuốc giảm đau có nguy cơ gây nghiện sau phẫu thuật. Vì vậy, cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về cách sử dụng các loại thuốc này và không vượt quá liều lượng khuyến cáo.
Hãy nhớ rằng các thuốc giảm đau nhóm này có thể gây táo bón. Vì vậy, bệnh nhân cần nhớ uống từ 8 đến 10 ly nước mỗi ngày và ăn thực phẩm có chứa chất xơ. Bên cạnh đó cũng có thể dùng thêm một chất làm mềm phân để đối phó với tình trạng táo bón.
Khi mức độ đau thuyên giảm hơn, bệnh nhân nên chuyển sang dùng các thuốc giảm đau an toàn hơn như paracetamol hay acetaminophen với liều trong ngưỡng khuyến cáo để tránh gây tổn thương cho gan. Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid vì có thể gây chảy máu tiềm ẩn.
3.2. Sử dụng băng gạc lạnh để giúp giảm đau
Trong trường hợp thuốc giảm đau toàn thân không đạt hiệu quả toàn diện, có thể phối hợp thêm cách giảm đau tại chỗ như dùng miếng gạc mát, chườm túi nước đá... đắp lên vết thương trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút để giảm đau. Bệnh nhân có thể làm điều này một lần mỗi giờ nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không làm vết mổ thêm tổn thương vì tê cóng.
3.3. Hạn chế cử động vùng cổ sau phẫu thuật
Điều quan trọng cần nhớ là phải hạn chế cử động vùng cổ trong một đến ba tuần sau khi phẫu thuật u tuyến giáp. Đồng thời, tránh các bài tập cần sử dụng vùng này cũng như các việc mang vác trên vai, cổ. Mọi tác động áp lực đều có thể gây chậm lành vết thương hay sẽ có nguy cơ lành sẹo co kéo, mất tính thẩm mỹ.
3.4. Phát hiện sớm các biến chứng sau mổ u tuyến giáp
Có một số biến chứng có thể xảy ra mà bệnh nhân cần phải theo dõi trong quá trình hậu phẫu sau mổ u tuyến giáp. Theo đó, nếu bệnh nhân gặp bất kỳ biến chứng nào trong số này, hãy báo cho bác sĩ ngay và sắp xếp tái khám sớm:
- Giọng nói yếu ớt
- Tê hoặc ngứa ran
- Tức ngực, khó thở
- Ho quá mức
- Hạn chế hay mất khả năng ăn hoặc nuốt.
Tóm lại, đầu - mặt - cổ là một khu vực có chứa các cấu trúc phức tạp và người bệnh cần có những kiến thức nhất định để theo dõi và chăm sóc sau mổ u tuyến giáp. Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ cũng như lựa chọn các cơ sở y tế chất lượng, chuyên nghiệp từ ban đầu sẽ giúp việc điều trị hiệu quả bệnh lý tuyến giáp và đạt tính thẩm mỹ cao nhất.
toàn.