Ý tưởng và hành vi tự sát được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người có ý tưởng và hành vi tự sát rất cần được phát hiện và xử trí cấp cứu người tự sát kịp thời. Đồng thời việc phòng ngừa ngăn chặn người tự sát là vấn đề trách nhiệm đặt ra cho cả gia đình, xã hội.
1. Khái niệm về tự sát
Một số khái niệm về tự sát như sau:
- Ý tưởng tự sát: người bệnh có ý nghĩ muốn chết, đang suy nghĩ, cân nhắc hoặc lên kế hoạch tự sát nhưng chưa hành động. Ý tưởng tự sát có nhiều mức độ từ suy nghĩ thoáng qua đến những suy nghĩ cụ thể, nghiền ngẫm về việc tự sát cho tới lên kế hoạch chi tiết.
- Toan tự sát: người bệnh đã suy nghĩ một cách có ý thức về việc tự làm mình chết, sau đó có những hành vi tự sát nhưng không hoàn thành.
- Tự sát: người bệnh đã tự thực hiện hoàn thành hành vi đem lại cái chết cho bản thân mình (tự sát hoàn thành).
XEM THÊM: Tại sao người trầm cảm hay tự sát?
2. Các nguyên nhân và phương thức tự sát
2.1.Các nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát
Người bệnh tâm thần: trầm cảm nặng (đặc biệt khi kèm thêm hoang tưởng bị tội), rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn phân ly.
Hoang tưởng, ảo giác chi phối trong loạn thần do rượu, ma túy tổng hợp
Hành vi xung động trong hội chứng căng trương lực.
Trạng thái ý thức hoàng hôn, trạng thái bồn chồn, bất an.
Các bệnh mạn tính như ung thư, HIV, liệt sau tai biến mạch máu não khiến người bệnh mất niềm tin hy vọng, rơi vào trạng thái buồn rầu, chán nản không muốn sống tiếp.
Sang chấn tâm lý:
- Quá thất vọng, đau khổ hay quá buồn rầu chán nản về một vấn đề nào đó mà không được giải toả
- Cảm thấy bế tắc, cuộc đời không có lối thoát.
- Bị bạo lực, bị lạm dụng
- Bị nghi ngờ, oan ức nhưng không giãi bày được
- Bị bỏ rơi, bị kỳ thị, phân biệt đối xử
- Sau khi mất người thân, sau khi ly hôn
2.2. Phương thức tự sát
Phương thức tự sát có thể mang tính chất bạo lực hoặc không bạo lực, tùy thuộc vào nguyên nhân, tính chất, mức độ chi tiết của kế hoạch tự sát và mức độ mãnh liệt của ý tưởng tự sát. Các phương thức thường gặp như:
- Tuyệt thực (nhịn ăn uống)
- Tự gây ngạt
- Tự làm mình chấn thương, làm mất máu
- Tự thiêu/ giật điện
- Uống thuốc độc
3. Cách phòng ngừa hành vi tự sát
Tự sát là một cấp cứu tâm thần, có thể phòng ngừa và điều trị được. Để ngăn chặn người tự sát cần có sự phối hợp giữa gia đình và xã hội. Các biện pháp có thể được thực hiện để phòng ngừa tự sát gồm có:
- Phát hiện và điều trị sớm các tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn sử dụng chất gây nghiện; đang có sang chấn tâm lý cấp tính.
- Nếu phát hiện người có ý nghĩ hay hành vi tự sát, cần đưa ngay tới bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị kịp thời
- Nếu tự sát do nguyên nhân bệnh tật, phải đảm bảo người bệnh được sử dụng thuốc đầy đủ, nhất là đối với bệnh lý cần điều trị thuốc duy trì.
- Tăng cường giáo dục và truyền thông về tự sát
- Chính sách quản lý để giảm thiểu lạm dụng chất gây nghiện.
- Đào tạo nhân viên y tế về đánh giá và ngăn chặn người tự sát.
- Kiểm soát tốt các phương tiện dùng để tự sát ví dụ: thuốc độc, thuốc trừ sâu, vũ khí.
- Chăm sóc theo dõi những người đã từng có hành vi tự sát và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
- Xây dựng nếp sống lành mạnh, tích cực, nhất là ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
- Theo dõi sát những người thuộc nhóm nguy cơ cao: mắc bệnh rối loạn tâm thần, trẻ em, người già, người nghiện rượu, nghiện ma tuý, nghiện cờ bạc, người đã từng có ý tưởng/ hành vi tự sát trước đây.
- Đặt biển báo, lập các đội cứu hộ, cứu nạn tại những nơi có nguy cơ cao về tự sát như các cây cầu lớn, các tòa nhà cao tầng, ...
4. Chăm sóc và cấp cứu người tự sát
Tuỳ theo phương thức tự sát và tình trạng của người bệnh mà có các biện pháp cấp cứu người tự sát thích hợp.
- Tuyệt thực (nhịn ăn uống): giải thích cho người bệnh hiểu về việc ăn uống, giải đáp những nghi ngờ về thức ăn. Trong trường hợp bệnh nhân không hợp tác, có thể sử dụng viên dinh dưỡng hoặc thực hiện nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
- Dùng thuốc độc như uống thuốc ngủ, thuốc trừ sâu, ngộ độc khí gas, khí CO: cần tách người bệnh khỏi yếu tố gây độc. Tiếp theo là kiểm tra tuần hoàn và hô hấp của người bệnh. Nếu xuất hiện tình trạng ngưng tim ngưng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức. Đồng thời, người cấp cứu nên gọi 115 để nhận sự hướng dẫn và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
- Tự làm bản thân bị thương như tự đâm, cắt cổ tay: kiểm tra tuần hoàn và hô hấp của người bệnh nếu xuất hiện tình trạng ngưng tim ngưng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức. Đè ấn, băng ép tạm thời để cầm máu vết thương và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
- Ngạt nước, điện giật dẫn đến ngưng tuần hoàn hô hấp cần phải tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức. Đồng thời, người cấp cứu nên gọi 115 để nhận sự hướng dẫn và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Tự sát tùy thuộc mức độ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý người bệnh. Vì thế, khi thấy người thân của mình có những dấu hiệu bất thường hoặc có hành vi tự sát, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế có chuyên khoa Tâm lý để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và điều trị khi cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.