Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là một rối loạn chảy máu do thiếu tiểu cầu trong máu. Tình trạng giảm tiểu cầu thường là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phá hủy nhầm các tiểu cầu. Trẻ bị giảm tiểu cầu sẽ dễ bị bầm tím và có thể gặp các vấn đề về chảy máu khác. Vì thế, nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu là phòng chống các biến cố gây chảy máu cho trẻ.
1. Bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là gì?
Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em thường có căn nguyên là do miễn dịch. Đây là một tình trạng rối loạn chảy máu xảy ra khi hệ thống miễn dịch của trẻ tấn công và phá hủy các tiểu cầu. Các nguyên nhân của giảm tiểu cầu miễn dịch chưa được biết rõ ràng, có thể có mối liên hệ với nhiễm virus gần đây, sử dụng một số loại thuốc, bị rối loạn miễn dịch (bao gồm lupus) hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng nặng.
Tiểu cầu là các tế bào máu lưu thông trong dòng tuần hoàn có vai trò giúp đông và cầm máu. Trẻ bị giảm tiểu cầu có thể xuất hiện chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. May mắn là xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em do miễn dịch sẽ tự thuyên giảm trong vài tuần đến vài tháng. Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc để điều trị hoặc bệnh tự khỏi.
Tuy nhiên, khi xuất huyết giảm tiểu cầu trẻ em kéo dài vài tháng đến vài năm, tình trạng này có thể trở thành một bệnh lý mãn tính.
2. Cách điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em như thế nào?
Lý do chính để điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là giảm các triệu chứng chảy máu và/ hoặc để cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ, giúp trẻ có đủ cơ hội lớn lên và phát triển như bạn bè cùng trang lứa.
Nguyên lý chung trong chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu là theo dõi công thức máu, khi số lượng tiểu cầu thấp hơn 10.000 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu tình trạng này xảy ra, liệu pháp tạm thời cần thực hiện là phải làm tăng số lượng tiểu cầu để giảm thiểu nguy cơ chảy máu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Các lựa chọn điều trị cho xuất huyết giảm tiểu cầu bao gồm:
- Quan sát bằng cách theo dõi thường xuyên số lượng tiểu cầu và theo dõi các triệu chứng chảy máu
- Ngừng các loại thuốc được cho là gây ra xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
- Điều trị nhiễm trùng.
Các phương pháp điều trị khác cũng có thể được xem xét, bao gồm sử dụng steroid (thường là prednisone), truyền globulin, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch hay Rituximab, thuốc giúp cơ thể tạo ra nhiều tiểu cầu hơn. Những loại thuốc này “đánh lừa” phản ứng của cơ thể để nó không tiếp tục phá hủy tiểu cầu hoặc giúp cơ thể tạo ra nhiều tiểu cầu hơn. Trong một số trường hợp kháng trị với thuốc, phẫu thuật cắt lách có thể được khuyến nghị.
Như vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu, cha mẹ cần biết rằng các loại thuốc được chỉ định là để ngăn hệ thống miễn dịch của chính cơ thể trẻ phá hủy các tiểu cầu. Thuốc cũng có thể được cung cấp nhằm mục tiêu giúp tăng lượng tiểu cầu và ngăn ngừa chảy máu.
Các dạng thuốc được sử dụng để điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể là dạng viên uống hoặc qua đường tiêm tĩnh mạch. Khi điều trị tại nhà, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn. Báo cho bác sĩ biết nếu trẻ bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào cũng như cung cấp cho bác sĩ các loại thuốc, vitamin và thảo mộc mà trẻ đang dùng.
Thời gian điều trị sẽ tùy vào bệnh nguyên gây ra và khả năng đáp ứng với thuốc. Số lượng tiểu cầu có thể tăng và giảm trong nhiều tháng. Nếu trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch, tình trạng này thường tự khỏi trong vòng 12 tháng. Một số ít bệnh nhi không khỏi bệnh trong khoảng thời gian này và có thể diễn tiến thành mãn tính.
3. Những lưu ý trong chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu
Khi chăm sóc trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:
- Chăm sóc làn da và niêm mạc của con thường xuyên. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh chảy máu nướu răng của trẻ. Cho trẻ dùng son dưỡng để môi không bị nứt nẻ. Sử dụng khăn mềm khi tắm. Bôi kem dưỡng da lên vùng da khô. Đừng cắt móng tay quá ngắn. Cho trẻ đi dép hoặc giày bít mũi để bảo vệ chân, nhất là các ngón chân.
- Không để trẻ làm các hoạt động có thể gây thương tích hay tham gia các môn thể thao tiếp xúc đối kháng như đấu vật, bóng đá.
- Không cho trẻ uống aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Những loại thuốc này có thể ngăn cản chức năng tiểu cầu và sẽ khiến trẻ dễ bị chảy máu hay bầm tím hơn.
- Chăm sóc các vết cắt, vết xước trên da hoặc chảy máu cam. Ngay khi phát hiện, dùng lực ấn mạnh, đều đặn lên vết cắt hoặc vết xước trên da. Dùng gạc hoặc khăn sạch che trên vết thương và nâng phần cơ thể lên cao hơn tim để hạn chế chảy máu. Nếu trẻ chảy máu mũi, hãy nắm chặt phần cánh mũi của trẻ cho đến khi máu ngừng chảy.
- Luôn mang theo biển cảnh báo y tế là trẻ bị giảm tiểu cầu trên người trẻ như vòng cổ hay vòng đeo tay, ghi trên áo để trẻ được can thiệp tốt nhất khi xảy ra biến cố chấn thương, chảy máu.
4. Trẻ bị giảm tiểu cầu có thể tham gia những môn thể thao nào?
Các hoạt động thể thao và ngoài trời có thể được chia thành ba nhóm như sau:
- Những môn thể thao an toàn cho bất kỳ ai, ngay cả khi bị bệnh dễ chảy máu: Đi bộ, bơi lội, quần vợt.
- Những môn thể thao có nguy cơ chảy máu trung bình: Bóng rổ, bóng đá, bóng chày.
- Những môn thể thao có khả năng gây nguy hiểm cho bất kỳ ai, ngay cả khi không mắc bệnh chảy máu: Leo núi, đua xe, trượt tuyết, đấu vật.
Trong thực tế, không có câu trả lời nào là an toàn tuyệt đối cho trẻ bị giảm tiểu cầu có thể tham gia những môn thể thao nào. Miễn là số lượng tiểu cầu của trẻ trên 75.000, việc chơi hầu hết các môn thể thao thường là an toàn, chỉ cần đảm bảo bảo vệ bản thân như bất kỳ vận động viên nào.
Tuy nhiên, khi số lượng tiểu cầu của trẻ giảm xuống dưới 75.000, tốt nhất là cha mẹ không nên cho trẻ chơi các môn leo trèo, bóng đá, đua xe mô hình, chơi tennis, vật lộn.
Nếu số lượng tiểu cầu của trẻ ít hơn 75.000 nhưng lớn hơn 30.000 đến 50.000, trẻ vẫn có thể tham gia các hoạt động thể thao nhẹ nhàng, không đối kháng nhưng cần được trang bị các thiết bị bảo hộ chu đáo, như đội mũ bảo hiểm, mặc quần áo bảo vệ khi chạy xe đạp, chèo thuyền, tập võ, nhảy dây hay nâng tạ.
Khi số lượng tiểu cầu giảm thấp hơn nữa, chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu chú trọng nhất là hạn chế cho trẻ hoạt động mạnh, bao gồm cả việc chạy nhảy, chơi đùa trong nhà hay với những đứa trẻ khác. Các hoạt động thể chất ngoài trời chỉ nên khu trú trong đi dạo, đi câu cá hay bơi lội.
Tóm lại, những việc cần làm để chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu đặt mục tiêu lớn nhất là ngăn ngừa các biến cố chảy máu, bằng cách hạn chế các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ cũng như theo dõi số lượng tiểu cầu thường xuyên. Trong khi hầu hết trường hợp trẻ bị giảm tiểu cầu sẽ mau chóng hồi phục, một số trẻ cần tích cực tìm nguyên nhân và điều trị, để trẻ vẫn có cơ hội phát triển toàn diện như bạn bè cùng trang lứa.
Nguồn tham khảo: drugs.com, rch.org.au, childrenshospital.org
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong