Chăm sóc sức khỏe xương trên bệnh nhân ung thư

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Xương đóng vai trò là một bộ khung giúp neo giữ các cơ, nâng đỡ và bảo vệ các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Đối với bệnh nhân ung thư, tác động của quá trình điều trị bệnh có thể ảnh hưởng tới xương khớp, do đó chăm sóc sức khỏe xương trên bệnh nhân ung thư là điều cần được quan tâm.

1. Vì sao bệnh nhân ung thư cần chăm sóc sức khỏe xương?

Càng lớn tuổi, mật độ xương của chúng ta sẽ càng giảm. Hoạt động của những tế bào tạo xương không tương xứng với tốc độ hủy xương và làm cho xương càng ngày càng mỏng và đầy những lỗ nhỏ li ti, có thể dẫn đến gãy xương và giới hạn vận động. Tình trạng này gọi là loãng xương - một tình trạng phổ biến nhất trong các bệnh lý về xương.

Estrogen là một hormone quan trọng giúp điều hòa mật độ xương. Hơn 80% những người loãng xương là phụ nữ sau mãn kinh, xảy ra do sự thiếu hụt nồng độ hormone này trong cơ thể. Mất xương có thể xảy ra ở cả nam giới lẫn phụ nữ nếu có tình trạng suy dinh dưỡng, bổ sung không đủ canxi và vitamin D cũng như ở những người bệnh nặng phải nằm tại chỗ một thời gian dài.

Bên cạnh đó, ung thư và điều trị ung thư cũng có thể gây ra mất xương. Những nguyên nhân gây mất xương liên quan đến ung thư bao gồm:

  • Những loại thuốc hóa trị (như methotrexate, ifosfamide,...) có thể gây giảm nồng độ canxi trong cơ thể hoặc các thuốc gây ra tình trạng mãn kinh sớm và thúc đẩy nhanh quá trình mất xương.
  • Liệu pháp hormone như thuốc ức chế tạo hormone sinh dục (goserelin) hay thuốc ức chế aromatase (anastrozole, exemestane, letrozole,....) gây ức chế estrogen cũng có thể đưa đến tình trạng mất xương.
  • Liệu pháp ức chế chức năng buồng trứng bằng cách sử dụng thuốc, xạ trị hay phẫu thuật buồng trứng cũng gây ra tình trạng mãn kinh; do đó, dẫn đến tình trạng mất xương.
  • Liệu pháp steroid liều cao hoặc sử dụng steroid kéo dài trên 3 tháng có thể gây ra mất xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích như imatinib, nilotinib và dasatinib có thể ảnh hưởng đến nồng độ canxi trong máu. Nếu nồng độ canxi máu giảm thấp trong thời gian dài sẽ có thể gây ra tình trạng mất xương.
  • Xạ trị vào vùng chậu (như trong ung thư phụ khoa, hậu môn, trực tràng,...), đặc biệt ở phụ nữ từ 65 tuổi trở lên có thể gây ra tình trạng mất xương và gây ra gãy xương. Tình trạng gãy xương này thường xảy ra trong vòng hai năm đầu sau xạ trị vùng chậu.
  • Ung thư xâm lấn hoặc di căn vào xương.

Ung thư và điều trị ung thư cũng có thể gây ra mất xương.
Ung thư và điều trị ung thư cũng có thể gây ra mất xương.

2. Cách chăm sóc sức khỏe xương trên bệnh nhân ung thư

Nếu bạn thấy mình đang có một trong những nguyên nhân nêu trên, hãy chú ý chăm sóc sức khỏe xương của mình. Sau đây là những cách giúp làm giảm nguy cơ mất xương và làm xương chắc khỏe hơn trong quá trình điều trị ung thư:

  • Phát hiện sớm:

Đo độ khoáng xương có thể giúp xác định tình trạng mất xương trước, trong và sau khi điều trị ung thư.

  • Giữ cân nặng khỏe mạnh:

Chế độ ăn cân bằng và đa dạng các chất dinh dưỡng là một yếu tố then chốt để giữ cho xương được khỏe mạnh. Người thiếu cân thường rất dễ bị mất xương cũng như gãy xương.

  • Cung cấp canxi đầy đủ:

Canxi là một chất khoáng giúp giữ xương chắc khỏe. Do đó, chúng ta cần phải bổ sung canxi bằng thức ăn và các thực phẩm bổ sung đầy đủ. Những loại thức ăn giàu canxi bao gồm sữa, phô mai, sữa chua, sữa đậu nành, bông cải xanh, nước cam ép,... Nên hạn chế cà phê, nước uống có ga như cola, thịt đỏ,... vì có thể làm giảm cân bằng canxi trong cơ thể.


Bổ sung canxi bằng những loại thức ăn giàu canxi nhưng sữa, phô mai, sữa chua, sữa đậu nành,...
Bổ sung canxi bằng những loại thức ăn giàu canxi nhưng sữa, phô mai, sữa chua, sữa đậu nành,...

Vitamin D giúp cơ thể hấp thu và giữ canxi trong cơ thể. Cơ thể có thể tổng hợp vitamin D ở da khi da được tiếp xúc đủ năng lượng từ mặt trời. Vitamin D cũng có thể được bổ sung bằng các loại sữa, gan động vật và trứng,...

Liệu pháp hormon thay thế có nhiều loại, áp dụng cho cả nam và nữ. Liệu pháp này có thể có hiệu quả trong việc cải thiện mất xương nhưng cũng hàm chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn các tác dụng phụ.

  • Tập thể dục:

Những hoạt động và bài tập thể dục như đi bộ, khiêu vũ, leo cầu thang và nhảy dây có thể thúc đẩy sản sinh ra các tế bào tạo xương cũng như giúp xây dựng các khối cơ giúp cơ thể vững chãi hơn. Bạn nên tập các bài tập giúp làm tăng nhịp tim trong 30 phút, 5 lần mỗi tuần. Bài tập kéo dài 30 phút này nên được chia thành 3 hiệp, mỗi hiệp 10 phút. Bên cạnh đó, bạn nên tập các bài tập giúp tăng sức mạnh của cơ bắp (như sử dụng tạ cầm tay, máy tập,...) mỗi tuần 2 lần và các bài tập giúp cải thiện thăng bằng và phối hợp (yoga, thái cực quyền,...) ít nhất 2 lần mỗi tuần. Khi tập thể dục, không nên tập quá nặng.


Tập yoga giúp cải thiện thăng bằng và phối hợp.
Tập yoga giúp cải thiện thăng bằng và phối hợp.
  • Tránh té ngã

Hãy cố gắng giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn dễ gây té ngã từ môi trường xung quanh bằng cách dọn dẹp những vật dụng dễ gây trượt ngã trên sàn nhà,...

  • Bisphosphonates

Đây là loại thuốc giúp làm giảm tốc độ mất xương và có thể thúc đẩy sự phát triển của xương bằng cách làm giảm hoạt động của hủy cốt bào (tế bào gây ra hủy xương). Bisphosphonate không thể giúp thay thế các tế bào xương đã mất nhưng có thể làm chậm tình trạng hủy xương và chăm sóc sức khỏe xương chắc khỏe hơn. Do đó, thuốc này được dùng để giảm nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân loãng xương, phòng ngừa mất xương do liệu pháp hormone và các phương pháp điều trị ung thư khác. Bên cạnh đó, bisphosphonates còn giúp phòng ngừa và điều trị các ung thư di căn xương.

  • Denosumab và raloxifene cũng có tác dụng giảm mất xương, và thường được sử dụng ở những phụ nữ không thể sử dụng bisphosphonates.

Trên đây là những kiến thức chăm sóc sức khỏe xương cho bệnh nhân ung thư để bảo vệ xương khớp luôn khỏe mạnh. Trường hợp người bệnh phát hiện các dấu hiệu bất thường ở xương, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe