Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tiền mãn kinh là khi cơ thể tạo ra ngày càng ít các hóc môn kiểm soát kinh nguyệt - Estrogen và Progesterone. Tiền mãn kinh được xem là giai đoạn chuyển tiếp trước mãn kinh, bắt đầu vài năm trước khi mãn kinh. Đó là thời điểm buồng trứng dần dần tạo ra ít Estrogen hơn. Do đó, chăm sóc sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh nên được quan tâm nhiều hơn, bởi phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong giai đoạn này.
1. Thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Tiền mãn kinh kéo dài cho đến khi mãn kinh, thời điểm mà buồng trứng ngừng rụng trứng một cách hoàn toàn. Trong 1 đến 2 năm cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, sự sụt giảm hóc môn Estrogen này sẽ gia tăng nhanh. Ở giai đoạn này, nhiều phụ nữ có biểu hiện các triệu chứng mãn kinh.
Trên thực tế, theo Cleveland Clinic, những thay đổi về nội tiết tố được nhìn thấy trước thời kỳ mãn kinh thực sự từ 8 đến 10 năm. Điều này xảy ra trong độ tuổi 30 hoặc 40 thậm chí trước khi bắt đầu tiền mãn kinh. Tiền mãn kinh được đánh dấu bằng sự sụt giảm Estrogen, hóc môn sinh dục nữ chính do buồng trứng sản xuất. Nồng độ Estrogen cũng có thể biến động nhiều trong một chu kỳ. Điều này có thể gây ra kinh nguyệt không đều và các triệu chứng khác.
Trong giai đoạn cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít Estrogen hơn. Mặc dù lượng Estrogen giảm mạnh nhưng vẫn có khả năng mang thai. Thời gian trung bình của thời kỳ tiền mãn kinh là 4 năm, nhưng đối với một số phụ nữ, giai đoạn này có thể chỉ kéo dài vài tháng hoặc tiếp tục trong 10 năm.
Thời kỳ mãn kinh chính thức bắt đầu khi buồng trứng sản xuất quá ít Estrogen đến mức trứng không thể phóng thích được, xảy ra sau khi giai đoạn tiền mãn kinh kết thúc. Bác sĩ sẽ chẩn đoán mãn kinh khi người phụ nữ không có kinh liên tục trong một năm. Bên cạnh tiền mãn kinh, chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh cũng đóng vai trò quan trọng và cần được quan tâm nhiều hơn.
Một số người phụ nữ có thể bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn bình thường nếu:
- Có tiền sử gia đình bị mãn kinh sớm
- Hút thuốc lá
- Đã cắt bỏ tử cung hoặc cắt buồng trứng
- Đã trải qua các đợt điều trị ung thư
2. Các dấu hiệu của giai đoạn tiền mãn kinh là gì?
2.1 Những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt
Kinh nguyệt không đều là phổ biến và bình thường trong thời kỳ tiền mãn kinh. Phụ nữ tiền mãn kinh sẽ đối diện với những chu kỳ kinh nguyệt bất thường, dài hoặc ngắn hơn. Bạn hãy đi khám bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân khác:
- Lượng máu kinh ra rất nhiều hoặc có cục máu đông.
- Kinh nguyệt của bạn kéo dài hơn bình thường vài ngày.
- Ra máu sau khi quan hệ.
- Các kỳ kinh xuất hiện gần nhau hơn.
Nguyên nhân gây chảy máu bất thường bao gồm các vấn đề về hóc môn, thuốc tránh thai, mang thai, u xơ tử cung, các vấn đề về đông máu hoặc hiếm khi là ung thư. Ví dụ rong kinh cũng là một biểu hiện của các bệnh lý phụ khoa khác như u xơ tử cung. Nếu khoảng cách giữa 2 chu kỳ lớn hơn 60 ngày, có thể thời kỳ tiền mãn kinh đã sắp kết thúc.
2.2 Cơn bốc hỏa
Người phụ nữ tiền mãn kinh có thể đột nhiên bị đỏ bừng mặt và đổ mồ hôi trong 5 đến 10 phút. Triệu chứng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống phụ nữ, khiến họ thường thức giấc vào giữa đêm trong trạng thái ướt đẫm mồ hôi. Ngoài ra, phụ nữ cũng nên hạn chế các tác nhân khởi phát như nhiệt độ cao, đồ uống nóng, đồ ăn cay. Thay đổi chế độ ăn, dinh dưỡng hằng ngày để bổ sung như một nguồn Estrogen tự nhiên.
2.3 Khô âm đạo
Bởi vì trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể trở nên ít hơn, biểu mô âm đạo của bạn có thể trở nên mỏng hơn và khô hơn. Điều này có thể gây ngứa, đau và đau khi quan hệ tình dục.
2.4 Các vấn đề về giấc ngủ
Những thay đổi trong nội tiết tố và đổ mồ hôi ban đêm có thể tàn phá chế độ sinh hoạt và việc nghỉ ngơi của người phụ nữ tiền mãn kinh. Mất ngủ, thức giấc giữa đêm là những vấn đề liên quan đến giấc ngủ thường thấy. Lên cho mình một lịch trình đều đặn và cho bản thân thời gian để đi vào giấc ngủ, có thể hữu ích. Nói chuyện với bác sĩ của bạn để có các lựa chọn các phương án điều trị nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
2.5 Thay đổi tính tình
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ các hóc môn sinh dục nữ giảm đột đột và gây ra nhiều hậu quả. Một trong số đó là sự thay đổi tính cách, dễ cáu kỉnh và nổi nóng hơn trong giai đoạn này. Vì vậy khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh, tâm lý là một vấn đề không nên bỏ qua.
2.6 Hay quên
Những thay đổi trong nội tiết tố của bạn, cùng với các triệu chứng khác của tiền mãn kinh (thay đổi tâm trạng và các vấn đề về giấc ngủ), có thể khiến phụ nữ tiền mãn kinh khó nhớ mọi thứ hơn và khó tập trung hơn. Tuy nhiên những biểu hiện này có thể dần biến mất khi bước qua thời kỳ mãn kinh thực sự.
2.7 Suy giảm mật độ xương
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể đang giảm xuống, và điều đó có nghĩa là cơ thể người phụ nữ có thể bị mất xương nhanh hơn. Bác sĩ có thể sử dụng một loại tia X đặc biệt để kiểm tra và phát hiện tình trạng này. Để giữ sức khỏe tốt có thể, hãy bổ sung nhiều canxi và vitamin D, đồng thời đi bộ hoặc nâng tạ 20 phút mỗi ngày. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để cải thiện chất lượng xương.
Một số những biểu hiện khác ở người phụ nữ tiền mãn kinh bao gồm:
- Căng ngực
- Hội chứng tiền kinh nguyệt tồi tệ hơn
- Ham muốn tình dục thấp hơn
- Mệt mỏi
- Rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi
- Tiểu gấp
3. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh như thế nào?
Phụ nữ tiền mãn kinh cần được quan tâm và chăm sóc sức khỏe cũng như các dịch vụ y tế nhiều hơn. Mục đích là để cải thiện các triệu chứng và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Liệu pháp hóc môn là một trong những cách thường được chỉ định cho những người phụ nữ tiền mãn kinh. Hóc môn sinh dục nữ được bổ sung vào cơ thể để thay thế khi chúng không còn được sản xuất.Lợi ích của liệu pháp hóc môn thay thế có thể làm dịu các triệu chứng và giúp ngăn ngừa loãng xương, gãy xương, giảm cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi, tăng độ ẩm âm đạo, ít thay đổi tâm trạng .
Rõ ràng, không có điều gì có thể ngăn cản được quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, phụ nữ tiền mãn kinh cũng có thể cảm thấy tốt hơn nếu tuân theo những điều giúp cải thiện sức khỏe chung của mình, chẳng hạn như:
- Tập thể dục
- Bỏ hút thuốc lá.
- Ngủ nhiều hơn và cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Uống ít rượu.
- Giảm cân và duy trì cân nặng ở mức độ khỏe mạnh.
- Bổ sung đủ canxi trong chế độ ăn uống .
- Uống đủ nước
- Giữ mối quan hệ và thường xuyên gặp gỡ bạn bè
Ngoài ra còn có 1 số phương pháp có thể kiểm soát tình trạng của phụ nữ tiền mãn kinh như dùng thuốc, tư vấn tâm lý.... Vì vậy bạn nên khám và tư vấn với bác sĩ để lựa chọn cách điều trị phù hợp nhất với tình trạng tiền mãn kinh .
Việc kiểm tra sức khỏe ở giai đoạn này được coi là chìa khóa giúp chị em tháo gỡ được các vấn đề thường gặp một cách tốt.