Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T sau quá trình điều trị bằng hóa trị, điều trị đích hoặc ghép tế bào gốc, người bệnh vẫn cần nhân viên y tế và người nhà hỗ trợ chăm sóc nhằm có thể nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Đối phó với mệt mỏi
Một số liệu pháp có thể giúp người bệnh đối phó với sự mệt mỏi do bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T (CLL) gây ra hoặc do tác dụng phụ của các biện pháp điều trị. Bác sĩ có thể điều trị mệt mỏi bằng cách kiểm soát các nguyên nhân cơ bản, nhưng thường thì chỉ dùng thuốc thì không đủ. Người bệnh có thể thực hiện các phương pháp hỗ trợ làm giảm bớt cảm giác mệt mỏi như:
- Tập thể dục
- Mát xa
- Thiền
- Kỹ thuật thư giãn
- Yoga.
2. Sử dụng trà xanh cho người mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T ở giai đoạn đầu
Hiện nay, các sản phẩm có chiết xuất trà xanh đang cho thấy một số hứa hẹn trong điều trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T, được thực hiện trong các thử nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu cho thấy, hợp chất có trong chiết xuất trà xanh, được gọi là EGCG có thể tiêu diệt các tế bào ung thư bạch cầu. Và những người mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T ở giai đoạn đầu, khi được sử dụng EGCG ở dạng thuốc đã làm giảm một số triệu chứng của bệnh. Nhưng các thử nghiệm về EGCG này chưa được kết luận chính thức và đòi hỏi cần có nhiều nghiên cứu hơn trước khi đưa biện pháp này vào điều trị chính thức.
3. Chế độ ăn uống đầy đủ
Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T có thể thay đổi cảm giác ăn uống, gây buồn nôn và các triệu chứng khác làm giảm sự thèm ăn của người bệnh. Điều quan trọng, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng để giữ sức khỏe và ngăn ngừa giảm cân. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bệnh nhân lên thực đơn gồm các loại thực phẩm lành mạnh khuyến khích bệnh nhân ăn nhiều hơn.
Người bệnh có thể cần tránh một vài loại thực phẩm, bao gồm cá và thịt chưa nấu chín, do vi khuẩn có hại trong thực phẩm tươi sống hoặc chưa nấu chín có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở những người bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T.
4. Tránh nhiễm trùng
Bệnh CLL làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng do làm tổn thương các tế bào bạch cầu, đây là các tế bào giúp cơ thể bạn chống lại vi trùng. Do đó, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Một trong những cách tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng là rửa tay thường xuyên với dung dịch rửa tay và nước ấm.
- Tiêm vắc-xin, bao gồm vắc-xin viêm phổi và tiêm phòng cúm. Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết các loại vắc-xin nào khác cần được sử dụng để hạn chế thấp nhất khả năng bị nhiễm trùng.
5. Theo dõi tái phát
Mục tiêu của chăm sóc theo dõi là phát hiện bệnh CLL bị tái phát. Do quá trình điều trị trước kia không thể tiêu diệt được hết các các tế bào ung thư bạch cầu nên người bệnh vẫn có khả năng tái phát sau này. Theo thời gian, các tế bào này có thể tăng số lượng cho đến khi chúng được phát hiện trên kết quả xét nghiệm hoặc gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng. Trong quá trình chăm sóc theo dõi, bác sĩ điều trị sẽ cung cấp cho bệnh nhân thông tin như dấu hiệu sớm của tái phát để người bệnh có thể theo dõi tại nhà. Khi đến tái khám, bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi cụ thể về sức khỏe, xét nghiệm máu hoặc chẩn đoán hình ảnh cũng có thể được thực hiện như một phần của các lần khám theo dõi định kỳ, nhưng các khuyến nghị xét nghiệm phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm loại CLL được chẩn đoán ban đầu và các phương pháp điều trị đã được thực hiện.
6. Theo dõi tác dụng phụ
Hầu hết người bệnh đã trải qua điều trị hóa trị, xạ trị trong bệnh CLL đều gặp phải tác dụng không mong muốn, gồm tác dụng phụ kéo dài và tác dụng phụ xuất hiện muộn. Tác dụng phụ kéo dài xuất hiện trong quá trình điều trị và kéo dài trong một thời gian sau khi kết thúc điều trị. Tác dụng phụ xuất hiện muộn chỉ xuất hiện sau khi kết thúc điều trị vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau. Do đó, trong lần khám định kỳ, người bệnh cần cho bác sĩ biết các tác dụng phụ mà đang gặp phải, để bác sĩ kiểm tra thể chất, chụp chiếu hoặc xét nghiệm máu để giúp người bệnh tìm ra nguyên nhân và theo dõi quản lý các tác dụng phụ này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.net, mayoclinic.org
XEM THÊM: