Chăm sóc miệng ở bệnh nhân ung thư

Những bệnh nhân đang điều trị ung thư thường có những thay đổi trong khoang miệng. Bài viết sẽ phân tích các tác dụng phụ có thể gặp phải ở miệng khi điều trị ung thư, kèm theo đó là các mẹo chăm sóc răng miệng giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tối đa những tác dụng phụ đó.

1. Điều trị ung thư bằng hóa trị ảnh hưởng thế nào đến răng miệng?

Hóa trị ảnh hưởng đến những tế bào phân chia nhanh, tế bào ung thư và một số tế bào bình thường, chẳng hạn như tế bào niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, tế bào tủy xương và tế bào lông thường phân chia rất nhanh.

Hóa trị không thể phân biệt được tế bào bình thường hay tế bào ác tính và đôi khi làm tổn thương cả hai. Hóa trị có thể gây ức chế tủy xương, từ đó làm giảm số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, từ đó cơ thể sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và chảy máu hơn.

Nếu đã có các bệnh lý nhiễm trùng ở miệng từ trước như sâu răng, viêm nướu (nha chu), tình trạng nhiễm trùng có thể trở nên nặng hơn. Ngoài ra, nướu có thể dễ chảy máu nếu bị sưng tấy. Hóa trị cũng có thể gây viêm niêm mạc miệng (lở miệng). Những vết loét này thường lành sau một đến hai tuần, tuy nhiên, các vết loét nghiêm trọng hơn dễ bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm men trong miệng. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc ngăn ngừa vết loét và giúp giảm bớt sự khó chịu cho bệnh nhân. Đá bào hoặc kem que không đường có thể dùng để ngậm trong khi đang hóa trị, giúp miệng trở nên dễ chịu hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể giúp giảm 60% các vết loét miệng.

Trắc nghiệm: Bí mật về chiếc miệng khỏe đẹp

Chăm sóc răng miệng cũng là một việc bạn cần quan tâm. Sức khỏe răng miệng có một mối liên quan mật thiết đối với sức khỏe. Bạn đã biết làm sao để giữ cho răng luôn chắc khỏe?

Sau đây là một số câu hỏi trắc nghiệm giúp bạn hiểu hơn những bí mật để có thể sở hữu răng miệng khỏe đẹp.

Bài dịch từ: webmd.com

2. Điều trị ung thư bằng xạ trị gây tác dụng phụ gì ở miệng?

Xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư ở vùng đầu và cổ. Cũng tương tự như hóa trị, xạ trị giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, tuy nhiên một số tế bào bình thường cũng có thể bị loại bỏ. Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân có thể bị viêm niêm mạc miệng và triệu chứng bệnh thường giảm trong vài tuần sau khi liệu pháp kết thúc.

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi điều trị ung thư bằng xạ trị là khô miệng (xerostomia). Khô miệng thường là kết quả của tổn thương bức xạ ở các tuyến nước bọt, đồng nghĩa với việc các tuyến nước bọt tiết ra ít hơn và nước bọt đặc hơn. Tác dụng bảo vệ của nước bọt đối với răng bị mất và có sự gia tăng vi khuẩn đường miệng gây sâu răng. Ngoài ra, răng xuất hiện các mảng bám nhiều hơn và xỉn màu diễn ra nhanh hơn, khiến bạn có nhiều nguy cơ bị sâu răng và các bệnh về nướu.

Một tác dụng phụ khác của việc xạ trị vùng đầu và cổ là nhiễm trùng xương nặng. Nguyên nhân là do giảm cung cấp máu cho xương đầu và các mô ở cổ trong quá trình xạ trị. Những thay đổi này làm cho vết thương chậm lành do nhiễm trùng, chấn thương, đặc biệt có những trường hợp răng bị loại bỏ ngay sau khi xạ trị. Phục hồi và chăm sóc răng miệng dự phòng là rất quan trọng để tránh nhiễm trùng. Do đó, để có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và sâu răng, điều quan trọng là phải đến gặp nha sĩ sớm điều trị và tiếp tục vệ sinh răng miệng hàng ngày.


Những bệnh nhân đang điều trị ung thư thường có những thay đổi trong khoang miệng.
Những bệnh nhân đang điều trị ung thư thường có những thay đổi trong khoang miệng.

3. Chăm sóc miệng trước khi điều trị bằng hóa trị liệu hoặc xạ trị vùng đầu và cổ

Cần gặp nha sĩ để có thể xác định các nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc kích ứng răng. Những răng bị nhiễm trùng nặng hoặc những răng có thể gây ra vấn đề trong hoặc sau khi điều trị nên được loại bỏ (nhổ). Nhổ răng nên thực hiện ít nhất một tuần trước khi bắt đầu hóa trị hoặc xạ trị để có đủ thời gian lành vết thương. Răng sâu cần được điều trị phục hồi bằng hàn răng cùng với đó nên làm sạch và loại bỏ cao răng.

Trong lần khám răng đầu tiên, các thủ tục có thể bao gồm:

  • Khám răng và chụp X-quang
  • Vệ sinh răng miệng
  • Phủ florua: Florua được sử dụng để giúp ngăn ngừa sự hình thành của sâu răng.
  • Hướng dẫn vệ sinh răng miệng bằng cách chải ba lần một ngày bằng bàn chải đánh răng mềm. Xỉa răng hàng ngày và bôi gel florua lên răng bằng khay tùy chỉnh hai lần mỗi ngày. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, ít đường

4. Vệ sinh răng miệng trong quá trình điều trị bằng hóa trị liệu hoặc xạ trị vùng đầu và cổ

Trong quá trình điều trị, điều quan trọng là phải tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch chăm sóc răng miệng. Nếu miệng bị đau, một số mẹo sau có thể giúp ích:

  • Sử dụng bàn chải đánh răng mềm hoặc miếng bọt biển chăm sóc răng dùng 1 lần để đánh răng.
  • Không nên xỉa răng bởi có thể gây chảy máu
  • Chỉ nên đeo răng giả trong bữa ăn.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc baking soda pha với nước.
  • Tránh các loại nước súc miệng thương mại vì thường chứa cồn có thể gây bỏng miệng.
  • Thuốc súc miệng kháng khuẩn hoặc thuốc ngậm kháng nấm cần dùng cách xa nhau ít nhất một giờ nếu trong đơn thuốc có cả 2 loại này.
  • Để tránh cảm giác khó chịu khi ăn, bác sĩ có thể kê Lidocain (một loại thuốc gây tê) sử dụng trước bữa ăn.
  • Thuốc giảm đau cũng có thể được chỉ định. Nếu uống nửa giờ trước bữa ăn, bệnh nhân có thể thoải mái hơn khi ăn. Điều quan trọng là tránh sử dụng các sản phẩm aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) khi đang hóa trị, vì có thể gây ra các vấn đề chảy máu.
  • Không hút thuốc lá, xì gà và tránh uống rượu.
  • Tránh thức ăn cay, khó nhai. Nước ép từ cam và cà chua có thể gây kích ứng miệng khi bệnh nhân bị viêm niêm mạc miệng.
  • Uống ít nhất tám cốc nước lọc hoặc nước trái cây mỗi ngày.
  • Tránh đồ uống có chứa cafein vì cafein có thể làm tăng chứng khô miệng.
  • Người bệnh có thể thử sử dụng nước bọt nhân tạo. Ngoài ra, nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo không đường cũng là giải pháp hữu ích giúp tiết nước bọt.

Phương pháp điều trị bằng florua rất quan trọng trong và sau khi xạ trị vùng đầu và cổ. Cần thực hiện phương pháp này hai lần mỗi ngày. Cách tiến hành như sau:

  • Đánh răng với kem đánh răng có chứa florua
  • Nhỏ khoảng 4 giọt gel florua vào chỗ trũng răng trong khay nhựa (dụng cụ chuyên biệt) và dùng tăm bông phết lên.
  • Đặt khay vào miệng và ngậm trong 5 phút. Cố gắng không nuốt florua. Lấy khay ra và không súc miệng hoặc uống bất kỳ thức ăn hay đồ uống nào trong một giờ.
  • Rửa sạch khay. Lặp lại thói quen này hai lần một ngày.

Trong quá trình điều trị ung thư cần chăm sóc răng miệng thật kỹ
Trong quá trình điều trị ung thư cần chăm sóc răng miệng thật kỹ

5. Sau khi hóa trị hoặc xạ trị vùng đầu và cổ cần chăm sóc miệng thế nào?

Khi liệu pháp kết thúc, bệnh nhân cần tiếp tục chăm sóc răng miệng tốt để giữ cho răng và nướu khỏe mạnh. Các tuyến nước bọt sẽ tiết ra ít nước bọt hơn và người bệnh vẫn có nguy cơ bị sâu răng và các bệnh về nướu. Lúc này bệnh nhân cần:

  • Thăm khám nha khoa để lấy cao răng răng và làm sạch ít nhất ba lần một năm.
  • Tiếp tục điều trị bằng phương pháp fluor hai lần một ngày.
  • Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, ít đường.
  • Có thể phải nhổ răng nếu cần thiết.

Tình trạng khô miệng có thể vẫn tiếp tục sau khi điều trị. Lượng nước bọt sẽ dần dần tăng lên, nhưng có thể không trở lại bình thường như trước. Để bổ sung độ ẩm cho miệng, người bệnh nên:

  • Mang theo chai nước làm ướt miệng khi cần thiết.
  • Hạn chế tối đa cafein.
  • Tránh rượu và các sản phẩm thuốc lá.
  • Làm ẩm thực phẩm bằng nước thịt hoặc nước sốt.
  • Ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường.
  • Sử dụng máy phun sương làm mát.
  • Có thể dùng răng giả hoặc làm lại khoảng sáu tháng sau khi điều trị.

Thay đổi vị giác trong sáu tháng đầu tiên sau khi xạ trị là khá phổ biến. Bệnh nhân có thể thấy giảm vị giác và thay đổi cảm giác vị giác, những thay đổi này thường làm giảm cảm giác thèm ăn. Do đó nên:

  • Thử nhiều loại thức ăn khác nhau, nếu không vừa miệng, có thể thử lại vào lúc khác.
  • Thêm nhiều loại thảo mộc và gia vị nhẹ.
  • Tránh thêm muối nếu bị huyết áp cao.
  • Thêm thực phẩm bổ sung dạng lỏng để tăng lượng calo cho đến khi cảm giác thèm ăn trở lại.
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên cho đến khi cân nặng ổn định.

Thực tế những phương pháp điều trị ung thư luôn làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng người bệnh, từ đó gây khó khăn trong vấn đề ăn uống, nói chuyện. Lúc này người bệnh nên nhờ tới sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên môn để có được những kiểm soát tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Dana-farber.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe