Chăm sóc da: Những gì bạn không bao giờ nên bôi lên mặt?

Chăm sóc da mặt là một trong những việc làm hằng ngày không thể thiếu của chị em phụ nữ. Một liệu trình chăm sóc da mặt đúng cách và chọn loại mỹ phẩm dành cho da mặt phù hợp sẽ giúp làn da chắc khỏe, mịn màng, tươi sáng, tránh kích ứng. Vậy không được bôi gì lên da?

1. Hydrogen peroxide

Hydrogen peroxide là một chất oxy hoá dạng lỏng rất phổ biến. Nó có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn sống trên da mặt. Tuy nhiên hydrogen peroxide có thể làm hỏng các tế bào da, bao gồm cả các nguyên bào sợi giúp tạo mô mới và chữa lành vết thương. Vì vậy, không nên để dung dịch hydrogen peroxide dính vào da mặt, không dùng để làm sạch vết cắt và vết xước. Thực tế, Hydrogen peroxide có thể gây kích ứng làn da mỏng manh của bạn, vì vậy nếu không may dính lên mặt thì bạn hãy rửa sạch bằng nước và sữa rửa mặt.

2. Sữa mẹ

Sữa mẹ từ lâu đã được biết đến với những lợi ích sức khỏe cho trẻ sơ sinh. Hiện nay, một số spa đang cung cấp dịch vụ chăm sóc da mặt bằng sữa mẹ để làm dịu mụn và làm dịu da. Thực tế, sữa mẹ sẽ không làm hại đến da mặt, tuy nhiên chưa có nghiên cứu hay chứng minh sữa mẹ có thể được sử dụng trong quy trình chăm sóc da. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên sử dụng kem hoặc các sản phẩm khác có chứa axit lauric thay thế hợp chất béo có trong sữa mẹ.

3. Cây phỉ

Cây phỉ là một trong những loại cây được sử dụng trong các phương thuốc tự nhiên phổ biến để điều trị mụn trứng cá, se khít lỗ chân lông và chống nhờn. Cây phỉ hoạt động như một chất làm se, một loại chất hóa học khiến mô da của bạn co lại. Các loại toner có chứa các thành phần của cây phỉ để loại bỏ tất cả các loại dầu tự nhiên trên da của bạn.

Điều này có thể dẫn đến kích ứng, khô da và thậm chí là phản ứng dị ứng. Vì vậy, không nên sử dụng cây phỉ để bôi lên da mặt, khi lựa chọn các loại toner cũng nên cân nhắc với các thành phần chứa cây phỉ sao cho phù hợp với làn da của bạn.


Các loại mỹ phẩm chứa thành phần cây phỉ có thể khiến bạn bị kích ứng, khô da
Các loại mỹ phẩm chứa thành phần cây phỉ có thể khiến bạn bị kích ứng, khô da

4. Kem hydrocortisone

Kem hydrocortisone là một loại dầu dưỡng dành cho da đỏ, ngứa, sưng tấy. Vì vậy, bạn có thể sẽ sử dụng để bôi lên nếu bạn bị bệnh rosacea hoặc các tình trạng tương tự. Tuy nhiên, loại kem steroid có tác dụng phụ làm mỏng da, do đó các mạch máu trên mặt bạn dễ bị vỡ hơn. Bên cạnh đó, nó cũng có thể buộc các tuyến dầu của bạn hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng mụn trứng cá do steroid. Bạn có thể thoa một lượng nhỏ lên vết cắn và phát ban ngứa trong một hoặc hai ngày, nhưng không nên lạm dụng vào quy trình chăm sóc da nếu không có chỉ định của bác sĩ.

5. Chất khử mùi

Mồ hôi trên lông mày, má, trán thường xuất hiện rất nhiều khi hoạt động mạnh và có thể gây ra mùi trên cơ thể. Nhiều người thường sử dụng chất khử mùi ngay cả trên khuôn mặt để loại bỏ mùi hôi. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới tắc nghẽn lỗ chân lông và khiến da nổi mụn. Da trên khuôn mặt cũng nhạy cảm và bạn có thể bị dị ứng với chất khử mùi. Thay vào đó, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để có thể kiềm chế tuyến mồ hôi bằng thuốc theo toa hoặc Botox.

6. Mật ong

Mật ong là một bài thuốc đã được sử dụng để điều trị vết thương từ thời cổ đại. Ngày nay, một số người thường sử dụng mật ong thoa lên da để loại bỏ mụn trứng cá. Bởi vì, mật ong có tác dụng giúp ngăn chặn vi khuẩn và giảm viêm, nhưng không đem lại hiệu quả cao. Một nghiên cứu cho thấy mật ong không có tác dụng tốt hơn xà phòng diệt khuẩn. Nếu không áp dụng đúng cách, mật ong tạo ra môi trường ngọt thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và phản tác dụng. Vì vậy, nếu như bạn vẫn muốn thử, hãy tìm mật ong manuka có xếp hạng tối thiểu là 10 UMF để đảm bảo nó có đủ sức mạnh chống lại vi khuẩn.

7. Thuốc nhuộm tóc

Nếu bạn nhuộm màu tóc, bạn có thể muốn lông mày của mình phù hợp. Thuốc nhuộm tóc tại nhà có nhiều peroxide nên có thể khiến cho thuốc dính vào da mặt trong quá trình thao tác. Bạn có thể bị bỏng vùng da xung quanh hoặc thậm chí bị thương ở mắt. Thay vào đó, hãy tìm mua gel bôi chân mày màu ở hiệu thuốc của bạn, hoặc phủ một lớp mascara nhẹ hay bột phấn mắt lên lông mày.


Hãy cân nhắc nếu bạn muốn nhuộm lông mày bằng thuốc nhuộm tóc
Hãy cân nhắc nếu bạn muốn nhuộm lông mày bằng thuốc nhuộm tóc

8. Nước tiểu

Những người sùng đạo tin rằng nước tiểu của họ là bí quyết để có được làn da mịn màng, săn chắc và không tắc nghẽn. Điều này là hoàn toàn sai bởi vì nước tiểu được tạo thành chủ yếu là nước và một hợp chất gọi là urê. Hơn nữa, tính vệ sinh của nước tiểu cũng không được đảm bảo.

Nhiều loại kem và lọ thuốc có chứa một dạng urê được sản xuất trong phòng thí nghiệm, nó liên kết với độ ẩm trong không khí và hút ẩm trên da dẫn tới khô da. Vì vậy, tuyệt đối bạn không được mê tín và đọc những nguồn thông tin không chính thống trên internet về việc sử dụng nước tiểu để chăm sóc da.

9. Xịt dưỡng tóc

Xịt dưỡng tóc được sử dụng nhiều trong trang điểm, tạo kiểu tóc. Trong quá trình sử dụng có thể dính lên da mặt. Các thành phần tương tự làm dính tóc cũng có thể làm khô da của bạn hoặc gây ra phản ứng dị ứng. Vì vậy, trong quá trình sử dụng bạn nên cẩn thận để tránh dính vào da mặt.

10. Nước chanh

Nước chanh có chứa nhiều vitamin C, có thể làm sáng da và làm mờ nếp nhăn. Nhưng nước chanh có tính axit và có thể gây kích ứng da mặt. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị phát ban do viêm da phytophotodermatitis. Một phản ứng trên da sẽ xảy ra nếu bạn để các chất có chứa trong một số loại cây và trái cây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hoặc tia cực tím khác. Phát ban này sẽ tự biến mất nhưng có thể gây khó chịu cho da. Vì vậy, không nên sử dụng nước chanh để bôi trực tiếp lên mặt.

11. Dầu dừa

Nếu bạn tin vào những lời quảng cáo dầu dừa là thần dược cho làn da đẹp thì hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, dầu dừa rất giàu axit lauric, chất đã được chứng minh là có khả năng chống mụn nhọt. Tuy nhiên dầu dừa có chứa khoảng 90% chất béo bão hòa, có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông nếu sử dụng dầu dừa cho da mặt.

Một nghiên cứu cho thấy, dầu dừa có thể làm giảm khô da hoặc chàm nghiêm trọng. Tuy nhiên, không nên sử dụng dầu dừa cho da mặt để tránh tắc nghẽn lỗ chân lông và mụn.


Bôi dầu dừa lên mặt có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông
Bôi dầu dừa lên mặt có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông

12. Nước quá nóng

Rửa mặt theo quy tắc Goldilocks đó là không quá nóng, không quá lạnh mà phải sử dụng vừa phải. Thực tế, nước ở nhiệt độ cao làm mất độ ẩm trên da của bạn. Khi điều đó xảy ra, các tuyến dầu trên da cố gắng thay thế nó bằng cách tiết ra nhiều dầu hơn. Cuối cùng dẫn tới da sẽ có nhiều dầu, nhờn và nổi mụn. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc da cần lưu ý không dùng nước quá nóng.

13. Kem dưỡng da cho cơ thể (body)

Nếu bạn dùng hết kem dưỡng ẩm cho da mặt, bạn có thể muốn thay thế nó bằng kem dưỡng da body. Hầu hết các loại kem dưỡng da dành cho cơ thể đều đặc hơn nên có nhiều khả năng làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Bên cạnh đó, chúng cũng có thể có mùi thơm hoặc các thành phần khác gây phản ứng dị ứng trên vùng da mỏng hơn như trên khuôn mặt. Vì thế, bạn nên kiểm tra thông tin, hướng dẫn sử dụng trước khi dùng trên da mặt để đảm bảo an toàn, tránh kích ứng.

14. Keo dán

Hiện nay, trên mạng xã hội đang có thông tin biến keo trường thành mặt nạ để trị mụn đầu đen. Cụ thể, người ta rải một keo dán trắng xung quanh những vùng da có vấn đề, để khô rồi bóc ra. Tuy nhiên, đây là một thông tin hoàn toàn sai lệch và keo dán sẽ không thể làm sạch được lỗ chân lông. Hơn nữa, sử dụng keo dán có thể khiến da bạn bị kích ứng hoặc các mạch máu bị vỡ. Nguy hiểm hơn, bạn có thể vô tình làm mất đi lớp phủ pH trên bề mặt của da.

15. Làm móng

Một số người có thể sử dụng sơn móng tay để thay thế cho sơn mặt tại Halloween hoặc cho các bữa tiệc hóa trang. Tuy nhiên, bạn không nên dùng sơn móng tay trên da mặt. Bởi vì, hầu hết sơn móng tay đều chứa các thành phần như acetate và formaldehyde có thể gây kích ứng da. Để làm sạch, bạn sẽ cần dùng nước tẩy sơn móng tay loại có hóa chất như axeton, điều này có thể làm mỏng da mặt và gây kích ứng cho da. Vì vậy, không nên dùng sơn móng tay để thay thế cho phấn hóa trang bôi lên mặt.

Tóm lại, chăm sóc da mặt là một việc không hề dễ dàng. Để sở hữu một làn da chắc khỏe bạn không chỉ thực hiện đúng quy trình, lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp, mà còn phải tránh những chất hoá học làm hại cho da mặt như hydrogen peroxide, nước chanh, dầu dừa,... Vì vậy, nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về cách chăm sóc da hay mỹ phẩm dành cho da mặt, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được giải đáp, tư vấn chuyên sâu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe