Chăm sóc các vấn đề khó khăn thường gặp ở trẻ bại não

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Mỗi trẻ bại não sẽ có những vấn đề khó khăn với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, tình trạng vận động, nhận thức khác nhau, tuy nhiên đích đến cần đạt được là giúp trẻ tiến bộ và phát huy tốt nhất khả năng cá nhân trong các hoạt động sống hàng ngày.

1. Cho trẻ bại não ăn, uống

Vấn đề ăn uống có thể rất phức tạp đối với trẻ em bị bại não. Các trẻ bại não thường gầy, suy dinh dưỡng do ăn uống kém, trẻ hay bị ốm, trẻ gồng cứng cả ngày làm tiêu hao nhiều năng lượng nên càng làm cho trẻ suy dinh dưỡng nặng hơn. Ứớc tính 35% trẻ em bị bại não bị suy dinh dưỡng.

Ăn uống của trẻ luôn gặp khó khăn và không theo kịp được các mốc phát triển cảm giác - vận động miệng so với trẻ bình thường. Khiếm khuyết ăn uống ở trẻ bại não là một khiếm khuyết hỗn hợp được xếp vào nhóm rối loạn nuốt có nguồn gốc thần kinh. Do vậy, việc chăm sóc cho trẻ bại não ăn uống là vấn đề rất cần thiết và quan trọng. Trẻ bại não cần ăn gì, ăn như thế nào để tăng cân, không sặc, không bị táo bón...là câu hỏi rất nhiều cha mẹ đến khám bệnh và tư vấn bác sĩ.


Việc chăm sóc cho trẻ bại não ăn uống là vấn đề rất cần thiết và quan trọng
Việc chăm sóc cho trẻ bại não ăn uống là vấn đề rất cần thiết và quan trọng

Cho trẻ ăn uống đủ chất, thành phần dinh dưỡng cân đối

  • Protein: Thịt, cá, trứng, sữa...
  • Glucid: Gạo, ngũ cốc,khoai...
  • Lipid: Mỡ, dầu ăn
  • Vitamin, khoáng chất và chất xơ: Cân đối thành phần rau xanh, hoa quả...

Cho trẻ bại não ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ăn đa dạng món ăn. Với các trẻ từ độ tuổi ăn dặm, ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung thêm cháo hoặc sữa, nếu trẻ kém ăn, cần chia nhỏ ra làm nhiều bữa, ăn nhiều lần trong ngày

Với những trẻ co cứng cơ nhiều, cử động miệng, lưỡi khó khăn cần tập luyện cho trẻ để tăng cường cơ miệng và sử dụng lưỡi hiệu quả hơn, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn, giảm nguy cơ sặc. Nếu việc tập luyện nhóm cơ nhai nuốt không thành công, trẻ ăn kém, hay nôn trớ thì việc phẫu thuật đặt ống nuôi dưỡng dạ dày để cho trẻ ăn là giải pháp cần tính đến để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Tư thế bế ẵm, cho ăn cũng rất quan trọng, để tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng nuốt thức ăn, tránh sặc, nôn trớ. Bế và nâng đỡ đầu trẻ cho hơi cúi, giúp mềm các nhóm cơ dựng sống, nhóm cơ cổ, khi đút thức ăn cho trẻ nên đưa thức ăn từ dưới lên, tránh kích thích trẻ nhìn ngược.

Các tư thế tạo thuận cho ăn uống:

  • Tư thế ngồi vớ đầu và lưng thẳng, hai tay hướng về đường giữa, bảo đảm sự thư giãn, thoải mái và tạo thuận cho hoạt động ăn uống.
  • Giữ đầu và tay trẻ gập đưa về trước. Luôn luôn giữ thức ăn và thức uống từ phía dưới lên và từ phía trước tới.
  • Đặt trẻ ngồi hơi ngả sau để giữ thẳng bằng, đầu và lưng thẳng (tư thể cho trẻ ngồi trên đùi đối diện mẹ)
  • Khi trẻ thăng bằng tốt hơn hãy đặt trẻ ngồi thẳng, hông gập và dang qua đùi của mẹ (Mẹ và trẻ ngồi đối diện)

2. Tắm cho trẻ bại não


Tắm cho trẻ bại não là khoảng thời gian được sử dụng như một hình thức trị liệu cho trẻ bại não
Tắm cho trẻ bại não là khoảng thời gian được sử dụng như một hình thức trị liệu cho trẻ bại não

Tắm cho trẻ bại não thường có thể là một thời gian căng thẳng đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian được sử dụng như một hình thức trị liệu cho trẻ bại não. Cùng với việc tắm, kỳ cọ cho trẻ, bạn có thể giúp trẻ thực hành lời nói cũng như một loạt các bài tập chuyển động, vận động, giúp bạn dễ dàng đạt được nhiều mục tiêu hàng ngày cùng một lúc.

Bạn có thể tham khảo tư vấn chuyên môn với bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viện hoạt động trị liệu/phục hồi chức năng cách tốt nhất để tắm cho con, đưa ra các đặc điểm cụ thể của con bạn và cách tốt nhất để điều động mọi thứ để bạn không làm hại chính mình. Điều quan trọng là con bạn cảm thấy an toàn khi tắm và bản thân trẻ cũng cảm thấy vui vẻ, thoải mái.

  • Lồng ghép việc tắm và tập luyện phục hồi chức năng như là phương pháp thủy trị liệu cho trẻ bại não. Điều này giúp trẻ phát triển cảm giác, thăng bằng, việc tập luyện trong môi trường nước cũng giúp trẻ thư giãn, làm giảm co cứng cơ, giúp trẻ vận động dễ dàng hơn và từ đó có những tiến bộ về vận động.
  • Hãy tìm kiếm một chiếc ghế tắm phù hợp với trẻ, hệ thống phao hỗ trợ cho phép bé thư giãn khi tắm.
  • Khi con lớn, nặng hơn thì bạn hãy bố trí 1 bồn hay bể tắm đủ rộng, có lối lên, xuống bể thuận lợi để giúp con vào hoặc ra khỏi bồn tắm.
  • Đối với trẻ lớn hơn, việc tắm ở tư thế ngồi hoặc quỳ sẽ thuận lợi hơn.
  • Thiết kế sàn nhà tắm có độ nhám phù hợp, tránh trơn trượt khi có nước giúp an toàn khi di chuyển trên sàn để con ít bị ngã hơn.

3. Cho trẻ bại não đi vệ sinh

Việc đi vệ sinh ở trẻ bại não cũng là vấn đề khó khăn. Trẻ bại não thường hay bị táo bón, số lần đi ngoài thường 3 lần/tuần, không tự đi được mà cần phải có sự hỗ trợ của người lớn: Xoa bóp bụng, kích thích hậu môn, dùng thuốc thụt, dùng tay hỗ trợ lấy phân khỏi hậu môn của trẻ.

Các cơ bị gồng cứng thường khiến việc đi vệ sinh của trẻ không thể như bình thường: Trẻ khó khăn khi rặn, khi phối hợp các cơ trong việc tống phân ra khỏi hậu môn. Chính tình trạng táo bón cũng làm cho trẻ khó chịu, kích thích và góp phần làm tăng trương lực cơ ở trẻ

Nhiều trẻ bị bại não có cơ bụng co cứng, trương lực cơ kém hoặc khó kiểm soát cơ thể. Điều này làm cho việc hướng dẫn trẻ đi vệ sinh là một thách thức khó khăn. Cha mẹ nên bố trí khẩu phần ăn phù hợp , nhuận tràng và giảm nguy cơ táo bón bằng cách ăn nhiều trái cây và rau quả và có lượng chất xơ đáng kể, bổ sung đủ nước. Ngoài ra, bạn hãy cố gắng tạo cho trẻ thói quen đi ngoài đều hàng ngày vào 1 giờ nhất định trong ngày.

Nếu các biện pháp trên không giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón, hãy hỏi bác sĩ về việc thử dầu khoáng, chất làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng. Với trẻ không đi ngoài trong 2 ngày liên tiếp, cần chủ động lấy phân ra khỏi hậu môn của trẻ, có thể chủ động kích thích hậu môn với 1 thỏi xà phòng kích thước phù hợp được làm trơn bằng nước, thụt bằng mật ong pha loãng vào hậu môn trẻ ở tư thế nằm sấp, đầu thấp. Có thể hỗ trợ lấy phân ra bằng ngón tay của bố, mẹ có đi găng...

Cố gắng đặt con bạn trên một chiếc ghế bô nửa giờ sau bữa ăn, động viên, thưởng cho trẻ khi bé có thể đi vệ sinh thành công.

4. Chăm sóc đường hô hấp

Trẻ bại não thường tăng tiết đờm dãi nhiều, kèm theo khả năng nuốt kém nên hay ứ đọng đờm, dãi ở hầu họng. Ngoài ra, do khả năng phối hợp các cơ vùng miệng, vùng hầu, họng kém nên trẻ ăn uống khó khăn, ăn hay sặc. Do vậy trẻ bại não rất dễ viêm đường hô hấp trên ( viêm mũi, họng...), đường hô hấp dưới (viêm phế quản, phổi...). Nếu bị nặng, trẻ rất dễ bị suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.Cha mẹ, người chăm sóc bé có thể làm giảm bớt các nguy cơ và tình trạng viêm nhiễm trên với các hướng dẫn sau

  • Khi cho trẻ ăn, uống cẩn thận để tránh sặc; không cho trẻ ăn, uống khi bé đang khóc, đang gồng cứng nhiều.

Khi cho trẻ ăn, uống cần cẩn thận để tránh sặc, không cho trẻ ăn, uống khi bé đang khóc, đang gồng cứng nhiều
Khi cho trẻ ăn, uống cần cẩn thận để tránh sặc, không cho trẻ ăn, uống khi bé đang khóc, đang gồng cứng nhiều

  • Nếu trẻ khó khăn ăn uống bằng đường miệng, có thể xem xét đặt sonde dạ dày
  • Khi trẻ có ứ đọng đờm dãi, cần đặt trẻ ở tư thế tốt, vỗ rung, dẫn lưu đờm, dãi.
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Cho trẻ ra ngoài, thay đổi môi trường, tránh ở lâu trong nhà
  • Giữ ấm cho trẻ trong mùa đông, thoáng mát trong mùa hè, vì trẻ bại não thường gồng cứng, hay ra mồ hôi nhiều, trẻ dễ nhiễm lạnh, dẫn đến viêm phế quản, phổi.

5. Chăm sóc trẻ bại não động kinh

Cơn động kinh có thể gây nên

  • Trẻ ngã, chấn thương, tai nạn (với các trẻ bại não đã đứng và đi được)
  • Có thể cắn phải lưỡi, đái, ỉa ra quần
  • Có thể nghẹn, sặc, ngạt thở
  • Làm cho bố mẹ, gia đình hốt hoảng, sợ hãi
  • Trạng thái động kinh có thể dẫn tới hôn mê và tử vong.

Trước cơn: Rất khó lường trước, cần chú ý chăm sóc theo dõi sức khoẻ tốt cho trẻ ở nhà, ở nhà trẻ, ở lớp, ở trường.

Trong cơn

  • Cha mẹ hãy giữ tâm lý bình tĩnh
  • Nới lỏng quần áo, tã lót
  • Thực hiện 5 không: Không nhét vật gì vào mồm trẻ; Không cho ăn, uống; Không cho uống thuốc; Không đè ghì; Không cho tiếp xúc các đồ vật trên da, trên người của trẻ

Có thể chườm đá, chườm khăn ấm vào trán, nách, bẹn, bàn tay, bàn chân khi trẻ có sốt...

Sau cơn

  • Lau đờm rãi, rửa chỗ xây xước, thay quần áo tã lót.
  • Đưa trẻ đi khám bệnh viện: Trẻ cần được làm điện não để đánh giá, có sổ khám và theo dõi định kỳ

Cho trẻ uống thuốc

Trẻ động kinh phải uống thuốc theo đơn chuyên khoa, theo các nguyên tắc sau

  • Uống theo đúng chỉ dẫn (đơn thuốc, sổ khám chữa bệnh chuyên khoa ...)
  • Uống thường xuyên liên tục, chỉ được ngừng thuốc theo y lệnh, ngừng đột ngột sẽ làm bệnh nặng lên.
  • Uống thuốc đúng liều, đúng giờ.
  • Xác định phải uống thuốc lâu dài (nhiều tháng, nhiều năm)
  • Phải ghi sổ theo dõi cơn, tốt nhất là sổ lịch, ghi rõ số cơn, loại cơn, ngày giờ lên cơn...
  • Định kỳ khám chuyên khoa theo hướng dẫn của bác sĩ.

6. Giấc ngủ cho trẻ bại não

Trẻ bại não thường ngủ kém do tổn thương não kích thích hệ thống thần kinh trung ương, cần tạo môi trường yên tĩnh và thoải mái để giúp trẻ ngủ dễ dàng hơn.

Việc tập luyện phục hồi chức năng, vận động hàng ngày cũng giúp trẻ có giấc ngủ tốt hơn, sâu hơn vào buổi tối. Cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen ngủ và thức có giờ giấc, tạo phản xạ tốt cho trẻ.

Với những trẻ khó ngủ, kích thích nhiều, cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa để kê đơn thuốc giúp trẻ ngủ tốt hơn. Tránh tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ làm trẻ kích thích, gồng nhiều hơn, sút cân, dễ ốm hơn, dễ khởi phát cơn động kinh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe