Ống dẫn lưu là một dụng cụ phổ biến được sử dụng trong y tế. Ống dẫn lưu có thể chỉ là một ống đơn thuần hoặc một hệ thống các ống nối thông với một khoang hoặc một vùng nào đó bên trong cơ thể, để đưa dịch ra ngoài cơ thể hoặc từ bộ phận này qua bộ phận khác của cơ thể. Từ đó, việc chăm sóc các dẫn lưu trong phẫu thuật tiêu hóa thật tốt cho người bệnh góp phần vào sự thành công của cuộc phẫu thuật, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật.
1. Đại cương về các dẫn lưu trong phẫu thuật tiêu hóa
Có rất nhiều loại sonde dẫn lưu được sử dụng sau phẫu thuật các bệnh lý hệ tiêu hóa, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mục đích của phẫu thuật viên mà sử dụng các loại dẫn lưu khác nhau:
- Sonde dẫn lưu ổ bụng: Dẫn lưu dịch ứ đọng, theo dõi chảy máu sau phẫu thuật...
- Sonde dẫn lưu Kehr: Dẫn lưu đường mật sau phẫu thuật lấy sỏi mật.
- Sonde dẫn lưu niệu đạo - bàng quang: Dẫn lưu nước tiểu khi người bệnh có nguy cơ bí tiểu hoặc bí tiểu sau phẫu thuật.
- Sonde dạ dày: Hút dịch dạ dày, nuôi dưỡng qua sonde dạ dày khi người bệnh không ăn được qua đường miệng.
1.1. Nhận định tình trạng các sonde dẫn lưu
- Nhận định loại dẫn lưu, vị trí đặt dẫn lưu.
- Nhận định mục đích của từng loại dẫn lưu.
- Nhận định màu sắc, số lượng dịch qua dẫn lưu.
- Nhận định hệ thống dẫn lưu có hoạt động không?
1.2. Chẩn đoán điều dưỡng thường gặp đến sonde dẫn lưu
- Đau bụng liên quan ống dẫn lưu
- Nhiễm khuẩn chân sonde dẫn lưu liên quan đến chăm sóc sonde dẫn lưu không đảm bảo vô khuẩn.
- Chảy máu chân dẫn lưu liên quan đến cầm máu không tốt.
- Tắc sonde dẫn lưu liên quan đến cục máu đông, gập dẫn lưu.
1.3. Can thiệp điều dưỡng
Chăm sóc chung:
- Thay băng chân sonde dẫn lưu đảm bảo vô khuẩn, đúng quy trình.
- Chăm sóc theo nguyên tắc: Dẫn lưu sạch trước, dẫn lưu nhiễm bẩn sau. Dẫn lưu phải được nối xuống túi vô khuẩn hoặc chai vô khuẩn có đựng dung dịch sát khuẩn, để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.
- Hướng dẫn người bệnh nằm nghiêng về bên có ống dẫn lưu để dịch thoát ra được dễ dàng, tránh làm gập, tắc ống dẫn lưu.
- Theo dõi về số lượng, màu sắc, tính chất của dịch qua ống dẫn lưu ra ngoài.
- Rút dẫn lưu đúng thời gian theo y lệnh.
2. Chăm sóc dẫn lưu ổ bụng
Đặt ống dẫn lưu ổ bụng sau phẫu thuật là đặt một ống trong ổ bụng để dẫn lưu máu, dịch tiết, mủ, khí... ra ngoài sau phẫu thuật.
Trong các phẫu thuật ổ bụng, phẫu thuật viên chia ra phẫu thuật ở tầng trên và tầng dưới ổ bụng hay phía trên mạc treo đại tràng ngang và phía dưới mạc treo đại tràng ngang để tiến hành đặt dẫn lưu dịch cho hiệu quả.
- Tầng trên mạc treo đại tràng ngang, phẫu thuật viên thường đặt dẫn lưu ở dưới gan trong các phẫu thuật dạ dày - tá tràng, gan mật. Đặt dẫn lưu hố lách trong các phẫu thuật về lách.
- Tầng dưới mạc treo đại tràng ngang, phẫu thuật viên thường đặt dẫn lưu ở túi cùng Douglas trong hầu hết các phẫu thuật viêm phúc mạc, các phẫu thuật có khâu nối ống tiêu hóa.
2.1. Mục đích của đặt dẫn lưu ổ bụng sau phẫu thuật:
- Mục đích điều trị: Nhằm lấy hết dịch, mủ, khi ra ngoài, vì nếu còn đọng lại thì tình trạng nhiễm khuẩn có nguy cơ tái diễn.
- Mục đích phòng ngừa: Đề phòng ứ đọng dịch sau phẫu thuật, giúp theo dõi các nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật hoặc theo dõi diễn biến nơi vừa can thiệp thông qua theo dõi số lượng, màu sắc, tính chất dịch mỗi ngày.
2.2. Điều dưỡng cần nhận định chính xác vị trí, vai trò của từng loại dẫn lưu.
- Chăm sóc dẫn lưu đúng quy trình, đảm bảo vô khuẩn.
- Cố định chân sonde dẫn lưu, tránh đầu sonde dẫn lưu di động chọc vào các tạng trong ổ bụng.
- Nhận định màu sắc dịch qua sonde dẫn lưu:
- Nhận định xem ống dẫn lưu có thông hay không? Có dịch chảy ra hay không?
- Nhận định tính chất dịch chảy ra: Là dịch còn sót lại trong quá trình phẫu thuật hay là dịch rò rỉ của ống tuyến tiêu hoá? Là máu tươi chảy ra hay là dịch máu còn đọng cũ trong quá trình phẫu thuật?
- Thời gian rút dẫn lưu ổ bụng: Thông thường, dẫn lưu ổ bụng đạt được mục đích khi người bệnh có trung tiện, ống dẫn lưu không chảy máu, dịch thì có thể rút dẫn lưu. Thông thường khoảng ngày thứ 3 sau phẫu thuật, không nên để lâu vì dẫn lưu chính là một dị vật của ổ bụng kích thích gây dính ruột.
3. Chăm sóc sonde dẫn lưu Kehr
Ống dẫn lưu Kehr là một ống thông có hình chữ T, trong đó dịch mật sẽ được dẫn lưu ra 2 nhánh, một phần vào đường tiêu hóa và một phần đi ra ngoài qua da.
3.1. Mục đích tác dụng của dẫn lưu Kehr
- Giảm áp lực đường mật, dẫn lưu dịch mật nhiễm khuẩn từ ống mật chủ ra ngoài.
- Phần dịch mật dẫn lưu ra ngoài giúp bác sĩ quan sát, theo dõi tình trạng đường mật sau phẫu thuật và có hướng điều trị nếu cần thiết.
- Làm đường hầm chắc chắn cho quá trình tán sỏi sau phẫu thuật khoảng 1 tháng.
- Thông qua sonde Kehr để chụp kiểm tra đường mật.
- Bơm rửa đường mật sau khi phẫu thuật.
- Làm nòng thông đường mật bị tắc nghẽn do ung thư.
- Theo dõi chảy máu đường mật sau phẫu thuật.
3.2. Chăm sóc tại chỗ:
- Sonde dẫn lưu Kehr được nối vào túi vô khuẩn, túi được đặt thấp hơn vị trí ống mật để tránh trào ngược
- Làm đường gấp khúc: Quấn sonde dẫn lưu Kehr 1 vòng quanh cuộn băng mềm ở đoạn vừa chui ra khỏi thành bụng, tránh gấp ở chỗ ngã 3.
- Chân sonde dẫn lưu Kehr: Bình thường dịch mật ko qua chân sonde dẫn lưu Kehr. Nếu có, thì phải khâu bớt da tại chân sonde, nếu thấy sưng, nóng, đỏ, đau thì tiến hành thay băng chân sonde dẫn lưu Kehr hằng ngày.
- Theo dõi số lượng dịch mật qua Kehr hằng ngày:
- Sau phẫu thuật, ngày đầu chưa có nhu động ruột, cơ oddi bị viêm, phù nề, nên dịch mật chủ yếu qua Kehr ra ngoài, số lượng khoảng 300 - 500ml/24 giờ.
- Khi có trung tiện: (3 - 4 ngày sau mổ) 1 phần dịch mật xuống tá tràng, dịch mật qua Kehr giảm xuống còn 200 - 300ml/24 giờ. Từ ngày thứ 5 - 6 trở đi: Dịch mật qua Kehr khoảng 150 - 200ml/24 giờ.
- Màu sắc dịch mật qua sonde dẫn lưu Kehr.
- Lúc đầu dịch mật còn bẩn, nhiều bùn mật hoặc máu, mủ.
- Ở những ngày sau dịch mật có màu vàng trong.
- Đối với trường hợp có nhiều bùn mật cần bơm rửa Kehr để tránh tắc, bơm rửa đường mật: Bằng huyết thanh mặn đẳng trương ấm, bơm với áp lực nhẹ.
- Rút dẫn lưu Kehr.
- Dẫn lưu Kehr cần được kiểm tra trước khi rút, kiểm tra bằng cách kẹp ống dẫn lưu ngắt quãng, nếu trong quá trình kẹp, người bệnh không đau bụng, không có biểu hiện vàng da tăng lên → Không còn tắc nghẽn → Có thể rút được.
- Sau 10 - 14 ngày, chụp X quang đường mật qua Kehr để bảo đảm: Không còn sót sỏi, thuốc cản quang xuống tá tràng tốt, thuốc cản quang không rò vào xoang bụng, kẹp Kehr liên tục >48 giờ không đau, không sốt. Nếu có đau chứng tỏ đường mật chưa thông.
- Khi rút phải rút liên tục, vừa phải, tránh rút nhanh sẽ làm hở miệng nối tại ống mật chủ.
- Rút xong, không cần khâu lại vết thương ngay chân ống Kehr, do sau khoảng 2 tuần thì phúc mạc và tạng trong ổ bụng đã tạo đường hầm quanh ống Kehr nên khi rút ống thì mật sẽ theo đường hầm đó ra ngoài nhưng không gây viêm phúc mạc mật, sau đó nó sẽ tự bít lại do áp lực dương của ổ bụng nên dịch mật không thoát ra được nữa.
4. Chăm sóc sonde dạ dày:
Đặt sonde dạ dày là phương pháp dùng ống sonde vào dạ dày để nuôi dưỡng trực tiếp thức ăn từ cơ thể người bệnh, hút dịch dạ dày và theo dõi tình trạng của dạ dày.
Kỹ thuật đặt sonde dạ dày có 2 cách phổ biến là:
- Đường từ miệng đến dạ dày.
- Đường từ mũi đến dạ dày.
Chỉ định đặt ống thông dạ dày:
- Người bị ung thư lưỡi, ung thư thực quản.
- Người bệnh hôn mê.
- Người bệnh nuốt khó do liệt mặt.
- Người mắc viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính hoặc ung thư dạ dày, chảy máu dạ dày...
- Người bệnh chướng bụng do tắc ruột cơ học, tắc ruột cơ năng.
- Dị dạng ở đường tiêu hóa.
- Người bệnh rửa dạ dày do ngộ độc thực phẩm.
5. Chăm sóc ống sonde niệu đạo - bàng quang
Dẫn lưu niệu đạo - bàng quang được đặt nhằm mục đích: Theo dõi số lượng và màu sắc nước tiểu sau phẫu thuật.
Trong phẫu thuật tiêu hóa, dẫn lưu niệu đạo - bàng quang được đặt trong trường hợp người bệnh bí tiểu hoặc có nguy cơ bí tiểu sau phẫu thuật. Người bệnh phẫu thuật nặng không được đi tiểu hoặc hạn chế vận động những ngày đầu sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.