Bài viết bởi Bác sĩ Lại Đỗ Quyên - Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Những thắc mắc mà bạn hay tự hỏi là: răng sau khi chữa tủy hay điều trị tủy sẽ trở thành răng chết, liệu răng có dùng được không và răng tồn tại được trong bao lâu,...? Đó là những vấn đề ở bài viết này, chúng tôi – những nha sĩ của bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City muốn chia sẻ cùng bạn.
1. Vì sao răng sau khi được chữa tủy lại trở thành răng chết?
Tủy răng là một mô liên kết đặc biệt gồm mạch máu và thần kinh, nằm trong hốc tủy ở giữa mỗi răng và được bao quanh bởi mô cứng của răng (gồm men và ngà răng). Mạch máu và thần kinh tạo nên tủy răng được tách ra từ các nhánh mạch máu, thần kinh ở vùng mặt và đi vào răng từ đỉnh của chân răng.
Tủy răng có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tổ chức răng, tái tạo tổ chức ngà răng, bảo vệ răng và đem lại cảm giác cho răng.
Chữa tủy hay điều trị tủy là thủ thuật mà toàn bộ tủy răng gồm phần tủy bị bệnh và phần tủy còn lại phải được lấy đi hết. Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, khi không còn mạch máu và thần kinh thì tổ chức đó sẽ bị chết và răng cũng vậy.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về răng
Răng là bộ phận quan trọng, giúp một người sử dụng miệng để ăn, nói, cười và tạo hình dạng cho khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về răng mà có thể bạn chưa từng biết. Hãy cùng trả lời nhanh 9 câu hỏi trắc nghiệm sau để thử hiểu biết của bạn về răng.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Khi răng bị chết thì có dùng được không?
Các bộ phận khác khi bị chết sẽ không dùng được và phải được loại bỏ ngay ra khỏi cơ thể để tránh những biến chứng gây chết người nhưng riêng răng thì không? Tại sao lại như vậy?
Vì:
- Cấu tạo tổ chức cứng của răng chủ yếu là chất vô cơ, gồm muối Hydroxy Apatide và Fluor Apatide, trong đó men răng chứa 96% và ngà răng chiếm 70-80%. Do cấu tạo như vậy nên khi tủy răng không còn, tổ chức cứng vẫn tồn tại và răng không bị teo đi.
- Tổ chức cứng của răng, ngoài tủy, còn được nuôi dưỡng bởi nước bọt và luôn được giữ ẩm bởi nước bọt trong miệng nên răng vẫn đảm bảo được chức năng thẩm mỹ và ăn nhai. Tuy nhiên các chức năng này sẽ bị suy yếu đi do thiếu vai trò của tủy răng.
3. Răng sau khi chữa tủy sẽ tồn tại được trong bao lâu?
Răng sau khi chữa tủy sẽ có rất nhiều thay đổi, không còn chắc khỏe như ban đầu vì răng chỉ còn lại men răng và ngà răng, phần ngà răng sẽ không được liên tục tái tạo, lâu ngày sẽ dẫn đến một số hiện tượng như:
- Độ bền chắc của răng giảm dần: nguồn nuôi dưỡng chủ yếu cho răng là tủy đã bị lấy hết nên độ bền chắc của răng sẽ giảm dần theo thời gian.
- Răng trở nên giòn và dễ vỡ: khi tủy răng không còn, ngà răng và men răng mất hẳn đi độ bền và sức dẻo dai, đàn hồi. Tủy răng giúp răng cảm nhận được nhiệt độ và lực tác động nhờ thế mới có những tương tác thích nghi tránh được tình trạng mẻ, vỡ bất thường. Khi tủy răng mất đi, khả năng cảm nhận này sẽ không còn, răng sẽ không thích nghi được với tác động nhiệt và ngoại lực, vì thế mà răng dễ bị vỡ dọc hoặc gãy ngang thân răng. Mặt khác, răng sau khi chữa tủy thường có miếng trám lớn, sự bám dính của miếng trám với các mặt của răng đôi khi không tốt khiến răng không thể vững thành một khối để hàng ngày chống lại tác động liên tục của lực nhai.
- Sức nhai của răng giảm: răng không còn bền chắc và không có tủy răng nên không cảm nhận được thức ăn, vì thế, răng không chỉ có độ chịu lực kém mà còn không nhận biết được tính chất của thức ăn để tạo lực nhai phù hợp. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến cho răng dễ vỡ. Vì không cảm nhận được thức ăn nên răng không tạo được lực phù hợp khiến răng bị vỡ khi gặp thức ăn quá cứng hoặc quá dai.
- Răng sẽ bị mòn sau khi lấy tủy: tủy có vai trò tạo ngà răng liên tục để bồi đắp lại những tổn thương của răng do ăn nhai. Sau khi lấy tủy, ngà răng không còn được bồi đắp liên tục nữa nên theo thời gian, răng sẽ bị bị mòn dần.
- Miếng trám trên răng lấy tủy lâu ngày sẽ bị bong tróc ra sẽ khiến cho các vi khuẩn tấn công, tạo ổ dịch làm hư tổn răng hoàn toàn, khiến bạn phải đi chữa răng lại lần nữa, đôi khi vi khuẩn sẽ tấn công lan sang những răng khỏe mạnh còn lại.
- Răng sau khi chữa tủy có thể vẫn bị sâu do thức ăn và cặn bẩn giắt vào những lỗ trên mặt răng hay ở những chỗ khó làm sạch. Ngoài gây sâu răng, thức ăn phân hủy còn gây mùi hôi, cao răng và các bệnh lý răng miệng liên quan.
- Do răng không còn cảm giác nên nhiều khi lỗ sâu to hay răng bị vỡ, mẻ mà bạn không để ý đến. Điều này rất nguy hiểm vì có thể răng phải nhổ bỏ do mất quá nhiều tổ chức.
Nếu răng đã lấy tủy không được bảo vệ ngay sau khi chữa tủy thì răng sẽ không đảm bảo được chức năng ăn nhai và sẽ không tồn tại lâu được lâu trong miệng.
4. Cách chăm sóc và bảo vệ răng sau khi chữa tủy như thế nào?
Răng sau khi chữa tủy nếu được chăm sóc và bảo vệ đúng cách sẽ tồn tại được lâu trong miệng để đảm bảo đầy đủ chức năng của răng là ăn nhai, nói, thẩm mỹ và bảo vệ.
Cách chăm sóc và bảo vệ răng đã chữa tủy gồm:
- Việc tái tạo lại thân răng sau khi chữa tủy rất quan trọng. Vật liệu hàn phải phù hợp để thân răng đủ vững chắc. Đôi khi thân răng bị mất nhiều do sâu, vỡ, tổ chức răng còn lại ít, nha sĩ phải “gia cố” thêm phần chốt cắm vào ống tủy của chân răng để thân răng thật vững, chịu được lực nhai.
- Răng đã chữa tủy nên được bọc lại càng sớm càng tốt. Các nghiên cứu chỉ ra răng, việc bọc lại răng đã chữa tủy bằng một chụp hay mão răng nên tiến hành ngay sau khi hoàn tất việc chữa tủy sẽ đem lại hiệu quả bảo vệ răng cao nhất. Nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn về vật liệu làm chụp để vừa đảm bảo chức năng ăn nhai của răng, vừa đảm bảo chức năng thẩm mỹ cho hàm răng.
- Chế độ ăn uống: bạn nên hạn chế ăn các loại thức ăn quá cứng, quá dai, quá nóng hay quá lạnh để tránh tổ chức răng không thích ứng kịp gây nứt, vỡ răng.
- Bạn nên nhai kỹ và nhai chậm đồ ăn cũng như tránh nhai nhiều ở răng đã chữa tủy để tránh gây nứt, vỡ răng.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách. Đánh răng sạch và làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa ít nhất là 1 lần/ngày.
- Bạn nên đi khám và lấy cao răng định kỳ để đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ, phát hiện kịp thời sâu răng, biến chứng sau chữa tủy răng có thể xảy ra.
Khi có các vấn đề răng miệng, bạn có thể lựa chọn khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Tại Vinmec, bệnh nhân sẽ được thăm khám và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc chuyên khoa hiện đại, vô khuẩn tuyệt đối.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.