Cây thông thảo có tác dụng gì?

Thông thảo là vị thuốc Đông y có vị ngọt nhạt, tính hàn; vào kinh phế và vị. Nó thường được sử dụng để điều trị các chứng lâm, thấp ôn như bệnh lậu đái buốt, mắt mờ, thủy thũng hoặc sưng phù,... Bên cạnh đó, thảo dược này còn được biết đến với công dụng chữa tắc tia sữa và ý dĩ lợi sữa sau sinh ở phụ nữ.

1. Cây thông thảo là cây gì?

Cây thông thảo có tên khoa học là Tetrapanax papyriferus (Hook.) K. Koch – Araliaceae

1.1. Giới thiệu về cây dược liệu:

  • Cây thông thảo là loại cây thân gỗ xốp có chiều cao trung bình khoảng 3 – 6 m.
  • Lá cây to chia thành nhiều thùy, mép lá có dạng răng cưa.
  • Hoa thông thảo có màu trắng.
  • Quả thông thảo có màu tím đen, dẹt gần như dạng hình cầu và có 8 cạnh.

1.2. Phân bố cây thông thảo

Cây thường mọc hoang ở những vùng miền núi phía Bắc ẩm ướt như ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn hoặc Hà Giang. Ngoài ra, cây thông thảo cũng có thể tìm thấy ở các tỉnh như ở Lai Châu hoặc Điện Biên. Hiện nay, ngoài mọc dại thì người dân cũng thường trồng dược liệu để lấy thuốc theo hai cách đó là chia gốc hoặc trồng bằng hạt.

1.3. Bộ phận dùng làm thuốc, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng làm thuốc là lõi của thân, rễ và nụ hoa
  • Thu hái: Lõi thân cây thông thảo được thu hái sau thời gian trồng khoảng từ 2 đến 3 năm
  • Chế biến: Sau khi thu hoạch thì cây thông thảo về đem cắt bỏ phần đầu và chia cây thành từng khúc dài từ 50 – 60 cm. Sau đó, người ta dùng que tròn có kích thước bằng lõi để đẩy phần lõi ra ngoài và đem phơi khô ngoài trời nắng. Tuyệt đối không sấy tránh gây ra tình trạng biến đổi chất lượng.
  • Bảo quản: Nơi khô ráo

1.4. Thành phần hóa học

Trong thành phần của cây thông thảo có chứa những thành phần hóa học như: inositol, polysaccharide, lactose và acid galacturonic.


Hình ảnh thực tế của cây thông thảo
Hình ảnh thực tế của cây thông thảo

2. Cây thông thảo có tác dụng gì?

  • Tính vị: Dược liệu có vị ngọt nhạt và tính hàn
  • Quy kinh: Vào kinh phế và vị
  • Chủ trị: Thường dùng trong điều trị các bệnh như sốt khát nước, ho và làm thuốc với tác dụng lợi sữa.

Theo những tài liệu cổ của Y Học Cổ Truyền, mỗi bộ phận của cây có một tác dụng riêng biệt.

Phần lõi thân cây thông thảo có công dụng:

  • Thanh nhiệt;
  • Lợi niệu;
  • Thông khí hạ nhũ;
  • Thanh nhiệt giải độc;
  • Trấn khái.

Phần rễ cây thông thảo:

  • Hành khí
  • Tiêu thực
  • Thúc sữa
  • Lợi thủy.

Theo những tài liệu cổ xưa vẫn còn áp dụng trong dân gian thì người ta thường dùng vị thuốc thông thảo trong điều trị những bệnh như lậu đái buốt, bệnh đái đỏ, thủy thũng đái ít, tỳ lạnh mắt mờ, chướng bụng, tắc mũi. Đồng thời, đây cũng là vị thuốc hữu ích đối với phụ nữ sau khi sinh đang cho con bú bị tắc sữa/ không có sữa.

Cách dùng: Dùng dược liệu dưới dạng thuốc sắc, nấu hay hầm với những thực phẩm khác. Liều lượng: Liều dùng trung bình khoảng 3 – 10 gam mỗi ngày.

3. Cây thông thảo chữa tắc tia sữa

Cây thông thảo có tác dụng tốt trong hành khí, thông sữa nghĩa là trị tắc và thiếu sữa sau khi đẻ.

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị: 10 gam cây thông thảo, 10 gam cám gạo nếp, 15 gam gạo bông (đem sao vàng), 300ml nước. Thực hiện: đem tất cả dược liệu đã chuẩn bị ở trên sắc cho đến khi còn khoảng 200ml nước thì ngưng lại. Chia thuốc đã sắc ở trên làm 3 phần và uống trong ngày.
  • Bài thuốc 2 - thông nhũ thang: Chuẩn bị: 6 – 8 gam thông thảo, 1 cặp móng giò lợn, 6 gam xuyên khung, 8 gam xuyên sơn giáp, 3 gam cam thảo Thực hiện: đem tất cả dược liệu đã chuẩn bị ở trên sắc thuốc uống trong ngày. Đồng thời, khi bị tắc tia sữa, bạn có thể dùng thêm nước hành để rửa vú bên ngoài.

Ngoài những bài thuốc Nam kể trên thì phụ nữ sau sinh có thể chế biến thông thảo với các thực phẩm khác làm thành món ăn có tác dụng lợi sữa sau sinh rất tốt. Một số những món ăn mà được sử dụng thường xuyên như:

  • Chân giò hầm thông thảo: chân giò lợn đen 1 đôi, thông thảo 4g, có thể thêm từ 2 đến 4g nhân sâm. Chân giò lợn làm sạch chặt nhỏ thành khúc dễ ăn, hầm với thông thảo, nhân sâm. Món này thích hợp cho sau đẻ ít sữa.
  • Cháo lô căn thông thảo trần bì: thông thảo 6g, sinh lô căn 30g, trần bì 2g, gạo nếp: 10g và gạo tẻ 60g. Đem tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên đem nấu cháo loãng, uống. Món này tốt cho người bị nôn thổ, nôn khan sau khi trải qua những bệnh lý về đường tiêu hóa hay thương hàn.

Cây thông thảo cần được sơ chế cẩn thận trước khi sử dụng
Cây thông thảo cần được sơ chế cẩn thận trước khi sử dụng

4. Lưu ý khi sử dụng vị thuốc thông thảo

Tuy nhiên, khi sử dụng những bài thuốc kể trên bạn cần lưu ý 2 điều quan trọng như sau:

  • Không sử dụng thuốc cho người bị thấp nhiệt, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
  • Phụ nữ đang mang thai không được dùng các bài thuốc thuốc kể trên.

Thông thảo là vị thuốc Đông y được sử dụng để điều trị các chứng lâm, thấp ôn như bệnh lậu đái buốt, mắt mờ, thủy thũng hoặc sưng phù,... Ngoài ra, thảo dược này còn được biết đến với công dụng chữa tắc tia sữa và ý dĩ lợi sữa sau sinh ở phụ nữ. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tránh các tác dụng phụ không mong muốn thì bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ, lương y có chuyên môn Y Học Cổ Truyền trước khi thực hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe