Cây riềng là một trong những loại gia vị phổ biến, góp phần tạo nên hương vị của rất nhiều món ăn Việt Nam. Ngoài ra, theo Đông y với tên gọi cao lương khương thì cây riềng là một vị thuốc phổ biến để chữa nhiều bệnh lý liên quan đến da, khớp, hô hấp.
1. Các đặc điểm của cây riềng
Cây riềng là loài cây cỏ nhỏ cao tầm 0,7 - 1,2m với thân rễ dài mọc ngang. Hoa của cây riềng có màu trắng đính kèm theo 2 lá hình mo, gồm màu xanh và trắng. Lá cây riềng có bẹ, không cuống, hình mác dài. Cây riềng mọc hoang hoặc dễ dàng trồng ở nước ta. Có thể thu hoạch riềng quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa thu đông hoặc trước khi mưa phùn của mùa xuân tới.
Ngoài loại riềng thường thấy ra còn có riềng nếp. Với sự khác biệt lớn nhất ở kích thước, riềng nếp to nhưng vị lại ít hăng cay hơn. Một loại khác chính là cây rong riềng hay còn gọi cây riềng đỏ, thuộc họ chuối hoa, trung bình cao từ 1,2 - 1,5m. Rễ cây rong riềng phình ra thành củ chứa nhiều tinh bột. Vốn dĩ đó là thân cây nhưng do nằm sát mặt đất nên thường gọi là củ riềng đỏ. Cây rong riềng có vị ngọt, mát với tác dụng thanh nhiệt, an thần...
2. Cây riềng có tác dụng gì trong điều trị bệnh?
Phần được sử dụng để điều trị bệnh là củ riềng. Củ riềng trong Đông y gọi là Cao lương khương, với ý nghĩa mang lại độ ấm. Có một số bệnh có thể sử dụng thêm hạt và lá riềng nhưng sẽ ít hơn.
Theo Đông y, riềng có những tác dụng điều trị như:
- Tiêu thực, tiêu sưng, giảm đau;
- Trị phong hàn;
- Nôn mửa, khó tiêu;
- Ợ hơi, ợ chua;
- Đau dạ dày;
- Đau bụng do lạnh, tiêu chảy;
- Đau nhức xương khớp;
- Chữa đau răng.
Ngoài những công dụng trên trong Đông y, Y Học Hiện Đại đã chứng minh thêm những tác dụng của cây riềng như:
- Kháng viêm, giúp sát trùng vết thương;
- Thải độc, thanh lọc cơ thể;
- Chống oxy hóa;
- Cải thiện chức năng lưu thông máu, giúp máu tuần hoàn tốt hơn;
- Kích thích tiêu hóa, chữa bệnh chán ăn;
- Điều trị tiêu chảy, chống buồn nôn;
- Ngăn ngừa sự lão hóa của não bộ;
- Tăng nhận thức;
- Phòng chống căn bệnh trầm cảm;
- Hỗ trợ tái tạo tế bào, giúp vết bỏng nhanh hồi phục;
- Ngăn ngừa ung thư vú;
- Hỗ trợ bảo vệ hệ miễn dịch giúp khỏe mạnh hơn;
- Tăng cường khả năng sinh lý.
Cây rong riềng còn được chứng minh khả năng tổng hợp các hạt nano bạc, giúp ức chế các vi sinh vật gây bệnh. Hơn nửa cây riềng đỏ có thể chống sự kết tập tiểu cầu, chặn đông máu và đặc biệt chống oxy hóa. Các công dụng này có ý nghĩa giống với các loại thuốc điều trị các bệnh về tim mạch như thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch máu,...
3. Một số bài thuốc từ cây riềng
Có thể điều trị một số căn bệnh đơn giản với thành phần chính là cây riềng như:
- Đau bụng do cảm lạnh: Sấy khô 200gr riềng tươi với 80gr hậu phác cùng với 120gr quế, bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát. Hàng ngày sắc 200ml nước với 12gr hỗn hợp cô thành 50ml. Dùng để uống từ 2 đến 4 ngày sẽ đỡ đau bụng.
- Đau bụng kinh: Với phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt bị đau bụng, có thể trực tiếp nhai và nuốt một lát riềng tươi. Ngay lập tức bụng sẽ ấm lên giúp cơn đi giảm nhanh hơn.
- Phong thấp: Một liệu trình liên tục từ 5 đến 7 ngày. Người bệnh có thể sử dụng 60gr củ riềng với 60gr vỏ quýt, 60gr hạt tía tô phơi khô tán nhỏ. Trong thời gian trị bệnh mỗi ngày hai lần lấy 4gr hỗn hợp khô pha với nước sôi để nguội để uống.
- Đau dạ dày: Bốc một thang thuốc gồm các dược liệu 6gr củ riềng, 4gr đinh hương, 6gr thanh bì, 15gr sơn tra, 6r vỏ quýt, 6gr mộc hương và 6gr cửu tiết xương bồ. Sắc thành thuốc đặc chia thành 3 lần uống trong ngày.
- Hắc lào: Đem giã nát 100gr củ riềng ngâm với 200ml cồn 90 độ. Thời gian ngâm càng lâu thì dược liệu càng có tác dụng. Dùng chất này bôi lên vùng da bị hắc lào nhiều lần trong ngày sẽ thấy tình trạng bệnh giảm dần
- Lang ben: Dùng 100gr củ riềng với 100gr củ chút chít, gọt vỏ rửa sạch và giã nát ra. Trộn hai dược liệu này với một quả chanh rồi đem đun nóng. Sử dụng bằng cách lấy bông y tế thấm đều dung dịch xoa lên vùng da cần điều trị. Chăm chỉ thực hiện trong 5 đến 7 ngày, mỗi ngày 2 lần sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Viêm họng: Đem gừng tươi cạo sạch vỏ rồi cho vào dung dịch với tỉ lệ 10gr muối - 100ml nước sôi để nguội. Ngâm trong vài ngày, mang ra giã nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô. Cuối cùng đem bột riềng thu được ngâm với nước chanh tươi khoảng 10 phút đến 15 phút rồi lại đem sấy khô. Lặp lại bước cuối cùng từ 3 đến 4 lần là có thể sử dụng. Khi viêm họng, lấy một nhúm bột ngậm chặt trong miệng, nuốt từ từ. Mỗi ngày hãy kiên trì ngậm từ 2 đến 3 lần sẽ giúp giảm đau họng. Bài thuốc này còn có hiệu quả với chứng đầy bụng, ho, đau răng,...
Tóm lại, trong Y Học Cổ Truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị nên có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu thức ăn, chữa đau bụng do lạnh, phong thấp, sốt rét, hắc lào, lang ben...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.