Cây nhọ nồi có công dụng giúp hạ sốt không?

Nhọ nồi là cây có chứa rất nhiều công dụng tốt như thanh nhiệt giải độc, cầm máu, bổ gan thận, chữa sốt xuất huyết... Vậy cây nhọ nồi có công dụng giúp hạ sốt không? Câu trả lời là có, do loại thảo dược này chứa nhiều hoạt chất để làm mát cơ thể.

1. Tìm hiểu về cây nhọ nồi

Cây nhọ nồi thuộc thân thảo, họ nhà cúc, có bộ rễ màu xám, chiều cao từ 20-40cm, thân màu xanh hoặc đỏ tía, nhiều lông cứng, hoa nhỏ màu trắng, tính hàn, vị chua, ngọt.

Cây nhọ nồi mọc ở một số vùng tại các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan,.. Cây mọc ở bờ bụi, kênh mương, bờ ruộng... khắp vùng trung du và đồng bằng. Nhọ nồi có thể dùng dưới dạng khô hoặc trực tiếp khi cây còn tươi.

2. Một số tác dụng mà cây nhọ nồi mang lại

Công dụng từ cây nhọ nồi mang lại cho sức khỏe con người như:

  • Cây nhọ nồi hạ sốt cho trẻ;
  • Cây nhọ nồi chữa sốt xuất huyết;
  • Giúp chống viêm, giảm đau, hạ hỏa, thanh nhiệt cơ thể;
  • Hỗ trợ nâng cao đề kháng, tạo hệ miễn dịch chắc khỏe cho cơ thể;
  • Giúp làm chậm quá trình oxy hóa, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư;
  • Làm ổn định huyết áp, tuần hoàn máu hiệu quả;
  • Giúp ích cho việc đau mỏi xương khớp;
  • Giúp cầm máu, giảm chảy máu;
  • Hạ cholesterol trong máu;
  • Giúp tóc đen, dài ra.

Cây nhọ nồi hạ sốt cho trẻ
Cây nhọ nồi hạ sốt cho trẻ

3. Cây nhọ nồi có công dụng giúp hạ sốt không?

Một trong những tác dụng của cây nhọ nồi là hạ sốt cho trẻ. Khi trẻ sốt nhẹ do cảm cúm thông thường hay sốt xuất huyết thì cây nhọ nồi sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sốt trên 39 độ thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt và đưa đến cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo an toàn.

Để làm bài thuốc hạ sốt bằng cây nhọ nồi, hái cả thân và lá, nhặt bỏ phần hỏng, sau đó rửa sạch bằng nước 3 - 4 lần, khi rửa tránh làm dập nát cây. Sau đó cho nhọ nồi ngâm với nước muối loãng trong thời gian khoảng 3 phút. Vớt ra để ráo và giã bằng cối sao cho thật nhuyễn, pha hỗn hợp đã giã nhuyễn với nước đun sôi để nguội, lọc ra rây để loại bỏ bã. Với trẻ sốt nhẹ thì cho uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa, nếu trẻ nhỏ khó uống có thể cho thêm chút đường, trẻ ho thì có thể cho thêm vài hạt muối tinh. Phần bã vừa lọc bỏ thì chia thành các phần rồi đắp ở trán, bẹn, nách để giúp trẻ giảm nhiệt độ xuống.

Với trẻ quá nhỏ thì không nên cho uống nước nhọ nồi khi không lọc kỹ để tránh tình trạng sặc do còn sót bã trong nước.

Có thể kết hợp nhọ nồi với lá tre, rễ cỏ tranh, hạ khô thảo, trắc bá diệp với liều lượng phù hợp với từng độ tuổi để hạ sốt, thanh nhiệt giải độc cho cả trẻ nhỏ và người lớn hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe