Cây lá bỏng có tác dụng gì?

Không chỉ là loại cây trang trí sân vườn mà cây lá bỏng còn có nhiều tác dụng như cầm máu, giảm đau, thông khí phổi, thúc đẩy tuần hoàn rất hiệu quả. Vậy cây lá bỏng chữa bệnh gì?

1. Cây lá bỏng là cây gì?

Cây lá bỏng có tên khoa học là Kalanchoe pinata (Lam.) Pers. Cây thuộc họ thuốc bỏng (Crassulaceae), còn được gọi nhiều tên khác như: cây trường sinh, cây sống đời, diệp sinh căn, và thuốc bỏng. Cây lá bỏng có sức sống cực lớn, ở mỗi kẽ lá khi gặp nhiệt độ và điều kiện ẩm thích hợp sẽ lại tiếp tục mọc lên một cây. Cây thường sẽ được tìm thấy nhờ mọc hoang sau đó được mọi người tìm kiếm về trồng làm cảnh và làm thuốc uống.

2. Tác dụng của cây lá bỏng

2.1 Sử dụng trong y học hiện đại

Tất cả những bộ phận của cây đều hoàn toàn có thể được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, vì thế nên không ít người còn gọi đây là loại cây thuốc bỏng. Bộ phận hay được dùng nhất của cây là lá. Lá cây bỏng có công dụng làm giảm đau, giải độc, tiêu thũng, cầm máu, và tiêu viêm, ... Lá cây cũng trị bỏng do nước, hoặc do lửa, trị các chứng đau nhức xương khớp, giải rượu, và viêm loét dạ dày ...

Tại hai nước là Indonesia và Malaysia, cây thường sẽ được dùng để chữa bệnh nhức đầu, đau mắt, viêm họng, ... Trong khi ở Ấn Độ sử dụng cây để chữa các vết côn trùng nhỏ cắn, sởi, và bầm da, ...

Với y học hiện đại, thì khi nghiên cứu cho thấy rằng cây lá bỏng chứa nhiều hoạt chất có lợi, trong đó Bryophylin có năng lực kháng khuẩn cực mạnh nên thường sẽ được ứng dụng trong điều trị bệnh về đường ruột, chữa những vết thương hở...

2.2 Theo Đông y

Cây lá bỏng có vị nhạt, hơi chua, tính mát không độc, có tác dụng chỉ thống, giảm đau, hoạt huyết, tiêu độc, tiêu thũng,... Ngoài những tác dụng đặc trưng là trị bỏng như tên gọi, thì cây lá bỏng còn dùng để chữa các loại bệnh như: bệnh sỏi thận, bệnh gút, ung loét, cao huyết áp và các loại bệnh về da, giảm sốt, chữa đau đầu, giảm đau, tức ngực, giảm ho, và điều hòa kinh nguyệt...

Ở một số vùng, người ta còn lấy lá bỏng non để nấu canh ăn và dùng làm loại thuốc đắp lên vết thương, mụn nhọt, hoặc mắt đỏ sưng đau. Do trong lá bỏng có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn nên cây lá bỏng còn được dùng cho các trường hợp bị viêm nhiễm ở trong và ngoài cơ thể như chữa bệnh đường ruột, hay viêm ruột, trĩ nội,...

3. Những bài thuốc và cách dùng lá bỏng chữa bệnh

3.1 Trị chấn thương do té ngã, tai nạn và các loại bỏng do nhiệt, rết cắn, và bầm máu

Chuẩn bị: Lá bỏng tươi. Đem lá bỏng tươi hái về rửa sạch và khử khuẩn bằng cách ngâm trong nước muối pha loãng. Sau đó cần giã nát, và đắp trực tiếp vào khu vực cần điều trị.

3.2 Chữa đau lưng, nhức mỏi xương khớp

Khi bạn làm việc quá sức gây đau lưng, hay mỏi lưng, đau vai gáy, đau cổ lấy lá bỏng hơ trên than lửa cho nóng sau đó đắp lên khu vực cần được giảm đau. Hiệu quả sẽ cảm thấy được rõ rệt và chú ý là không nên đắp lên vết thương hở.

3.3 Bài thuốc chữa bệnh viêm họng, và ho từ cây lá bỏng

Chuẩn bị: 10 cái lá bỏng. Trong số lá bỏng đã chuẩn bị ở trên thì chia ra làm 3 lần dùng, trong đó sử dụng 4 lá cho buổi sáng, 4 lá cho buổi chiều và 2 lá dùng trong buổi tối. Khi sử dụng, lấy lá đem nhai sống, rồi từ từ nuốt cả nước lẫn bã cho những chất trong lá bỏng thấm vào cổ họng. Áp dụng khoảng 3 ngày 1 lần sẽ thấy những triệu chứng được cải thiện.

3.4 Trị bệnh, viêm nhiễm đường ruột, viêm loét dạ dày, và bệnh trĩ nội có biểu hiện bị đi cầu ra máu

Chuẩn bị: 50g lá bỏng. Sau khi mà rửa sạch lá bỏng thì đem đi vò nát. Sắc lấy nước đặc và chia ra làm 2 lần uống trong ngày.

3.5 Chữa mất sữa ở những bà mẹ sau sinh, khó ngủ, hoặc bị mất ngủ với cây thuốc bỏng

Chuẩn bị: 8 cái lá bỏng, nhai nuốt hết số lá bỏng đã chuẩn bị ăn tương tự như ăn rau sống. Mỗi ngày uống 2 lần vào mỗi buổi sáng và buổi chiều.

3.6 Chữa say rượu, giải rượu

Riêng đối với trường hợp người uống rượu, dân gian có 1 bài thuốc rất hay để giải rượu, trừ say là sau khi uống rượu lấy khoảng 10 lá bỏng rửa sạch, sau đó nhai và nuốt trực tiếp.

Chỉ khoảng sau 10 phút, nước lá bỏng sẽ làm mất đi tác dụng của rượu trong cơ thể, giúp người say tỉnh táo trở lại.

3.7 Điều trị bệnh bệnh ghẻ, chốc lở cho trẻ em

Chuẩn bị: Lá bỏng 1 nắm. Nấu lá bỏng lấy nước rồi cho trẻ uống mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần 20ml. Kết hợp và đem giã lá bỏng rồi đắp vào khu vực bị tổn thương. Thực hiện hàng ngày để có thể cải thiện những triệu chứng của bệnh ghẻ, chốc lở, và mụn nhọt.

3.8 Trị mụn trứng cá, mề đay, bệnh chàm

Chuẩn bị: Lá bỏng tươi. Nấu nước lá bỏng uống và vệ sinh những vùng da bị mụn. Ngoài ra có thể đem giã nát lá bỏng tươi đắp vào khu vực bị ảnh hưởng.

Ngoài những công dụng trên dân gian còn sử dụng lá bỏng trong điều trị nhiều bệnh lý khác như: viêm xoang, sốt xuất huyết, phong ngứa, ho gà cũng rất hiệu quả.

4. Lưu ý khi sử dụng cây lá bỏng

Khi sử dụng cây thuốc bỏng cần phải lưu ý:

  • Cần tham khảo ý kiến thầy thuốc, bác sĩ trước khi dùng cây lá bỏng chữa bệnh ở tại nhà.
  • Những bài thuốc từ lá bỏng thường cho tác dụng chậm. Hiệu quả vẫn chưa được khoa học chứng minh nhiều.
  • Kết quả điều trị sẽ phụ thuộc cơ địa và mức độ bệnh của các đối tượng sử dụng. Có người dùng thấy bệnh tình cải thiện hơn nhưng cũng có người ít hoặc là hoàn toàn không thấy được hiệu quả.
  • Trong thời gian sử dụng lá bỏng nếu như người dùng có các biểu hiện bị dị ứng hoặc là bệnh tình ngày càng tiến triển nặng hơn thì nên ngưng dùng ngay, và liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý.

Trên đây là các thông tin cụ thể về loại cây lá bỏng và cách sử dụng để có thể cải thiện các vấn đề sức khỏe. Trước khi áp dụng người bệnh cần phải tìm hiểu rõ, và cần phải đảm bảo vệ sinh trong khâu bào chế thuốc để không khiến cơ thể bị nhiễm khuẩn nặng thêm. Những cách chữa trị bệnh từ lá bỏng chỉ phù hợp đối với trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh không nên quá lạm dụng nếu như bệnh đã trầm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe