Cây chỉ xác có tác dụng gì?

Chỉ xác là một loại dược liệu thường sử dụng trong y học cổ truyền. Vị thuốc có mùi thơm, vị đắng, hơi chua thường được dùng để trừ đờm, táo thấp, lợi tiểu tiện, ra mồ hôi, hỗ trợ hoạt động của hệ thống tiêu hóa.

1. Chỉ xác là gì?

Chỉ xác có tên khoa học là Citrus aurantium L., họ Rutaceae (Cam). Tên gọi khác là Xuyên chỉ xác. Là quả bánh tẻ của cây cam (hái lúc gần chín), ngoài ra nguồn dược liệu còn được lấy từ cây thuộc chi Citrus họ cam Rutaceae. Chỉ xác quả được hái khi gần chín (quả bánh tẻ), quả to nên thường phải bổ đôi để phơi cho chóng khô. Chỉ là tên cây, xác tức còn cả vỏ và xơ vì do quả được bổ đôi phơi khô nên làm ruột quả bị quắt lại.

Chỉ xác có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Ấn Độ – Malaysia, sau lan rộng ra nhiều nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam và cả ở Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây được trồng và còn thấy mọc hoang dại (Võ Văn Chi, 1997), được trồng rải rác ở vùng đồng bằng và trung du các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số nơi khác.

Chỉ xác có hình bán cầu, đường kính 3 - 5cm, vỏ ngoài màu nâu hoặc nâu thẫm, ở đỉnh có những điểm túi tinh dầu dạng hạt trũng xuống, thấy rõ có vết vòi nhụy còn lại hoặc vết sẹo của cuống quả. Mặt cắt lớp vỏ quả giữa màu trắng vàng, nhẵn, hơi nhô lên, dày 0,4 - 1,3cm, có 1 - 2 hàng túi tinh dầu ở phần ngoài vỏ quả ngoài. Chất cứng, rắn, khó bẻ gãy. Ruột quả có từ 7 - 12 múi, một số ít quả có tới 15 - 16 múi. Múi khô, nhăn nheo, có màu nâu đến nâu thẫm, trong có hạt. Mùi thơm, vị đắng, hơi chua.

2. Bộ phận dùng, thu hái, bào chế và bảo quản

Bộ phận sử dụng là quả thu hái lúc gần chín. Thu hoạch chỉ xác vào tháng 7 – 8, lúc trời khô ráo, hái các quả xanh, bổ ngang làm đôi, phơi hoặc sấy nhẹ ở 40- 50°C cho tới khô. Để chỉ xác nơi khô ráo, tránh mốc mọt. Có 2 cách cách để bảo chế chỉ xác như sau:

  • Chỉ xác phiến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột, hạt, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô. Lát thái hình dải hay hình cung không đều, dài 5cm rộng đến 1,3cm. Quan sát lát ngang bề ngoài màu nâu đến nâu thẫm, giữa có màu nâu hơi vàng hoặc trắng, có 1 – 2 lớp túi tinh dầu ở phía ngoài vỏ, đôi khi thấy tép màu nâu hay tía đỏ, sợi cứng, mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
  • Chỉ xác sao cám: Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói cho Chỉ xác phiến vào sao đến khi có màu vàng thẫm lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội. Dùng 1kg cám cho 10kg Chỉ xác. Các phiến hình dải hay hình vòng cung không đều, hơi thẫm màu, đôi khi có vết cháy, mùi thơm nhẹ.

3. Tác dụng dược lý của Chỉ xác

Một số tác dụng dược lý của chỉ xác như sau:

Tác dụng trên tử cung và ruột cô lập

  • Trên tử cung cô lập của chuột nhắt có thai hoặc không có thai: Vị thuốc chỉ xác, chỉ thực có tác dụng ức chế sự co bóp, nhưng cũng có trường hợp không thấy có tác dụng.
  • Trên tử cung cô lập của thỏ có thai hoặc không có thai. Tác dụng không ổn định, khi thì ức chế, khi thì kích thích, khi lại không tác dụng.
  • Trên ruột chuột nhắt cô lập, thuốc có tác dụng ức chế là chủ yếu (khoảng 70%).
  • Các loại dịch chiết như sắc với nước, chiết bằng cồn hoặc chế cao lỏng có tác dụng như nhau.
  • Adrenalin cũng có tác dụng ức chế, nhưng thời khoảng tác dụng ngắn, còn chỉ thực, chỉ xác thì tác dụng kéo dài.

Tác dụng trên tử cung, dạ dày, ruột, thử tại chỗ (theo tài liệu Trung Quốc, 1956)

  • Trên tử cung thỏ có thai hay không, thuốc có tác dụng hưng phấn, gây tăng co bóp, có thể tới co cứng.
  • Trên dạ dày, ruột chó cũng thấy tác dụng hưng phấn, co bóp tăng nhưng nhịp co đều đặn.
  • Sự khác nhau giữa tác dụng trên cơ quan cô lập (ức chế) và thử tại chỗ (hưng phấn) có lẽ có vai trò của hệ thần kinh trung ương.

Tác dụng trên mạch máu, hệ tiết niệu và hô hấp

  • Thử trên huyết áp của chó gây mê thấy huyết áp tăng lên, dung tích của thận giảm, lượng nước tiểu bài xuất giảm.
  • Trên tim ếch cô lập, nồng độ thấp làm tim tăng co bóp, nhưng nồng độ cao co bóp lại giảm. Trên chuột thấy tác dụng ức chế tim.
  • Thử trên hệ mạch bụng ếch, thấy tác dụng co mạch.
  • Không có tác dụng giãn nở hoặc co khí quản cả chuột cống trắng.
  • Naringin, methyl hesperidin chiết từ chỉ xác tiêm vào màng bụng chuột cống trắng, liều 5mg, tim bị ức chế ngay sau khi tiêm. Dùng liên tục 9 ngày sẽ thấy tác dụng ức chế tối đa vào ngày thứ ba. Cũng có khuynh hướng làm giảm huyết áp.

Tác dụng trên hệ tiêu hóa

  • Vỏ quả có tác dụng làm tăng độ acid của dịch vị.
  • Thử lâm sàng điều trị bệnh lỵ trực khuẩn cho 55 trẻ em (31 cấy phân dương tính, với 13 là Shigella flexneri và 6 là S.shiga). Tiến hành 3 bước:
  • Bước 1: Quét sạch tích trệ đường tiêu hóa bằng chỉ xác và đại hoàng.
  • Bước 2: Điều trị triệu chứng dựa vào diễn biến bệnh lý như chữa sốt bằng hoàng cầm, chữa đại tiện га máu bằng a giao.

4. Tác dụng của chỉ xác theo y học cổ truyền

Chỉ xác có vị the, chua, đắng, mùi thơm, tính hơi hàn, vào kinh tỳ, vị, có tác dụng tiêu tích trệ, hạ khí. thông trường vị, trừ đờm, tiêu thực (sao giòn), cầm máu (sao tồn tính).

Công dụng

  • Quả: chữa thần kinh dễ bị kích thích, đánh trống ngực, hụt hơi, bệnh thần kinh gây mất ngủ, trằn trọc ban đêm, động kinh, đau nửa đầu, ăn uống không tiêu, đầy hơi, tích trệ, ho đờm, tiểu tiện khó.
  • Ngày 6 – 12g, có thể hơn, dưới dạng thuốc sắc bay ngâm rượu.
  • Hoa của chỉ xác chữa bệnh co thắt và làm thuốc an thần gây ngủ nhẹ. Dùng khoảng 1 thìa súp hoa tươi, hãm nước sôi trong 10 pհút, rồi uống. Hoa tươi đem cất sẽ được tinh dầu và nước cất hoa được dùng làm hương liệu và làm thơm thuốc.
  • Lá thuốc dễ tiêu hóa, dùng 3 – 4 lá hãm với nước sôi trong 15 phút rồi uống.
  • Dịch quả tươi; chữa bệnh chảy máu chân răng.

Chú ý: Người có thai, gầy yếu quá, tỳ vị hư hàn mà kհôոց có thấp và tích trệ, không nên dùng chỉ xác.

5. Bài thuốc kinh nghiệm thường được sử dụng

  • Chữa táo bón: Chỉ xác, bồ kết, lượng bằng nhau. Hai vị phơi khô, tán nhỏ làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Chữa đại tiện không thông, nôn nghén: Chỉ xác, mộc thông, mỗi vị 8g sắc uống.
  • Chữa trẻ em can tích, hôi miệng, bụng to căng, thường hay đau bụng, phân thối khắm: Chỉ thực 8g, nghệ đen 6g, quả giun 6g. Sắc uống, hoặc sao, tán bột, uống mỗi lần 5 – 6g với nước sắc hạt muồng sao.
  • Chữa dạ dày, gan kém hoạt động, khó đi ngoài: Chỉ thực 20g, bạch truật 6g. Sắc chia 3 lần uống mỗi ngày: “Chỉ truật thang” (bài thuốc của Trương Trọng Cảnh)

Chỉ xác là một vị thuốc quý. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Chỉ xác có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm mà hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe