Không khó để tìm thấy những cây chàm trên đất nước ta, đặc biệt là ở các vùng đất hoang, địa hình cao. Vậy tại sao có những cái tên như cây chàm đỏ, chàm đất và cây chàm có tác dụng chữa bệnh thế nào? Tìm hiểu thông tin qua bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
1. Cây chàm xuất phát từ đâu?
Cây chàm chủ yếu phân bố ở các vùng núi cao Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ và một số nước châu Mỹ. Là loài cây liên nhiệt đới, có thể mọc hoang ở những nơi có độ cao lên đến 2000m. Cũng có thể trồng cây chàm đất bằng hạt vào mùa mưa tầm tháng 2 - 5 và thu hoạch vào tháng 6 - 8. Gốc cây chàm sau khi thu hoạch sẽ nảy mầm trong vòng 1 tháng, sau đó có thể thu hoạch lần nữa.
Cây chàm là loại cây nhỏ được trồng hàng năm, cao trung bình từ 50 - 70 cm, cành cây non có lông ngắn màu trắng. Lá cây chàm mọc so le, hình cánh kép, có khoảng 7 đến 15 lá chét. Hầu như tất cả lá đều dài khoảng 3 - 5cm; lá nhỏ hơn sẽ dài 1.5 - 1.8cm. Quả chàm dài khoảng 2.5cm, chứa 5-12 hạt, hình hơi lập phương. Chàm cũng được thu hoạch vào mùa thu, trước khi cây ra hoa. Khi khô, lá có màu xanh lục, làm nổi rõ các đường gân. Lá cây bao phủ 1/5 đến 1/2 phần gần như nhẵn, không có lông.
2. Cách điều chế cây chàm
Cây chàm mới hái về cần phải xếp ngay vào thùng gỗ sạch. Có những nơi khi điều chế bột chàm chỉ hái lá chứ không sử dụng phần cành. Sau đó ngâm 2 - 3 ngày vào mùa nóng và 5 - 6 ngày vào mùa mát với nước lạnh chờ lên men. Sau khi đã lên men thì đổ bỏ phần nước và lọc qua rây để loại bỏ bã lá. Sử dụng thêm vôi để kiềm hóa phần nước, thường dùng 8-10kg vôi cho 100kg chàm. Dùng cành cây hoặc que khuấy liên tục trong vòng 4 - 6 giờ để cho oxy hóa. Dung dịch sẽ sủi bọt và chuyển sang màu xanh lam. Lấy bột chàm ra, ép hết nước, thái nhỏ rồi phơi khô ở môi trường thoáng mát. Trong thời gian phơi khô có thể thấy tình trạng mốc và có mùi amoniac. Phải cạo sạch phần nấm mốc đó trước khi mang ra sử dụng.
Với phương pháp sử dụng vôi của người miền núi, phần bột chàm dễ lẫn nhiều tạp chất, cứ 100 kg cây thì thu được khoảng 3kg chàm. Nhưng nếu làm kỹ hơn thì chỉ được khoảng 200 - 400gr. Tùy thuộc vào phương pháp sản xuất mà bột chàm sẽ có độ tinh khiết cao hay thấp.
3. Cây chàm đất chữa bệnh gì?
Theo Y Học Cổ Truyền chiết xuất từ cây chàm có thể thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, làm mát máu, giảm sưng tấy và lợi tiểu. Còn theo các nghiên cứu của y học hiện đại ngày nay, cây chàm có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, bảo vệ chức năng gan và kháng khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ hay khuẩn tả.
Ở Ấn Độ, cây chàm được ép lấy nước trộn với mật để uống chữa viêm lợi, lở mồm, tưa lưỡi hoặc dùng như một loại thảo dược băng bó khi bị gãy xương. Lá cây còn được sử dụng chữa viêm họng, động kinh, trị ho gà và làm thuốc bôi điều trị lở loét.
Để chữa viêm lợi, chảy máu chân răng có thể sử dụng bài thuốc gồm 40gr phèn chua, 80gr thanh đại, 2gr hồng hoàng, 2gr băng phiến tán mịn. Trước khi sử dụng hỗn hợp này cần vệ sinh răng miệng bằng nước muối loãng rồi bôi thuốc lên vị trí viêm. Chỉ nên ngậm trong vòng 15 phút rồi súc miệng sạch sẽ. Một ngày nên bôi từ 1 - 2 lần sau bữa ăn. Kiên trì trong khoảng 5 - 7 ngày sẽ thấy bệnh tình đỡ hơn.
Có 2 phương thuốc từ cây chàm để chữa viêm gan cấp tính. Cách 1 là sử dụng 12gr bột chàm với 24gr phèn chua nghiền mịn, mỗi lần uống 2gr, ngày 3 lần. Cách 2 là kết hợp bột chàm với phèn chua theo tỷ lệ 1 - 6, mỗi lần sử dụng sẽ pha 2gr với nước ấm, uống 3 lần mỗi ngày.
4. Những chú ý cần biết khi sử dụng cây chàm chữa bệnh?
Để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả khi điều trị bệnh bằng cây chàm, người dùng cần lưu ý như sau:
- Do mang tính hàn nên những người bị lạnh trong cơ thể không nên sử dụng bột chàm.
- Với cây chàm, chỉ nên sử dụng tối đa 6gr trong một ngày, còn với bột cây chàm thì chỉ nên sử dụng dưới 3gr.
- Cây chàm thường được sử dụng dưới dạng bột hoặc dùng để sắc lấy nước, dùng làm thuốc bôi ngoài da. Tùy từng mục đích mà chỉ sử dụng riêng chiết xuất cây chàm hay kết hợp với các loại thảo dược khác.
- Cây chàm sau khi được điều chế thành bột cần bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao và không được để trực tiếp dưới ánh mặt trời. Nên đựng ở trong hộp kín tránh gió và bụi bẩn xâm nhập.
- Chưa có nghiên cứu nào chứng minh được cây chàm an toàn với phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Chính vì vậy trước khi sử dụng cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Cần ngưng sử dụng các chiết xuất từ cây chàm trước những ca phẫu thuật ít nhất 2 tuần.
Cây Chàm được sử dụng trong các bài thuốc Đông y để thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm và điều trị một số bệnh lý trong cơ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng, người dùng nên trao đổi với thầy thuốc trước khi sử dụng dược liệu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.